Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Unemployment rate

Unemployment rate (giang le)

Trước đây đa số người Việt không mấy ai quan tâm hoặc biết đến số liệu thống kê thất nghiệp. Dù đây là một chỉ số quan trọng cho các nền kinh tế phát triển nhưng với một nước nông nghiệp nghèo như VN thống kê về thất nghiệp không có mấy giá trị và chưa kể độ chính xác luôn là một dấu hỏi. Tuy nhiên tôi vẫn hoan nghênh việc TCTK và Bộ LĐTBXH (với sự giúp đỡ của ILO) tiến hành thống kê và công bố các chỉ số lao động việc làm, cho dù bộ số liệu này còn cần được cải thiện. Bởi vậy tôi lấy làm tiếc khi dư luận gần đây công kích con số thất nghiệp 1.84% mà không để ý đến bức tranh lao động việc làm rộng hơn, tuy nhiên lỗi một phần do chính Bộ LĐTBXH.

Ít nhất từ năm 1997 TCTK đã tiến hành điều tra và thống kê số liệu lao động việc làm hàng năm, từ năm 2012 số liệu quí bắt đầu được TCTK công bố. Số liệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp được TCTK đưa vào báo cáo kinh tế xã hội mỗi tháng cuối quí trong vài năm lại đây, tuy nhiên Bộ LĐTBXH chỉ bắt đầu xuất bản ấn phẩm về các số thống kê này từ Q1 2014. Ba ấn phẩm đầu tiên được bộ này công bố trong các cuộc họp báo (không hiểu sao lại gọi là hội thảo) có rất nhiều thông tin hữu ích về thị trường lao động chứ không chỉ có số liệu thất nghiệp. Trong khi các ấn phẩm của TCTK về lao động việc làm những năm trước và hai ấn phẩm đầu của Bộ LĐTBXH hầu như không tạo sự chú ý, ấn phẩm thứ ba của bộ này bất ngờ bị báo chí và nhiều chuyên gia "soi" vì tỷ lệ thất nghiệp quá thấp, chỉ 1.84% so với trung bình 5-6% ở nhiều nước phát triển.

Công bằng mà nói con số này đúng là thấp thật và tôi đồ rằng các cán bộ thống kê đã rất miễn cưỡng phải công bố nó, họ biết sẽ phải hứng chịu búa rừu dư luận. Nếu nhiều người nghi ngờ rằng số liệu thống kê VN (vd GDP, CPI) được điều chỉnh cho đẹp lên, tôi nghĩ cơ quan thống kê có khi lại muốn thống kê thất nghệp tệ đi vì xã hội khó có thể chấp nhận một nền kinh tế đang èo uột như hiện tại mà con số này lại thấp đến vậy. Như đổ thêm dầu vào lửa, bài trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTBXH, đã bị báo chí tường thuật lại với những cái tít rất giật gân: "Việt Nam khác thế giới:Bán trà đá không coi là... thất nghiệp!" hay "Viện Khoa học Lao động: 'Thất nghiệp từ xưa đến nay chỉ có giảm'".

Dù TS Hương và một số chuyên gia đã cố gắng giải thích, dường như báo chí và dư luận xã hội vẫn "bất mãn" với con số 1.84%. Điều này nhiều khả năng sẽ làm Bộ LĐTBXH dè dặt hơn trong việc giới thiệu những ấn bản thống kê của họ trong thời gian tới. Đây sẽ là thiệt thòi cho những người làm công tác thống kê, tôi tin có rất nhiều người làm nghiêm túc, và cho cả xã hội nói chung khi một nguồn thông tin quan trọng không được đoái hoài tới. Bởi vậy trong entry này tôi sẽ cố gắng "bênh" Bộ LĐTBXH một lần nữa. Tôi không quen biết ai và có quyền lợi gì liên quan đến vấn đề này, chỉ đơn thuần muốn mọi người có cái nhìn chính xác hơn về thống kê lao động việc làm cũng như cổ vũ cho TCTK và Bộ LĐTBXH tiếp tục điều tra và công bố những chỉ số này.

Trước hết tôi tin vào khẳng định của TS Hương là định nghĩa thất nghiệp của VN tuân thủ theo thông lệ quốc tế, chính xác hơn là tuân thủ theo định nghĩa của ILO. Nếu mẫu điều tra của VN trong Q2 2014 là 50,000 hộ gia đình như TS Hương công bố thì có thể nói mẫu này khá lớn khi so với sample của Mỹ là 60,000 hộ gia đình cho một đất nước có dân số đông gấp ba lần VN. Trên thực tế theo thông tin tại website của TCTK có năm mẫu này lên đến 173,000 hộ (2007). Mặc dù chưa được chi tiết như Handbook of Methods của Mỹ, TCTK đã rất cố gắng (với sự trợ giúp của UNDP) đưa toàn bộ bản hỏi và phương pháp điều tra lên mạng. Với những thông tin nói trên tôi đánh giá cuộc điều tra này khá chất lượng, ít nhất về mặt thiết kế và tổ chức khảo sát. Tất nhiên chất lượng điều tra thực địa và xử lý số liệu có thể có vấn đề, nhưng với sự giúp đỡ của ILO và UNDP những con số thống kê được công bố có lẽ không quá xa chuẩn quốc tế.

Vậy tại sao tỷ lệ thất nghiệp của VN lại thấp như vậy? Theo tôi lý do quan trọng nhất chính là ở cái "chuẩn quốc tế" mà VN cố gắng theo đuổi. Chuẩn quốc tế ở đây là Standards and Guidelines on Labour Statistics của ILO, trong đó bao gồm mộtResolution 1982 liên quan đến các định nghĩa về lao động và thất nghiệp. ILO, một tổ chức quốc tế được thành lập tại Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919 với mục đích chuẩn hóa các tiêu chuẩn, chính sách bảo vệ người lao động, đưa ra các tiêu chuẩn thống kê thống nhất để có thể so sánh thị trường lao động giữa các nước thành viên. Không khó có thể đoán bộ tiêu chuẩn này dựa vào tiêu chuẩn thống kê của Mỹ và các nước phát triển khác. Bởi vậy những định nghĩa quan trọng như thất nghiệp hay thu nhập bình quân (hourly rate) có đặc thù của một nền kinh tế công nghiệp với phần lớn nhân công lao động làm thuê theo hợp đồng cho các đơn vị kinh tế cố định (công ty, nhà xưởng, cửa hàng).

Áp dụng máy móc định nghĩa của ILO vào thị trường lao động VN hẳn nhiên những người bán trà đá, hàng rong, hay chạy xe ôm sẽ không bị coi là thất nghiệp. Không chỉ VN mà ở hầu hết các nước nghèo người lao động không thể không làm việc vì cơ chế bảo hiểm xã hội quá ít hoặc không tồn tại. Nói theo một chuyên gia quốc tế thất nghiệp ở các nước nghèo là một điều "xa xỉ", hầu như chỉ có những người rất giầu mới có thể cho phép mình không lao động. Do vậy có thể đoán các nước nghèo có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp chứ không riêng gì VN. Dưới đây là tỷ lệ thất nghiệp của một số nước (nguồn WB), đồ thị này cho thấy Thailand và Cambodia có tỷ lệ thất nghiệp còn thấp hơn VN và tôi tin những người bán hàng rong hay chạy xe ôm ở những nước này cũng được tính là không thất nghiệp.



Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số tuyệt đối tỷ lệ thất nghiệp 1.84% quá tốt so với thế giới, nhưng tôi tin không một lãnh đạo nào của VN dám đưa con số này ra làm bằng chứng cho "tính ưu việt" của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên thực tế tỷ lệ thất nghiệp thấp như vậy là bằng chứng cho thấy người lao động VN phải làm bất cứ công việc gì với bất cứ mức thu nhập như thế nào để tồn tại. Nói theo lý thuyết kinh tế structural unemployment rate của VN (và các nước nghèo khác) rất thấp, có lẽ xấp xỉ bằng không. Quan sát của TS Hương về việc tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục rất có thể là sự sụt giảm củastructural unemployment rate, cho thấy cuộc sống của người lao động ngày càng bấp bênh, không có gì đáng tự hào.

Điều này có thể thấy rõ hơn qua một thống kê khác về lao động việc làm: tỷ lệ lao động dễ tổn thương (người nội trợ, lao động tự do như bán trà đá, chạy xe ôm). Cũng giống như những nước nghèo khác tỷ lệ này của VN cao hơn hẳn, >60% ở VN và Cambodia, >50% ở Thailand,  so với các nước phát triển <10%. Đây mới là một trong những chỉ số mà báo chí, dư luận, và những người làm chính sách VN phải lưu tâm thay vì chăm chăm vào phê phán tỷ lệ thất nghiệp. ILO biết điều này và cũngkhuyến nghị như vậy.



Tóm lại dù tôi còn rất nhiều bức xúc về số liệu thống kê của VN, con số thất nghiệp 1.84% không nằm trong số này. Tôi rất mong các nhà báo và các chuyên gia kinh tế tập trung hơn vào các số liệu khác trong các ấn phẩm thống kê về lao động việc làm của TCTK và Bộ LĐTBXH. Ví dụ đồ thị sau đây trong Bản tin số 3cho thấy một sự dịch chuyển rất đáng quan tâm trong thị trường lao động VN trong Q2 2014. Thị trường xây dựng đang ấm dần lên trong khi thương mại dịch vụ và tài chính tiếp tục bế tắc?


Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Xử lý tình trạng oan sai ở Việt Nam

Xử lý tình trạng oan sai ở Việt Nam

Ls Ngô Ngọc Trai
Ngày 24/6 Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015, một nội dung chuyên đề được lựa chọn giám sát là tình hình oan sai trong việc giải quyết các vụ án hình sự.

