Tăng lương, xuất khẩu 'cứu' GDP 2012
(InfoTV) - Nhiều chuyên gia kinh tế đến trước thời điểm Tổng cục Thống kê công bố con số tăng trưởng GDP vẫn cho rằng, mức tăng khoảng 5% là “khó tin” khi nhìn vào tín dụng ít mở rộng và đầu tư so với GDP thấp xuống nhanh chóng.
Theo các con số dự báo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh doanh khó khăn đang đẩy khoảng 55.000 doanh nghiệp đi đến phá sản, ngừng hoạt động trong năm nay. Do các doanh nghiệp có đóng góp khoảng hơn 50% GDP, như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Nhưng trong các phân tích của Tổng cục Thống kê, tăng lương và xuất khẩu là hai động lực chính tác động đến tăng trưởng GDP trong năm nay, xét ở trên hai góc độ khác nhau là sản xuất và sử dụng.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2012 vẫn đạt 5,03%, chủ yếu dựa trên tăng trưởng cao của các hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, sự nghiệp công.
Nguyên nhân được Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) đưa ra là do từ ngày 1/5/2012, lương cơ bản đã tăng 26%, phụ cấp công vụ tăng 10%. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ này cho hay, những khoản tăng lương, phụ cấp này tác động thẳng vào phần giá trị tăng thêm, khiến cho GDP “hưởng lợi”.
Kết quả từ chính sách trên đã khiến cho GDP lĩnh vực quản lý nhà nước tăng 7,34%; giáo dục và đào tạo tăng 7,36%; y tế tăng 7,37%; khoa học, công nghệ tăng 7,18%... Những nhân tố này góp phần làm cho khu vực dịch vụ tăng 6,35% và đóng góp vào GDP đến 53% tương đương với 2,67 điểm phần trăm tăng trưởng.
Liên quan đến số liệu của Bộ Tài chính về tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh rằng, việc tiết giảm 5-10% chi phí quản lý trong năm 2012 tại 83 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, với mức đăng ký thực hiện là 12.486,7 tỷ đồng. Ông Tuyến cho biết, phần giảm này là chi phí trung gian, không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng.
Tuy nhiên, điều này cũng hàm ý rằng, một phần đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP trong năm nay không đến từ năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mà chủ yếu là từ điều chỉnh chính sách.
Còn trên giác độ sử dụng, xuất khẩu đang là nhân tố “cứu” tăng trưởng GDP năm 2012. Theo tính toán của Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GDP 7,23 điểm phần trăm, trong khi nhập khẩu đóng góp 4,27 điểm phần trăm.
Như vậy, chênh lệch xuất nhập khẩu có đóng góp 2,96 điểm phần trăm vào tăng trưởng, chiếm 58,94% mức tăng trưởng GDP cả năm nay.
Tuy nhiên, theo lưu ý của ông Tuyến, việc nhập khẩu tăng thấp hơn xuất khẩu không phải là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Bởi vì, nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất, việc giảm nhập khẩu không phải là tốt, vì sản xuất trong những tháng đầu năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn do thiếu nguyên vật liệu.
Thêm vào đó, tăng trưởng xuất khẩu lại chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI, với khoảng 10 nghìn doanh nghiệp dường như không chịu tác động từ những khó khăn của thị trường.
Ông Tuyến cảnh báo rằng, trong mặt ngắn hạn có thể chấp nhân xu hướng này, nhưng ở điều kiện dài hạn thì đây không phải tín hiệu đáng mừng. Ông cho rằng, nếu không có biện pháp cụ thể để vực dậy các doanh nghiệp trong nước kể cả các doanh nghiệp Nhà nước thì nền kinh tế đang tự tái cơ cấu về mặt sở hữu.
Vấn đề còn lại là điều gì sẽ xảy ra nếu các doanh nghiệp FDI rút đi sau khi đã sử dụng cạn kiệt tài nguyên, đất đai, sức lao động và nhiên liệu giá rẻ?
Một quan ngại khác là tiêu dùng cuối cùng tăng thấp, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 3,47%, thấp hơn mức tăng trưởng GDP. Ông Tuyến cảnh báo diễn biến này phản ánh sức mua của người dân giảm, đời sống của đại bộ phận dân cư vẫn còn nhiều khó khăn.
Từ tiêu dùng dân cư xuống thấp, đầu tư xã hội chỉ đạt khoảng 33,5% GDP, thấp hơn mức 34,6% của năm ngoái, dường như niềm tin vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi.
InfoTV
(Theo NDH)
(Theo NDH)