Kêu oan thường có hai loại

Mỗi loại có tính chất mức độ nghiêm trọng khác nhau và quá trình xử lý giải quyết cũng khác nhau.
Loại thứ nhất, oan vì bị xử nặng. Theo đó đúng là bị cáo có hành vi phạm tội, bị cáo thừa nhận nhưng họ cho rằng tòa tuyên án quá nặng, mức án không tương xứng với hành vi, xử như thế cũng là oan và họ xin giảm nhẹ hình phạt.
Thường bị cáo bị xử oan sẽ làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để tòa phúc thẩm xem xét. Nếu tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm cho rằng xử như thế là đúng rồi không oan thì thực tế bị cáo thường buông xuôi không kêu oan nữa mà cam chịu chấp nhận. 
Loại thứ hai, bị cáo kêu oan vì cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã bắt nhầm người và yêu cầu được giải quyết minh oan.
Những trường hợp này bị cáo rất cương quyết và rất bức xúc, trong mọi dịp gặp gỡ với những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng họ đều kêu oan và mong được giúp đỡ minh oan. Trong mọi trường hợp họ đều theo đuổi việc kêu oan tới cùng kể cả sau khi đã ra tù.
Nhưng không phải trường hợp kêu oan nào cũng được may mắn xem xét giải quyết, lý do là việc kêu oan phải trình ra được các chứng cứ hoặc cơ sở thuyết phục, điều này muốn có được thì phải nhờ luật sư giỏi có chuyên môn sâu.
Các cơ quan tư pháp cấp cao muốn xét lại sự việc thì lại phải nghe báo cáo từ cấp dưới mà nhiều khi những người báo cáo lại chính là người đã giải quyết án.
Vậy lãnh đạo phải tin ai giữa một bên là thuộc cấp của mình đã được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ và quá trình giải quyết đã được sàng lọc kiểm soát qua nhiều cơ quan khác nhau, với một bên là tội phạm với bản chất thường bị cho là gian manh xảo quyệt?
Điều đó có thể hơi bi quan tiêu cực, vì thực tế cũng đã có những trường hợp việc kêu oan được quan tâm lắng nghe và giải quyết minh oan.
Ví dụ trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị ngồi tù oan 10 năm, ngần ấy thời gian tù oan cũng là ngần ấy thời gian ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan và cuối cùng được minh oan. Ở Bắc Giang còn có vụ án Hàn Đức Long có cơ sở oan sai rõ ràng mà bị cáo và gia đình cũng đã liên tục kêu oan tròn 9 năm nay.
Chiếc xe không phanh
Các cơ quan tiến hành tố tụng tham gia giải quyết một vụ án hình sự gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Khởi điểm của một vụ án hình sự là hoạt động điều tra, oan hay không cơ bản cũng xuất phát từ cơ quan này. Để đảm bảo hoạt động điều tra đúng pháp luật tránh nhầm lẫn sai sót, luật đã quy định Viện kiểm sát là cơ quan giám sát hoạt động điều tra.
Viện kiểm sát có vai trò kiểm sát điều tra, mối quan hệ giữa hai cơ quan là cân bằng và kiểm soát. Vai trò của viện kiểm sát giống như vai trò của chiếc phanh hãm, giúp cho hoạt động điều tra dừng lại trước sai sót.
Nhưng thực tế lâu nay, vì nhiều lý do khác nhau viện kiểm sát đã không làm tốt vai trò kiểm soát ngăn chặn của mình.
Hầu như ở tất cả các huyện ở Việt Nam, người ta bố trí xây dựng trụ sở các cơ quan công an, viện kiểm sát và toàn án ở rất gần nhau, nhiều trường hợp là liền kề nhau. Dẫn đến cán bộ của các cơ quan này biết rất rõ về nhau.
Số lượng nhân sự thì cũng có hạn, ví dụ một tòa án huyện có khoảng 5 thẩm phán, 5 thư ký và vài ba nhân viên hành chính tạp vụ. Một viện kiểm sát huyện có khoảng 5 đến 7 kiểm sát viên. Theo thời gian công tác và thông qua các sinh hoạt đoàn thể địa phương, qua các dịp lễ tết hoặc ma chay hiếu hỉ, các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có điều kiện biết rõ về thói quen sở thích, về công việc của vợ con, các vấn đề gia đình.v.v.
Đây là một nguyên nhân khiến cho các cán bộ tư pháp nể nang, xuê xoa, dĩ hòa vi quý trong công tác mà nhiều trường hợp pháp luật bị gạt sang một bên, dẫn đến bao che bảo vệ nhau trước các sai phạm.
Vô hình chung, vì những lý do không có gì liên quan đến công tác chuyên môn mà chỉ do các vấn đề đời sống thường nhật đã làm vô hiệu hóa mối quan hệ cân bằng kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, vai trò của chiếc phanh hãm bị mất tác dụng.
Quyền tư pháp yếu
Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát oan sai trong tố tụng hình sự, dù sao cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều trường hợp kêu oan được minh oan.
Tuy nhiên tình trạng oan sai không thể được giải quyết chỉ trong một kỳ họp quốc hội, do vậy cần đưa ra được các chính sách mới để tạo hiệu quả lâu dài.
Một giải pháp là cần nâng vị thế chính trị của Viện kiểm sát và Tòa án lên bằng việc để Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao làm ủy viên Bộ chính trị. Ở địa phương thì nâng Viện trưởng viện kiểm sát và Chánh án tòa án lên thành Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy thay vì ủy viên thường như hiện nay.
Thực tế lâu nay, quyền lực tư pháp yếu và yếu rất nhiều so với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị. Viện kiểm sát tối cao và Tòa án tối cao không có chân trong Bộ chính trị, trong khi một bộ thuộc Chính phủ như Bộ quốc phòng hay Bộ công an đều có chân trong cơ quan cao nhất này.
Về số lượng có mặt trong Ban chấp hành Trung ương thì chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao và Chánh án tòa án tối cao là Ủy viên trung ương, tức là mỗi cơ quan chỉ có một đại diện. Trong khi tất cả các thành viên Chính phủ gồm 27 người đều là Ủy viên Trung ương, hay 6 thứ trưởng Bộ công an cũng đều là ủy viên trung ương. Bộ quốc phòng có 19 người trong Trung ương Đảng.
Vị thế chính trị yếu như thế nên các cơ quan tư pháp không có được quyền hạn pháp lý lớn mạnh. Và khi quyền tư pháp không mạnh thì nó không có khả năng chứng tỏ pháp luật nghiêm minh, không cổ vũ được sức mạnh niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.
Để thấy được sự yếu kém của hệ thống tư pháp Việt Nam có thể đối chiếu với động thái tư pháp ở một số quốc gia. Ví như trường hợp nước Thái Lan, mới đây Tòa án nước này đã phế truất Thủ tướng đương nhiệm và tiến hành điều tra về các sai phạm.

Hoặc như ở nước Pháp vừa đây đã bắt cựu Tổng thống Nicolas Sarkozyvà điều tra về hành vi lạm dụng ảnh hưởng khi còn đương nhiệm. Hay như nước láng giềng Philippines năm 2012 đã bắt cựu bà Arroyo là cựu Tổng thống từ năm 2001 đến 2010.

Vai trò của thiết chế giám sát

Muốn giảm tránh sai sót oan sai thì phải tăng cường giám sát và củng cố các thiết chế giám sát. Đặc biệt là cần khai phóng tiềm năng hoạt động của thiết chế Hội đồng nhân dân, đây là một kho năng lượng vô cùng to lớn mà bấy lâu nay đã bị làm cho suy yếu lãng phí.
Lâu nay đại biểu hội đồng nhân dân hầu hết hoạt động kiêm nhiệm vì vậy thiết chế này bị suy yếu rất nhiều so với tiềm năng. Nếu đại biểu hội đồng nhân dân được hoạt động chuyên nghiệp sẽ tạo áp lực giám sát mạnh mẽ lên các thiết chế chính quyền, thúc đẩy hiệu năng của các cơ quan này, giúp giải quyết tốt các vấn đề đời sống xã hội trong đó bao gồm cả tình trạng oan sai.
Ngoài ra điều này sẽ giúp giảm tải áp lực công việc cho Quốc hội và các cơ quan tư pháp trung ương. Lâu nay hầu như không thấy trường hợp kêu oan nào gửi đơn kêu cứu nhờ giúp đỡ tới đại biểu hội đồng nhân dân.
Một thiết chế giám sát khác có khả năng ngăn ngừa oan sai đó là tổ chức luật sư. Đây là lực lượng có vai trò đối trọng giám sát các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng. Giới luật sư cũng có tác dụng như phanh hãm giúp cho cỗ máy tư pháp dừng lại trước nguy cơ gây nạn.
Chính quyền cần giúp đỡ tổ chức luật sư lớn mạnh, ủng hộ việc nâng cao các tiêu chí tổ chức hoạt động của hội luật sư. Ủng hộ việc bầu cử phải dân chủ minh bạch không áp đặt về nhân sự. Ủng hộ nguyên tắc những người giữ vai trò lãnh đạo phải là những người có thâm niên kinh nghiệm hành nghề, có uy tín trong giới luật sư, có tâm huyết với nghề nghiệp.
Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập năm 2009 là tổ chức ở cấp độ toàn quốc của giới luật sư Việt Nam, trước đó mấy nghìn luật sư hoạt động theo các đoàn luật sư mỗi tỉnh..
Ngay khi thành lập năm 2009, chính quyền đã cơ cấu để mấy người hầu như chưa bao giờ hành nghề luật sư lại đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư cả nước, đứng trên cả những luật sư với mấy chục năm kinh nghiệm hành nghề.
Đó thực sự là việc làm coi thường thiếu tôn trọng của chính quyền đối với giới luật sư. Nó khiến cho nhiều luật sư cũng tự hạ thấp mình khi cam chịu chấp nhận sự trái ngang đó.
Việc làm áp đặt của chính quyền gây hại cho cả giới luật sư và xã hội. Đối với giới luật sư thì những người chưa từng nhỏ một giọt mồ hôi lên các trang tài liệu hồ sơ, chưa từng khóc thầm khi chứng kiến những trái ngang của cơ chế thì không có được khả năng vạch đường tìm lối để nghề luật sư phát triển.
Đối với xã hội thì do thiếu chuyên môn và trình độ cho nên đứng trước các vấn đề pháp lý nổi cộm trong đời sống xã hội, rất hiếm khi thấy có tiếng nói của những người đứng đầu tổ chức luật sư.
Tổ chức luật sư thực sự là một thiết chế giám sát giúp giảm tránh oan sai. Nếu giới luật sư được chính quyền tôn trọng sẽ giúp cho hội luật sư phát triển, từ đó nâng cao vị thế của thiết chế luật sư bên cạnh các thiết chế tư pháp khác, góp phần vào việc xử lý tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự.

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

LÝ QUANG DIỆU VIẾT VỀ CHÂU ÂU

LÝ QUANG DIỆU VIẾT VỀ CHÂU ÂU 

Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Europe: Decline and Discord”, in L.K. Yew, One 
   Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 94-123. 

Biên dịch: Vương Thảo Vy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp 

CHÂU ÂU: Suy yếu và không hòa hợp

 Số phận đồng Euro 
Vấn đề cơ bản của đồng Euro đó là không thể có được sự hội nhập tiền tệ khi  không có hội nhập về tài khóa - đặc biệt trong một khu vực mà thói quen chi tiêu và tiết kiệm hết sức đa dạng như tại Đức và Hy Lạp. Sự không hòa hợp này rồi cũng sẽ phá vỡ hệ thống. Vì lý do này, đồng Euro chắc chắn sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng, với cái chết đã được báo trước ngay từ trong trứng nước. Chúng ta không nên xem những khó khăn trong những năm vừa qua của đồng tiền này bắt nguồn từ việc một hay hai chính phủ chi tiêu vượt giới hạn cho phép hay việc những quốc gia khác không cảnh báo họ về những mối nguy hiểm của việc này. Điều này nói lên rằng, những bất cập của đồng Euro không phải là hệ quả của một biến cố lịch sử mà lẽ ra có thể đã được ngăn chặn nếu một số chủ thể liên quan đi đến những quyết định khác - những quyết định có trách nhiệm hơn - về việc thực thi chính sách đồng Euro. Thay vào đó, đó là một điều không thể tránh khỏi của lịch sử vốn đã chực chờ diễn ra. Nếu sự việc không đến giai đoạn nghiêm trọng cần được giải quyết vào năm 2010 hay 2011, thì nó cũng đến vào một năm khác, với một tập hợp những tình huống khác. 
Do đó, tôi không tin rằng đồng Euro có thể cứu vãn được, ít nhất không phải trong hình thức hiện tại của nó, với 17 quốc gia vẫn đang ngồi chung thuyền. 

Từ buổi ban đầu của dự án đồng Euro, các nhà kinh tế học có đôi mắt tinh tường và được nể trọng, có cả những học giả như Giáo sư của Đại học Havard Martin Feldstein, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bản chất mâu thuẫn của dự án này. Người Anh không tham gia vì họ biết được dự án này không hiệu quả. Họ không tin vào những lợi ích và hoàn toàn nhận thức rõ ràng về những nguy hiểm mà nó mang lại. Tuy nhiên, các chính phủ gia nhập khu vực đồng Euro năm 1999, cũng như những cộng đồng dân cư bầu cử cho họ, trong khi háo hức tiến bước cùng với đồng tiền chung, thì đã không chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự hội 
nhập về tài khóa, bởi điều này sẽ dẫn đến việc mất chủ quyền mà việc thực hiện chính sách này sẽ gây ra. Cuối cùng rồi họ cũng lựa chọn đi tiếp với đồng Euro, điều này đã phản ánh một niềm tin không đúng chỗ cho rằng châu Âu xét ở một khía cạnh nào đó đủ đặc biệt để vượt qua những mâu thuẫn này. Đó là một quyết định mang tính chính trị (Xem thêm bài: #133 - Kinh tế chính trị của đồng Euro). 
Tại Mỹ, một đồng tiền có thể có được áp dụng cho 50 tiểu bang bởi vì họ có một Cục Dự trữ Liên bang và một vị Bộ trưởng Tài chính. Khi một tiểu bang nào đó đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, họ sẽ nhận được những khoản tiền hào phóng chuyển từ trung ương dưới dạng chi tiêu xã hội cho các cá nhân sinh sống 
tại tiểu bang đó và các dự án chính phủ. Các loại thuế liên bang thu được ở tiểu bang này sẽ không đủ để bù cho chi tiêu của liên bang hỗ trợ cho tiểu bang đó. Nếu có một cá nhân nào đó được giao nhiệm vụ giữ sổ sách kế toán, thì bang này có thể sẽ gặp thâm hụt nhiều năm - tuy nhiên đây là một tình huống hoàn toàn có 
thể chống đỡ được vì không có ai giữ sổ sách kế toán cả. Người dân sống trong tiểu bang này được xem là đồng bào và người dân sống ở bang khác không thật sự kỳ vọng rằng tiền sẽ được hoàn trả. Đó về cơ bản là một món quà. 
Đương nhiên, thái cực còn lại cũng có hiệu quả - đó là Châu Âu vào thời kỳ trước hệ thống đồng Euro, với việc mỗi quốc gia có các bộ trưởng bộ tài chính riêng và điều hành đồng tiền của riêng mình. Dưới hệ thống này, khi một quốc gia trải qua giai đoạn kinh tế trì trệ, nó có thể chính thức đưa ra các chính sách tiền tệ để 
khắc phục vì không vướng bận bởi những trói buộc của một đồng tiền chung. Các chính sách này bao gồm việc gia tăng lượng cung tiền - cái mà người Mỹ gọi “nới lỏng định lượng” - và phá giá đồng tiền để làm cho việc xuất khẩu của nước này trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng đây là những công cụ mà các nước thuộc khu vực 
đồng Euro đã từ bỏ do hệ quả của việc gia nhập một cộng đồng tiền tệ chung. Ngoài ra, họ làm như vậy mà không bảo đảm được là sẽ có những khoản chuyển ngân sách tương tự về hình thức và mức độ như các bang bị khủng hoảng tại Mỹ nhận được.
Vậy bạn sẽ có gì khi một đám đông hổ lốn cố gắng cùng diễu hành theo một điệu trống? Đó chính là khu vực đồng Euro. Một số quốc gia thì vươn lên dẫn trước trong khi số khác lại phải đấu tranh để bắt kịp. Tại những quốc gia bị bỏ lại đằng sau về mặt kinh tế, chính phủ các nước này phải chịu một áp lực bầu cử buộc họ phải duy trì hoặc thậm chí gia tăng chi tiêu công cộng, ngay cả khi các hóa đơn thuế giảm xuống. Thâm hụt ngân sách phải được bù đắp bằng các khoản vay từ các thị trường tiền tệ. Việc những khoản vay này có thể đạt được ở những mức lãi suất tương đối thấp - bởi vì chúng được thực hiện bằng đồng Euro chứ không phải đồng drachmas của Hy Lạp - không hề giúp làm giảm sự hoang phí. Cuối cùng Hy Lạp trở thành ví dụ cực đoan nhất cho sự suy thoái này, ngày càng lún sâu vào vùng nguy hiểm. Nói một cách công bằng thì toàn bộ khu vực đồng Euro cũng phải chịu một phần trách nhiệm, bởi vì có các quy định trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt lên những chính phủ bị thâm hụt lặp đi lặp lại, nhưng những biện pháp này chưa bao giờ được áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào. 
Đôi khi, các chuyên gia với sự lạc quan vô hạn đã hy vọng những chính phủ này có thể lấp đầy khoảng cách cạnh tranh với những quốc gia mạnh hơn như Đức bằng cách cắt giảm các chương trình phúc lợi, cải tổ hoạt động thu thuế, tự do hóa các quy định về thị trường lao động hoặc buộc người lao động phải làm việc lâu 
hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tình hình rốt cuộc bắt đầu xấu đi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc cho vay tín dụng dễ dàng đã giảm dần rồi dừng lại, và sự mất lòng tin của thị trường vào triển vọng tín dụng của các chính phủ như Hy Lạp đã khiến cho lãi suất cho vay tăng cao ngất ngưởng. Đức và Ngân hàng Trung ương Châu Âu buộc phải can thiệp bằng các gói cứu trợ tài chính để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ không lan ra khắp khu vực đồng Euro vốn đang trong tình trạng u ám. 
Tới tháng Sáu năm 2013, cộng đồng Euro đã tránh được thảm họa vì đã chi đủ tiền để giải quyết vấn đề. Nhưng 17 chính phủ cần phải chấp nhận đối mặt với câu hỏi hóc búa hơn về việc phải làm gì để giải quyết được mâu thuẫn cơ bản nhất trong dự án đồng Euro - đó là vấn đề hội nhập tiền tệ nhưng không hội nhập về tài khóa. Đôi lúc có lẽ họ đã cố gắng trì hoãn tình trạng này, nhưng họ biết rằng không thể trì hoãn mãi, nếu không lịch sử sẽ lặp lại và một cuộc khủng hoảng khác sẽ xảy ra, đòi hỏi những gói giải cứu tài chính lớn hơn, và trong tình huống tồi tệ nhất, Đức có lẽ sẽ phải đứng ra bảo trợ. Hành động mau chóng tốt hơn nhiều so với sự chần chừ, nhất là trong tương lai, khi ký ức về nỗi đau và sợ hãi về khủng hoảng nợ đã phai dần trong tâm trí những cử tri, thì ý chí chính trị trong việc hành động một cách kiên quyết cũng có thể sẽ bị suy yếu. 
Không may là hiện nay không có lựa chọn nào là dễ dàng. Biện pháp rõ ràng đó là các nước châu Âu phải chấp nhận sự hội nhập về tài khóa. Ngân hàng Trung ương châu Âu trở thành Cục Dự trữ Liên bang, và thay vì nhiều bộ trưởng tài chính khác nhau, thì chỉ có một người để giám sát ngân sách của toàn thể các nước trong khu vực đồng Euro. Điều này là một động thái tiến gần đến cái mà những người ủng hộ Liên minh châu Âu gọi là một “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết” và sẽ khiến cho khu vực này trông ngày càng giống với nước Mỹ. Liệu điều này có xảy ra không? Liệu toàn bộ cử tri có sẵn sàng giao một phần quan trọng trong quyền lực về ngân sách quốc gia cho một chính quyền trung ương và tin tưởng rằng cơ quan này sẽ có những quyết định về việc đánh thuế và chi tiêu công bằng cho mỗi quốc gia và đồng thời có lợi cho toàn thể khu vực đồng Euro hay không? Đó là một khả năng xa vời, và thẳng thắn mà nói thì tôi không thấy điều đó sẽ xảy ra. Nhưng nếu có xảy ra, suy cho cùng có lẽ đó là kết quả tốt đẹp nhất cho phần còn lại của thế giới. 
Kết quả có nhiều khả năng xảy ra hơn nhưng ít được mong đợi hơn, đó là sự tan rã - một sự trở lại tình trạng những đồng tiền riêng biệt. Sẽ rất đau đớn và rối loạn cho tất cả các bên có liên quan. Bạn là một người Hy Lạp hay Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha và bạn mượn tiền Euro; giờ bạn phải trả lại bằng đồng Euro, nhưng ở tỉ giá hối đoái nào đây? Liêu có phải là tỉ giá cũ trước khi hợp nhất? Hay một tỉ giá tùy tiện mới nào đó? Tan rã sẽ rất lộn xộn và tốn kém. Trong giai đoạn dẫn đến sự kiện này, có một mối nguy hiểm về tình trạng đột biến rút tiền gửi, khi mà các tin đồn thôi thúc người dân rút tiền tiết kiệm dưới dạng Euro, trong nỗi sợ hãi rằng sau một đêm những khoản tiết kiểm này có thể bị buộc phải chuyển đổi thành một đồng tiền mới và rất có thể đó là đồng tiền bị mất giá. Tình trạng không chắc chắn này sẽ làm nản lòng các khoản đầu tư khu vực tư nhân - đây là một lý do khác cho thấy việc trì hoãn là không tốt. Đối với những quốc gia ngoài khu vực đồng Euro, đặc biệt là những quốc gia có lượng xuất khẩu lớn đến châu Âu - bao gồm Trung Quốc, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ bị trục trặc đáng kể. Do đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ có xu hướng chậm lại trong một thời gian, mặc dù thương mại rồi cũng hồi phục sau một giai đoạn bị gián đoạn, và mọi thứ sẽ ổn định trở lại. 
Tồn tại một kết quả thứ ba nằm giữa sự tan rã hoàn toàn và hội nhập đầy đủ. Đó là sự tan rã một phần. Có nhiều tình huống có thể xảy ra trong trường hợp này, từ việc đồng Euro sống sót và gần như không bị ảnh hưởng, với chỉ một vài đồng tiền bị trục xuất khỏi hệ thống, đến việc hầu hết các quốc gia đều bị tác động 
theo cách này hoặc cách khác, có thể một số quốc gia sẽ đi con đường riêng của mình và một số khác phải chọn hai hoặc ba cộng đồng mới - cái mà các chuyên gia gọi là một châu Âu hai hoặc ba tầng, với mỗi tầng chuyển động với một tốc độ khác nhau. Câu hỏi mấu chốt ở đây là liệu có được một khu vực châu Âu nòng cốt, tương đối đồng nhất về khả năng cạnh tranh kinh tế, nơi có thể giữ các thành viên kết nối lại với nhau bất chấp những lực ly tâm mạnh mẽ. Tôi tin rằng có một châu Âu như thế. Bất cứ một thực thể hạt nhân nào như vậy rõ ràng sẽ được lãnh đạo bởi Đức, quốc gia chăm chỉ làm việc nhất, và bao gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Tôi không nghĩ Pháp có thể trở nên kỷ luật như người Đức. Khả năng lớn hơn là họ sẽ trở thành trung tâm cho tầng thứ hai. 
Một số người có thể lập luận rằng đồng Euro - nói rộng hơn là Liên minh Châu Âu - nên được xem là một thành công, vì thực tế thì hòa bình đã chiến thắng và chiến tranh trong cộng đồng này giờ đây trở thành một khái niệm lạ lẫm. Nhưng người ta có thể dễ dàng đưa ra lập luận rằng hòa bình là kết quả của các nhân tố 
khác. Hệ quả của việc Liên Xô sụp đổ cho thấy trong tương lai gần, Nga không còn bận tâm với việc đối đầu với quân sự của phương Tây, và những nguồn lực của nước này đã đang và sẽ tiếp tục được tập trung một cách đúng đắn cho việc phát triển kinh tế. Hơn nữa, sự bảo đảm của Mỹ về mặt an ninh thông qua tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khiến bất cứ hành động quân sự khả dĩ nào bắt nguồn từ các quốc gia ngoài NATO đều trở nên phi thực tế. Trong cộng đồng châu Âu, người Đức, vốn từng bị đánh bại hai lần trong hai cuộc chiến tranh thế giới, sẽ không bao giờ bắt đầu thêm một cuộc chiến nào nữa. Họ đã phải chịu đựng quá đủ vì chiến tranh và chỉ muốn bước tiếp với cuộc sống thầm lặng và thoải mái. Vì điều 
này mà họ đã luôn cố hết sức điều chỉnh để thích nghi với các quốc gia khác. 
Cuối cùng thì hậu thế sẽ nhìn nhận hồ sơ về đồng Euro với một sự ảm đạm, và bất cứ nỗ lực nào nhằm cứu vớt lòng tin về mặt chính trị cho đồng tiền chung cũng phải đối mặt với một thực tế nguội lạnh và khó khăn. 

Gánh nặng nhà nước phúc lợi 
Ngay cả khi châu Âu cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng tiền chung, châu lục này cũng còn phải luôn chú ý đến những nguyên nhân nền tảng khác gây ra sự thiếu năng động một cách tương đối của nó - như hệ thống nhà nước phúc lợi và những điều luật cứng nhắc về thị trường lao động. Những điều được cho là các ý tưởng hay khi vừa được hình thành và đưa vào thực hiện trên khắp châu Âu sau khi Thế chiến II kết thúc đã dần trở nên không thể duy trì nổi trong những thập niên gần đây, đặc biệt với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Nếu châu Âu muốn tránh tình trạng uể oải dai dẳng và tìm lại năng lượng cũng như tính cần cù mà nơi này từng được biết đến, họ phải thực hiện các cuộc cải cách táo bạo và nhiều hy sinh để giảm thiểu hệ thống phúc lợi rộng khắp và tự do hóa các nguyên tắc tuyển dụng và sa thải của các công ty. 
Là một sinh viên tại Anh sau cuộc chiến, tôi nhớ cảm giác rất thích những nỗ lực của chính phủ Clement Atlee trong việc cung cấp những khoản trợ cấp từ a đến z cho tất cả mọi người. Ví dụ, tôi khá ngạc nhiên thích thú khi người ta bảo rằng tôi không phải chi trả cho cặp kiếng mới mà tôi vừa có được từ cửa hiệu kính, vì nó được phát miễn phí bởi Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS). Lúc đó tôi nghĩ, thật là một xã hội văn minh. Điều tôi không hiểu được lúc bấy giờ, nhưng sau đó đã hiểu ra, đó là những gói trợ cấp toàn diện như vậy sẽ có xu hướng làm gia tăng sự kém hiệu quả và trì trệ. 
Ý định của những gói trợ cấp đó hoàn toàn đáng trân trọng. Từng trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới gần như phá hủy mọi thứ, chính phủ cũng như người dân châu Âu mong muốn một cuộc sống bình lặng cho tất cả mọi người và gánh nặng được sẻ chia một cách đồng đều. Những người ra trận và phải trả giá bằng xương máu phần đông là giai cấp vô sản, chứ không phải tầng lớp tinh hoa, dẫn đến một cảm giác hàm ơn mạnh mẽ đối với những tầng lớp thấp hơn trong xã hội. Vì vậy, khi các chính trị gia có động thái kêu gọi sự bình đẳng và các chính sách phúc lợi xã hội nhằm chăm sóc cho những người thất nghiệp, người ốm và người già, thì sự ủng hộ rộng khắp đã đạt được ngay mà không cần phải tốn quá nhiều công sức. 
Châu Âu có khả năng duy trì các chính sách này trong nhiều năm. Kế hoạch Marshall đã giúp hầu hết các nước Tây Âu có thể gượng dậy bằng cách tiếp sức cho một sự hồi phục mạnh mẽ sau những tàn phá của chiến tranh. Lương công nhân tăng và thuế mà họ nộp có khả năng chi trả cho nhà nước phúc lợi. Nhưng không có gì là ở yên tại chỗ. Cuộc chơi cuối cùng đã thay đổi đối với châu Âu. Khi thế giới trở nên toàn cầu hóa hơn, những người công nhân có tay nghề thấp hơn ở châu Âu phát hiện ra họ phải cạnh tranh không chỉ giữa họ với nhau mà còn với công nhân Nhật Bản, và sau đó là Trung Quốc và Ấn Độ nữa. Xuất khẩu bị cắt giảm và các ngành công nghiệp dần chuyển những trung tâm sản xuất của họ sang châu Á. Một cách tự nhiên, lương của công nhân châu Âu bị sụt giảm. Nếu không có sự thâm nhập của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, nhà nước phúc lợi có lẽ đã được duy trì trong một khoảng thời gian nữa. Nhưng với những sự thâm nhập này, không bao lâu sau phúc lợi đã trở nên không còn có thể duy trì được nữa. 
Đương nhiên người dân châu Âu cố gắng hết sức để phát triển theo hướng sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn, nhưng có một giới hạn về mức độ mà một quốc gia có thể đạt được trên mặt trận này. Có thể bạn muốn tiến lên nhưng có những bộ phận quan trọng trong dân cư lại không thể tiến vì quá 
trình này đòi hỏi việc học những kỹ năng mới, rất tốn thời gian, năng lượng, và trên hết là ý chí. Ngoài ra, người Nhật, người Trung Quốc và người Ấn hoàn toàn có khả năng nâng cấp bản thân họ. Đây là một cuộc cạnh tranh không ngớt về việc tự cải thiện, và hơn nữa, những gì mà bạn có thể đạt được so với các đối thủ trong một năm bất kỳ nào cũng thường rất nhỏ bé. Cuối cùng thì nó phụ thuộc vào các đặc tính bẩm sinh của một dân tộc và cách mà họ được tổ chức và quản lý. Nếu như đó là cuộc cạnh tranh giữa Châu Âu và đảo quốc Fiji hoặc Tonga, thì chắc chắn rằng hai quốc gia sau không có bất cứ cơ hội nào để bắt kịp. Nhưng ở đây chúng ta đang nói về cuộc đọ sức giữa châu Âu với Nhật Bản, châu Âu với Trung Quốc, và có lẽ là châu Âu với Ấn Độ. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. 
Thật không may, các luật lệ và chính sách không dễ dàng thay đổi như hoàn cảnh quốc tế. Luật lệ một khi đã đưa ra thì dĩ nhiên khó mà lấy lại. Có một hình phạt lớn về bầu cử cho bất cứ chính phủ nào dám thử chuyện này. Magaret Thatcher của Anh đã từng sử dụng vốn liếng và sự nhạy bén về chính trị của bà để đảo ngược các chính sách. Kết quả là bà chỉ có thể đảo ngược một nửa các chính sách này. Các nhà lãnh đạo châu Âu khác ắt hẳn đã quan sát và chứng kiến thành công một phần của bà. Nhưng họ đối mặt với các cử tri đoàn - những người không hề có tâm trạng để từ bỏ những gì đã bị xem mặc nhiên là sẵn có trong bấy nhiêu năm qua. Vấn đề này đã bám chặt lấy nhiều nước châu Âu. 
Nếu chi tiêu cho phúc lợi chỉ đơn giản bị ngưng trệ ở một mức độ nào đó, thì tình hình có lẽ đã có thể kiểm soát. Thay vào đó, những loại chi tiêu này có xu hướng gia tăng qua thời gian, không chỉ mang tính tuyệt đối mà còn liên quan đến sự chia sẻ của nó trong tổng thu nhập của một quốc gia. Điều này một phần là do 
những áp lực từ chủ nghĩa dân túy đã thúc đẩy sự mở rộng các chương trình hiện có. Tuy nhiên như phóng viên kỳ cựu người Thụy Điển Ulf Nilson đã quan sát thấy, quan trọng hơn có lẽ là khả năng kỳ lạ của hệ thống phúc lợi trong việc “tạo ra nhu cầu của chính nó.” Năm 2007, ông viết một cách rất sâu sắc rằng, “Phúc lợi tạo ra khách hàng, bảo hiểm bảo vệ con người khỏi tai nạn tại nơi làm việc lại sản sinh ra tai nạn... chính sách bảo vệ người tị nạn tạo ra thêm người tị nạn; chính sách cho phép việc nghỉ hưu trước tuổi nghỉ hưu tạo ra việc người ta nghỉ hưu sớm.” Nói cách khác, một số người dân có lý trí của những nước châu Âu này cuối cùng giống nhau ở một điểm là đều thao túng hệ thống, một cách vô tình hoặc có chủ ý. Trong một số trường hợp, ai đó nói rằng người dân đã góp nhặt trợ cấp thất nghiệp, những khoản tiền có thể lên đến ba phần tư so với mức lương cuối cùng mà họ nhận được, trong khi vẫn tham gia làm những công việc thời vụ trong nền kinh tế phi chính thức (nơi có thể lách luật và trốn thuế - ND). Điều này mang lại cho họ hai nguồn thu nhập trong khi đổ gánh nặng lên người đóng thuế. 
Theo thống kê của OECD, tới năm 2007, trung bình mỗi quốc gia châu Âu trong OECD dành hơn 23 phần trăm GDP cho chi tiêu xã hội của chính phủ. Con số này cao rõ rệt tại một số nước - 25 phần trăm ở Ý và 28 phần trăm ở Pháp. Ngược lại, trung bình mỗi quốc gia thành viên của OECD không thuộc châu Âu chỉ dành ra 17 phần trăm GDP cho khoản chi tiêu tương tự. Tỉ lệ này tại Mỹ và Úc là 16 phần trăm. Tuy nhiên hệ quả nguy hại nhất của hệ thống phúc lợi quốc gia không nằm trong tính cứng nhắc hay bản chất tốn kém của nó, mà chính là hệ quả xấu mà hệ thống này ảnh hưởng đến động cơ cố gắng của các cá nhân. Nếu hệ thống an sinh xã hội được thiết kế ra để cho người ta đạt được lợi ích bằng nhau bất kể họ làm việc chăm chỉ hay có một lối sống nhà hạ, thì tại sao họ phải làm việc chăm chỉ? Động lực không có ở đó. Thái độ sống tự lực phổ biến hơn ở Mỹ bởi vì ngay cả khi những người thất nghiệp được hỗ trợ, vẫn có những biện pháp được thực thi nhằm đảm bảo họ được khuyến khích, thậm chí bắt buộc phải, tìm việc. Đó là một triết lý khác dựa vào nguyên tắc cho rằng lao động sẽ làm cho cá nhân và xã hội giàu có hơn, và được củng cố bằng niềm tin rằng những khoản trợ cấp quá rộng lượng có xu hướng trở thành tác nhân làm suy yếu những nỗ lực và vô tình chặn đứng những động cơ làm việc. Mô hình của châu Âu đã tạo nên một tầng lớp người dân ngày càng trở nên quen với các khoản trợ cấp và do đó thiếu một tinh thần làm việc mạnh mẽ. 
Điểm mấu chốt của vấn đề này là châu Âu không chịu thay đổi những quy định cứng nhắc một cách không cần thiết về thị trường lao động, trong đó quy định về quyền sa thải công nhân của các công ty và khoảng thời gian tối thiểu cho những ngày nghỉ lễ thường niên, và những điều luật khác tương tự. Họ một mực không muốn thay đổi trong lúc mà sự linh động đang dần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong đời sống kinh tế mới. Công đoàn và các đảng theo chủ nghĩa xã hội tại Pháp và các quốc gia láng giềng đã cố gắng hết mức có thể nhằm duy trì huyền thoại cho rằng những người công nhân có thể giữ lấy những khoản trợ cấp trước đây của họ mà nền kinh tế tổng thể sẽ không phải gánh chịu quá nhiều. Như một quyền lợi của mình, các sinh viên đang đòi hỏi một sự đảm bảo về nghề nghiệp như ba mẹ của họ từng được hưởng. Nói cách khác, họ đang đòi hỏi thế giới này phải đứng yên vì lợi ích của họ. Điều mà họ không nhận ra đó là những biện pháp 
này rồi cũng sẽ làm tổn thương chính tầng lớp lao động. Những công ty nào bị xử phạt vì đã cắt giảm chi tiêu sẽ phản ứng một cách có lý trí bằng những động thái cẩn trọng hơn nhiều trong việc thuê mướn ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại. Việc làm đơn thuần di chuyển đến một nơi khác. 
Thống kê được thực hiện đã xác nhận việc này. Trong các nước châu Âu thuộc OECD, tám trong số mười nước xếp hạng đầu về luật lệ lao động tự do nhất vào năm 2008 cũng nằm trong top mười nước có tỉ lệ thất nghiệp thấp, tính trung bình cho thập kỷ trước. Điều ngược lại cũng đúng: bảy trong số top mười nước có 
những luật lệ lao động hà khắc cũng nằm trong top mười nước có tỉ lệ thất nghiệp cao. 
Nhưng bây giờ làm sao chúng ta thay đổi được những chính sách này? Chúng ta có những cuộc diễu hành của công đoàn qua đường phố Paris, những người sẽ không chấp nhận quan điểm cho rằng các lực lượng cạnh tranh toàn cầu đã khiến cho lực lượng lao động Pháp không có hiệu suất cao, và rằng họ phải từ bỏ những phúc lợi của mình. Họ sẽ nói rằng: “Không, chúng tôi sẽ giữ những phúc lợi này và sẽ cố gắng và cạnh tranh.” 
Ngay từ đầu, tôi đã đảm bảo rằng Singapore sẽ không đi theo đường lối tương tự về phúc lợi và luật lao động. Đã chứng kiến người Anh thực thi một số chính sách vào những năm 1950, tôi quyết định đó là một đường lối dẫn đến sự hủy hoại. Chúng tôi đã không cho phép các công đoàn làm tổn hại đến sự cạnh tranh của chúng tôi, và thay vào đó kéo họ vào mối quan hệ ba bên - với chính phủ và phía doanh nghiệp - dựa trên nguyên tắc đàm phán không đối đầu. Chúng tôi chấm dứt tất cả đơn thuốc miễn phí, đảm bảo rằng số tiền chi trả dần đến gần hơn với thực tế. Chúng tôi đã cung cấp tài sản, chứ không phải trợ cấp. Chính phủ 
giúp bạn mua một căn nhà và nạp tiền vào tài khoản bảo hiểm xã hội (CPF) của bạn. Nếu bạn muốn tiêu xài những nguồn tiền này, bạn hoàn toàn tự do được làm như thế nhưng bạn sẽ phải đối mặt với những hệ quả tồi tệ khi bạn về hưu mà không có lấy một đồng xu dính túi. Nếu thay vào đó bạn giữ lấy tài sản, giúp cho 
chúng được tăng giá trị và kiếm lời từ chúng, bạn sẽ được hưởng lợi trong dài hạn. Nói cách khác, cá nhân chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, với sự giúp đỡ một phần từ chính phủ. Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện hệ thống của châu Âu, nền kinh tế của chúng ta sẽ ít năng động hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ trả giá đắt cho điều này. 
Những năm tháng cay đắng đang đợi chờ châu Âu. Người châu Âu đã chọn lựa sẽ đi theo con đường bảo vệ phúc lợi và lao động do những hoàn cảnh lịch sử đặc trưng mà họ từng trải qua. Không ai có thể phủ nhận rằng lựa chọn của họ đã đưa đến những xã hội tử tế hơn, với ít tầng lớp thấp kém hơn và khoảng cách nhỏ 
hơn giữa những người thắng cuộc và thua cuộc nếu so sánh với xã hội Mỹ. Nhưng có một cái giá mà họ phải trả. Nếu họ thôi không thực hiện những chính sách này nữa, thì GDP sẽ có thể tăng trưởng nhanh hơn từ 1 đến 3 phần trăm mỗi năm. Trong một thời gian, cuộc sống sẽ vẫn sung túc đối với nhiều người châu Âu vì họ 
có những khoản tiết kiệm được tích lũy từ những năm làm ăn khấm khá trước đó. Nhưng dù họ có thích hay không, thì thế giới thời hậu chiến sung túc và được nuông chiều quá mức mà họ đã tạo ra cho bản thân cuối cùng cũng sẽ bị kết liễu bởi các lực lượng bên ngoài. Một khế ước xã hội mới sẽ phải được đưa lên bàn đàm phán. 

Vấn đề người nhập cư 
Một nhóm riêng biệt các nước Bắc Âu đã không phải gánh chịu nhiều tổn hại từ những vấn đề mà những nước châu Âu lục địa khác phải đối mặt. Theo tôi, các nước vùng Scandinavia xứng đáng được có một bài phân tích riêng vì đây là một nhóm độc đáo, hay là một trường hợp đặc biện khác với những trường hợp khác. 
Những người lập luận rằng các hệ thống phúc lợi vẫn có thể hoạt động được thường đưa ra trường hợp của Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch để chứng minh cho việc những chính phủ dành ra những khoản tiền khổng lồ chi trả cho hệ thống an sinh xã hội không phải lúc nào cũng đi đôi với những bất cập liên quan. Do đó, họ kết luận rằng việc nêu lên thất bại của Pháp, Ý hay Tây Ban Nha (thay vì lấy ví dụ các nước Bắc Âu) chính là đang đưa ra lời ngụy biện chống lại nhà nước phúc lợi. Lập luận bác bỏ đầu tiên đối với luận điểm này đó là bằng chứng cho thấy ngay cả những nước Scandinavia cũng không hoàn toàn thoát khỏi chi phí của những chính sách mang tính chất xã hội chủ nghĩa. Ví dụ, tỉ lệ thất nghiệp ở Thụy Điển là 7,5 phần trăm vào năm 2011, cũng không thấp hơn Ý bao nhiêu (8,4%), và cao hơn rất nhiều so với những nền kinh tế tiên tiến của châu Á như Nhật Bản (4,6%), Hàn Quốc (3,4%) và Singapore (2%). 
Tuy vậy, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng các nước Scandinavia thực ra đã làm tốt hơn rất nhiều so với các nước châu Âu láng giềng về mức độ tăng trưởng. Trong khi GDP bình quân đầu người (tính theo đô la Mỹ) tăng trưởng từ năm 2002 đến năm 2011 với tỉ lệ trung bình hằng năm là 5,3 phần trăm ở Ý và 6,1 phần trăm 
ở Pháp, thì tỉ lệ này là 6,4 phần trăm trong cùng giai đoạn tại Đan Mạch, 7,3 phần trăm tại Thụy Điển và 8,9 phần trăm tại Na Uy.2 Hơn thế nữa họ đã xoay sở để làm được như vậy trong khi vẫn giữ được chi tiêu xã hội ở mức cao - một hiện tượng cần được giải thích thêm. Đầu tiên, đáng chú ý là Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch đều là những quốc gia nhỏ hơn Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Dân số gộp lại của ba nước Scandinavia này chỉ bằng một phần mười so với tổng dân số của ba nước trên. Na Uy, với 5 triệu người, có ít dân cư hơn Singapore. Quy mô vấn đề, sự đa dang về lợi ích và sự phức tạp trong công tác quản trị do đó là rất khác biệt tại các nước Scandinavia. 
Tuy nhiên, thành phần dân cư còn quan trọng hơn kích cỡ - đây chính là điểm mấu chốt để hiểu được chủ nghĩa biệt lệ của các nước Scandinavia. Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch có khối dân cư tương đối đồng nhất, mang lại tính cố kết nội bộ mà các khu vực khác của châu Âu không thể có được. Người dân của những ngước này có một cảm nhận mạnh mẽ hơn về tính duy nhất và sự thống nhất. Mỗi dân tộc của ba quốc gia này tự coi mình là một bộ tộc, trong đó các thành viên của bộ tộc chuẩn bị sẵn sàng để chịu đau khổ vì những thành viên khác. Bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ không phải chỉ cho bản thân bạn mà còn cho những người trong cùng bộ tộc, bởi vì bạn gần như cảm thấy rằng bạn đang giúp đỡ một người thân của mình chứ không phải một nhóm người vô công rỗi nghề từ những vùng đất lạ khác trên thế giới. Đối mặt với mức thuế cao mà các quốc gia này phải áp dụng để cân bằng ngân sách, giả định các yếu tố khác không đổi thì các ông trùm tư bản giàu có và những cá nhân có thu nhập cao khác ít có xu hướng chạy trốn khỏi những xã hội với một bộ tộc như trên, ngay cả khi họ không thiếu lựa chọn hoặc phương tiện để làm như vậy. Thêm vào đó, đây là những thành phần tài năng hàng đầu của xã hội - những người có nhiều khả năng nhất trong việc tạo ra sự thịnh vượng và cơ hội cho bản thân họ và cho người khác. Khi bạn là một dân tộc và một 
gia đình, bạn sẽ ít có thái độ nghi ngờ về việc phải trả thuế để hỗ trợ cho những thành phần nghèo hơn trong xã hội, nhưng khi xung quanh bạn có rất nhiều người nước ngoài và luật pháp khăng khăng rằng không nên có bất cứ sự phân biệt nào trong chi trả phúc lợi, khi đó thái độ sẽ thay đổi. 
Khi tôi đến thăm Na Uy vào những năm 1970, xã hội này khi đó hầu như hoàn toàn chỉ có người da trắng. Đó là một đất nước xinh đẹp với những dãy núi và dòng sông băng hùng vĩ, lạnh giá và rất mực yên tĩnh. Tôi có thể cảm nhận được sự đoàn kết tại đất nước này. Ở một quốc gia như vậy, không chỉ những người có việc làm mới sẵn lòng đóng nhiều thuế hơn, mà những người không làm việc cũng ít có xu hướng lợi dụng hệ thống này hơn - một lần nữa, bởi vì tồn tại một cảm giác thuộc về cộng đồng. Hay nói cách khác, ngay cả những người sống nhờ trợ cấp thất nghiệp cũng ít tận hưởng hơn. Tất cả những điều này đã và đang biến đổi một cách chậm rãi nhưng chắc chắc trong vài năm trở lại đây, vì các quốc gia Scandinavia đã thực thi một chính sách tự do trong việc tiếp nhận người tị nạn và nạn nhân bị ngược đãi. Mỗi năm, Thụy Điển đón nhận khoảng 2.000 người tị nạn, hầu hết trong số họ đến từ các nước châu Phi, và hiện nay có hơn 80.000 dân tị nạn sinh sống tại đây. Cách mà dòng người nhập cư này làm thay đổi quan điểm về chủ nghĩa cộng đồng vẫn chưa rõ ràng, nhưng nếu mẫu hình quan sát được ở những quốc gia khác là một chỉ dấu, thì hệ quả - không sớm thì muộn - cũng sẽ là sự thay đổi trong nhận thức người dân về sự hào phóng mà họ đang dành cho những nhóm dân cư có thu nhập thấp hơn trong xã hội. Hiện nay, khu vực Scandinavia vẫn ít đa dạng chủng tộc hơn nhiều so với phần còn lại của châu Âu. 
Khắp châu Âu, diện mạo và cảm giác về xã hội ngày nay rất khác so với thời điểm mà tôi sống tại đó lúc còn là sinh viên, chỉ ngay sau Thế chiến II. Lúc bấy giờ ở Luân Đôn, tôi đang tìm kiếm một căn phòng cho thuê và phải gọi điện hẹn chủ nhà để đi xem căn hộ, theo thông tin của những mẩu quảng cáo mà họ dựng lên. 
Qua điện thoại, tôi nói với họ rằng: “Tên tôi là Lee, nhưng tôi là người Hoa. Nên nếu ông không muốn cho một người Hoa thuê nhà thì hãy cho tôi biết, để tôi không phải đến đó xem căn hộ.” Lee là một cái họ khá thông dụng của người Anh và tôi muốn tránh bất cứ hiểu lầm không cần thiết nào ngay từ ban đầu. Mà cũng đúng như vậy, có một số chủ nhà khuyên tôi một cách lịch sự rằng không nên đi xem. Đó là xã hội Anh ngày trước - vẫn chiếm phần lớn là người da trắng và theo cách này hay cách khác vẫn tồn tại tình trạng phân biệt đối với những người không phải da trắng. 
Nhiều năm trôi qua, vì tỉ lệ sinh giảm và nhu cầu về lao động, nên các nước châu Âu đã mở cửa cho người nhập cư từ châu Á, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu. Những người nhập cư đã làm giảm bớt áp lực về kinh tế và nhân khẩu nhưng cũng làm gia tăng các loại tội phạm khác nhau. Tại Đức, có ít nhất 2,5 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Sự bất bình trong lòng người dân Đức về số lượng của nhóm người này đã khơi mào một loạt những phản ứng tiêu cực dữ dội, với những báo cáo về những vụ phạm tội không thường xuyên 
nhưng đáng lo ngại có động cơ phân biệt chủng tộc được thực hiện bởi những người bản địa cực đoan. Tại Pháp, sự gia tăng của những vùng ngoại ô xung quanh những thành phố lớn, đặc biệt là Paris, nơi người nhập cư thiểu số chiếm số đông đã trở thành một vấn đề đau đầu cho chính phủ. Bạo động đôi khi diễn ra vì người dân những khu vực này cảm thấy bị đẩy ra ngoài rìa. Bất ổn xã hội vào năm 2005 đã mất kiểm soát, với gần 9.000 chiếc xe bị đốt trên khắp đất nước và chính phủ phải tuyên bố một tình trạng khẩn cấp kéo dài trong vòng hai tháng. Cảm giác bị cách ly ra khỏi xã hội và bị thua thiệt tồn tại ngay cả trong cộng đồng những sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc các sắc dân thiểu số. Số liệu chính thức cho thấy trong số những người quốc tịch Pháp, tỉ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp gốc Phi cao gấp ba lần so với người gốc Pháp. 
Nước Anh cũng hỗn tạp hơn nhiều. Bất cứ ai dạo bước qua trung tâm những thành phố lớn của Anh đều có thể nói với bạn về điều này. Tuy nhiên, cảm giác lo lắng đã từ từ chuyển từ người Hoa sang những nhóm dân tộc khác vì người Hoa khiêm tốn hơn và được xem là ít gây vấn đề nhất. Rất nhiều người trong thế hệ dân 
nhập cư người Hoa đầu tiên là chủ của các tiệm ăn và con cái của họ trở thành những người thành đạt. Sự chú ý giờ đây tập trung nhiều hơn sang nhóm người Ấn Độ, Pakistan, và Bangladesh, những người có xu hướng sống với nhau trong những khu vực lân cận thành những cộng đồng lớn. Có các trường học hoàn toàn chiếm đa số bởi các tộc người thiểu số bởi vì dân nhập cư vẫn chưa hòa nhập được vào xã hội bản địa. 
Yếu tố tôn giáo góp phần thêm vào sự phức tạp của vấn đề. Nhiều người nhập cư là người đạo Hồi và, trong những năm gần đây, họ đã lên tiếng nhiều hơn về việc muốn xây dựng nhà thờ với các tháp giáo đường. Ảnh hưởng trực quan mà vấn đề này mang đến cho cảnh quan kiến trúc truyền thống của châu Âu không 
giúp làm dịu bớt nỗi lo sợ vốn dĩ đã lớn dần lên trong lòng người dân bản địa, đó là nỗi lo sợ về việc nền văn hóa và cộng đồng mà họ lớn lên đang ngày một bị thay đổi bởi những người ngoài đầy phiền nhiễu. Nếu người nhập cư theo đạo Thiên Chúa  thì có lẽ tính phức tạp của vấn đề đã được thay đổi. Nhưng rồi sự chia rẽ vẫn hiện diện vì rất nhiều trong số họ là người Hồi Giáo mà tôn giáo thống trị ở châu Âu lại là Thiên Chúa Giáo - còn việc nhiều hay ít người châu Âu đi nhà thờ lại là một vấn đề khác. 
Người châu Âu không cởi mở đối với vấn đề người nhập cư như người Mỹ. Họ đã không thành công trong việc hòa nhập dân nhập cư dù những người này đã sống lâu dài trong cộng đồng của họ. Mỹ là nước đón nhận những người mới nhiều hơn vì bản chất đây là một xã hội nhập cư, với các vị Cha Hành Hương đến đây từ 400 năm trước. Nhiều dân nhập cư đã phát triển trở thành tầng lớp thượng đẳng của xã hội Mỹ, bao gồm những người như Jerry Yang, doanh nhân gốc Đài Loan đồng sáng lập công ty Yahoo. Trái lại, châu Âu lại bao gồm những dân tộc được hình thành từ rất lâu và rất tự hào về nền văn học, văn hóa và lịch sử lâu đời của mình. 
Trong hai ba năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo châu Âu - bao gồm David Cameron, Nicolas Sarkozy và Angela Merkel - lần lượt tuyên bố hiện tượng đa văn hóa đã thất bại tại những nước này. Nói cách khác, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ định cư ở Đức đã không trở thành người Đức, cũng như người Algeria và Tunisia ở Pháp không trở thành người Pháp. Càng ngày người châu Âu càng thấy khó có thể hòa nhập những con người này. Chủng tộc là gốc rễ cho khả năng khó hội nhập đó, mặc dù tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ cũng là các tác nhân. Nhưng châu Âu cũng không thể ngưng những dòng người nhập cư này vì họ đáp ứng một nhu cầu nội địa cấp thiết.Vì vậy có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến việc các chính phủ châu Âu để cho dân nhập cư vào nước mình khi họ có thể, và chỉ ngừng lại khi chu kỳ bầu cử sắp đến và các đảng cực hữu công kích những đối thủ ôn hòa của mình bằng những luận điệu giận dữ. Tuy nhiên bạn hãy nhìn tình huống này đi, họ đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn không dễ tìm ra lối thoát. 

Triển vọng tương lai 
Khi châu Âu vực dậy từ đống hoang toàn của hai cuộc chiến tranh thế giới, ý tưởng về việc sát nhập châu Âu là rất tự nhiên. Chúng ta có một châu lục với các quốc gia sở hữu nhiều điểm chung. Tất cả họ đều đã trải qua thời kỳ Phục Hưng và thời kỳ Khai Sáng và kết quả để lại là một nền văn hóa châu Âu, một cách tư duy giống nhau về bản thân họ và về thế giới. Thiên Chúa Giáo là tôn giáo thống trị. Quay trở lại lịch sử, những quốc gia này đã cùng chia sẻ di sản từ những năm tháng của đế chế La Mã, điều này mang lại cho họ một sự đồng nhất nào đó trong cách tổ chức xã hội. Tuy nhiên, mặc cho tất cả các điểm chung đó, điều đáng chú ý ở thế kỷ 20 chính là sự bất đồng và chia rẽ giữa họ, vì họ bị dẫn dắt bởi những thiên thần tội lỗi để lâm vào những cuộc chiến tàn bạo, kéo dài, giết hại lẫn nhau, để lại hậu quả là hàng triệu người chết. Sau đó, hợp nhất trở thành sứ mệnh trung tâm của những nhà lãnh đạo châu Âu. Điều này thể hiện hy vọng tột cùng cho một nền hòa bình lâu dài. Cách rõ ràng nhất để thực hiện điều này là các quốc gia phát triển dựa trên 
những điểm tương đồng, bỏ qua một bên những khác biệt và ràng buộc vận mệnh dân tộc lại gần nhau hơn để họ không bao giờ phải chịu đựng những hệ quả kinh hoàng mà có thể nói là do chính họ gây nên. 
Khi đã quyết định đây là một dự án quan trọng, họ bắt đầu xây dựng những thể chế cần thiết. Họ ký Hiệp ước Paris năm 1951, thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu, tổ chức tiền thân của Liên minh châu Âu. Vào năm 1957, Hiệp ước Rome, văn bản đề xuất thành lập một thị trường chung, và các chính sách nông nghiệp và vận tải chung, đã được ký kết. Cộng đồng này sau đó phát triển thành Liên minh châu Âu và mở rộng ra bao gồm 27 quốc gia sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong số các quốc gia này, có 17 nước áp dụng đồng tiền chung, đồng Euro. 
Hội nhập mang lại một triển vọng rất lớn bên cạnh hòa bình. Một châu Âu đạt được sự đồng nhất về mặt mục tiêu sẽ đạt được sức mạnh kinh tế lớn hơn, và quan trọng hơn là một tiếng nói nặng ký hơn trong các vấn đề quốc tế. Hay nói đơn giản, đó sẽ là một châu Âu hùng mạnh hơn. Nếu người châu Âu tăng cường việc 
hội nhập và tiến tới có một bộ trưởng tài chính, và có lẽ có luôn một bộ trưởng ngoại giao và một bộ trưởng quốc phòng, thì họ sẽ gia tăng được sức mạnh cứng ở một mức độ khổng lồ. Hãy xét trường hợp người Mỹ. Cơ bản họ là những người châu Âu được chuyển đến một châu lục khác và bỏ đi lòng trung thành với bộ tộc 
riêng và ngôn ngữ riêng của mình. Nếu châu Âu hội nhập tới một mức độ tương tự và trở thành Hiệp chủng quốc châu Âu, thì không có gì người Mỹ có thể làm mà người châu Âu lại không thể làm. Châu Âu là một thực thể đông dân cư hơn Mỹ (500 triệu người so với 310 triệu) và nền kinh tế lớn hơn một phần sáu so với Mỹ. 
Một châu Âu như vậy chắc chắn sẽ chạy đua cho vị trí siêu cường hàng đầu thế giới. Nhưng than ôi, tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra khả năng không thể hội nhập. Cho đến bây giờ họ đã thất bại trong việc làm cho đồng tiền chung trở nên hiệu quả và không có mấy khả năng để tiến tới một lập trường chung về chính sách đối ngoại hoặc một hệ thống quân sự duy nhất. Họ có lịch sử của riêng mình, mà trong đó mỗi nền lịch sử lại kéo dài hàng nhiều thế kỷ về trước. Mỗi dân tộc tự hào về truyền thống riêng của họ. Quan trọng hơn tất cả, họ muốn duy trì sự tồn tại ngôn ngữ của mình - vì có cả một thời kỳ huy hoàng và một nền văn học tráng lệ đằng sau đó. Mỹ quyết định bắt đầu từ đầu và tạo ra một nền văn học hoàn toàn mới, nhưng châu Âu sẽ không thể làm như vậy. Mặc dù tiếng Anh đã là ngôn ngữ thứ hai trong tất cả các nước, nhưng lục địa này sẽ không bao giờ chấp nhận đây là ngôn ngữ làm việc duy nhất. 
Vậy thì vị trí của châu Âu trên thế giới sẽ là gì? Họ sẽ là những diễn viên nhỏ hơn trên trường quốc tế. Đối diện với thế thống trị của các cường quốc lớn như Mỹ và Trung Quốc, và có lẽ sau này là Ấn Độ, châu Âu sẽ bị giảm xuống chỉ còn vai trò những diễn viên phụ. Hầu hết các nước châu Âu sẽ được cư xử - khá hợp lý - như những quốc gia nhỏ bình thường khác. Đức có thể có khả năng gánh vác một mình, nhờ có dân cư và thành công về mặt kinh tế của họ, mặc dù nước này sẽ không muốn làm gì đó phật lòng những nước khác bởi vì họ vẫn mang đầy cảm giác tội lỗi vì đã giết sáu triệu người Do Thái trong cuộc tàn sát Holocaust. Người Anh sẽ còn giữ một số ảnh hưởng nhất định vì mối quan hệ đặc biệt xuyên Đại Tây Dương với Mỹ. 
Tuy nhiên, châu Âu không thể hy vọng tiếng nói của mình có giá trị gì nhiều tại một bàn hội nghị có mặt Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, ngay cả khi các nhà lãnh đạo châu Âu có thể vẫn ngần ngại thừa nhận điều này vì ý thức lịch sử về niềm kiêu hãnh của bản thân và kinh nghiệm lâu năm tham gia trên sân chơi quốc tế. Rốt cuộc, bạn đang so sánh các quốc gia 40, 50 hay 80 triệu dân đối đầu với 1,3 tỉ dân của Trung Quốc và 1,2 tỉ dân của Ấn Độ. Đặc biệt là người Trung Quốc, họ thấy rằng một châu Âu phân mảnh sẽ làm cho cuộc sống dễ dàng hơn với họ. Họ có thể giải quyết với từng nước một, hơn là cả nhóm. Mỗi quốc gia châu Âu sẽ phụ 
thuộc nhiều vào Trung Quốc hơn là nước này phụ thuộc vào họ. Sự phụ thuộc này sẽ còn gia tăng khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang hướng về nội địa nơi mà nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng tăng làm động lực phát triển cho cả guồng máy. 
Tuy nhiên tiếng nói trên trường quốc tế của châu Âu bị giảm đi sẽ không khiến cho tiêu chuẩn sống của lục địa này giảm theo cùng mức độ. Nếu châu Âu có thể sống sót qua thời kỳ đổ vỡ của đồng Euro, họ sẽ quay lại với những gì mà họ từng có. Châu Âu mất đi tiếng nói trên thế giới, nhưng các quốc gia tại đây vẫn có 
một tiêu chuẩn cao về giáo dục và kỹ năng giúp người dân vẫn có được cuộc sống tốt. Sẽ có suy giảm, nhưng mỗi quốc gia sẽ đạt một trạng thái ổn định phù hợp với mức độ cạnh tranh của riêng mình. Người châu Âu sẽ sống một cuộc sống đủ hạnh phúc. 
--o--
Tôi viết sách này với tâm trạng buồn bã hơn là muốn chế giễu sự suy yếu không thể tránh khỏi của châu Âu. Tôi không muốn làm người châu Âu thất vọng. Người châu Âu là những dân tộc rất văn minh. Vâng, họ là những nhà thực dân -người Pháp, người Bỉ, người Anh và người Tây Ban Nha. Nhưng người Pháp có sứ mệnh khai hóa văn minh (mission civilisatrice) để chuyển nền văn minh của họ sang cho người châu Phi. Và về tổng thể, người Anh ra đi để lại sau lưng họ các thể chế, trong đó có ở Singapore. Chúng tôi có nền pháp quyền, có các đạo luật, chúng tôi có tiếng Anh và chúng tôi đủ khôn ngoan để không thay đổi bất cứ thứ nào trong số những di sản này. Chúng giúp chúng tôi phát triển. Các thể chế của họ đã đủ hiệu quả rồi. Điều mà tôi làm là đảm bảo rằng chúng tôi không phá hoại các thể chế này mà chỉ làm cho chúng mạnh hơn. Đối lập hoàn toàn, người Bỉ đã để Congo lại trong một đống hỗn độn. Họ khai thác nguyên liệu thô và khi thời điểm buộc họ phải rời đi, nơi này tan rã theo cuộc chiến giữa các bộ tộc. Ngày nay Congo vẫn còn vướng vào rắc rối. Tại Guinea, Charles de Gaulle đã rất tức giận với Ahmed Sékou Touré, một nhà đấu tranh mạnh mẽ vì tự do, đến nỗi mà người Pháp đã dỡ hết tất cả đường dây điện và điện thoại trước khi họ rời đi. Guinea vẫn chưa phục hồi lại từ chuyện này. Người Pháp không làm như vậy đối với tất cả thuộc địa của mình nhưng họ đã làm với Guinea vì Sékou Touré đã quấy nhiễu chính phủ Pháp. Do vậy, Sékou Touré thừa hưởng một hệ 
thống không hoạt động, một hệ thống mà ông không bao giờ có thể làm cho hoạt động lại được. 
Những điều này tạo nên sự khác biệt. Nếu người Anh để lại quốc gia của tôi như tình trạng mà Pháp và Bỉ đã để lại cho thuộc địa của họ, tôi không chắc tôi có thể xây dựng nên Singapore của ngày hôm nay. Người Anh rời đi trong lịch thiệp. Tòa nhà Istana trước đây là nơi làm việc của thủ hiến cuối cùng, Bill Goode, người đã trao tòa nhà lại một cách nguyên vẹn, mọi thứ đều có trật tự. Ông dẫn tôi tham quan một vòng và giới thiệu tôi với những người quản gia và những người khác trước khi rời đi. Từ đó ông đến Bắc Borneo trong một khoảng thời gian ngắn rồi nghỉ hưu. Chúng tôi cảm thấy biết ơn vì hệ thống mà họ để lại và sự ra đi đầy lịch thiệp này. 

http://nghiencuuquocte.net/2014/06/15/ly-quang-dieu-ve-chau-au/









Du học – “Đi đi, đừng về!”

Du học – “Đi đi, đừng về!”

Du học – “Đi đi, đừng về!”
Featured image: Bob Jagendorf

Đây là những tâm sự thật của một bạn du học sinh Mỹ hiện đang ở Việt Nam hè 2014. Tôi quyết định giấu tên người chia sẻ câu chuyện này.

Góc nhìn Việt Nam: “Đi Mỹ được rồi, về làm gì?”

“Tôi năm nay 21 tuổi, đang du học tại Mỹ. Kết thúc 4 năm Đại học, tôi muốn về Việt Nam. Nhưng ai cũng ngăn cản: “Đi đi, đừng về!”
Bố mẹ tôi làm trong ngành y. Hai người bắt đầu nói về chuyện du học và định cư tại Mỹ khi tôi mới học 11. Mẹ thường hay kể công việc hằng ngày tại bệnh viện, để tôi hiểu lời hối thúc “đừng về Việt Nam” bắt nguồn từ 20 năm sống trong bức xúc của mẹ:
“Bệnh viện của mẹ có một bác giám đốc lên chức từ những năm 80. Kể từ đó, bác đã cho không biết bao nhiêu họ hàng từ Bắc, Trung vào làm hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên,… Với “quyền lực mềm” của giám đốc, bác chỉ nói một tiếng, có anh trưởng khoa nào không dám nhận người? Toàn con ông cháu cha. Còn những sinh viên chính quy, nắm tấm bằng Đại học, phải trầy trật khổ sở để được bước chân vào cổng viện. Không chỉ ở đây, mà bất cứ nơi đâu tại Việt Nam này cũng có “quyền lực mềm” giống thế hoặc hơn thế. Nhiễu nhương lắm. Hách dịch lắm. Về làm gì hả con?”
Khi không thuyết phục được tôi, ba mẹ viện đến dì. Dì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt Nam để cống hiến. Nhưng, ở nơi này, tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!” Không chỉ bố mẹ, dì, mà các bác đang sống ở Mỹ đều đồng ý với quan điểm ấy.

Lăng kính Mỹ: “Lý do nào để quay về quê hương?”

Trong vòng tròn bạn bè của tôi, chỉ ra ai không muốn về Việt Nam thì rất dễ. Còn tìm người quyết tâm trở lại thì thật khó khăn. Nhiều bạn lưỡng lự, không ai dám chắc chắn hai chữ: “Sẽ về!”
Tôi có một cô bạn thân đang học ngành Công nghệ thực phẩm. Cô bảo: “Ngành mình học, về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để chật vật kiếm một chỗ làm sau 4 năm vất vả!”
Một người bạn khác chia sẻ: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình đã biết. Tại Việt Nam, mình sẽ không làm được.”
Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình.
Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa apply thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể”.
Những thằng Mỹ thì hỏi thẳng vào mặt tôi: “Tụi mày từ Việt Nam đến đây học, thụ hưởng văn hóa của tụi tao, thụ hưởng cả những đồng tiền bố mẹ tao còng lưng đóng thuế. Học xong mày phủi tay quay về nước, thế thì có công bằng với tụi tao hay không?”
*
Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương, cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy. Chưa bao giờ sách giáo khoa nói về những cái cúi đầu của chúng tôi trên đất Mỹ, vì nỗi tự ti quê hương thua kém hơn, mà chỉ bảo: “Nước ta rừng vàng biển bạc.”
Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau mà đi xây dựng đất nước.
Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam, mà chỉ nói: “Đừng về để dẫm vào đường cụt. Trên mảnh đất này, người tài không có cơ hội. Vì tương lai của con, hãy đi đi!”
Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?”

Đỗ Thanh Lam

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Cơm áo gạo tiền và sự lựa chọn nghề nghiệp

Cơm áo gạo tiền và sự lựa chọn nghề nghiệp


Cơm áo gạo tiền và sự lựa chọn nghề nghiệp

Photo: Pete

Nhân câu chuyện về buổi giao lưu chia sẻ với các a em ngày thứ 6 vừa rồi, ngẫu hứng viết một bài viết cũng với chủ đề: Cơm áo gạo tiền và sự lựa chọn nghề nghiệp. Khác với những buổi gặp gỡ khác, và không đơn thuần chỉ là lắng nghe và chiêm nghiệm, với buổi chia sẻ này ai cũng được nói và trải lòng mình. Nghe những câu chuyện của mọi người, của Khac Tu Nguyen hay của a Pham Phan, anh Phạm Văn Cương, hay của Tonny Thành. Đó là câu chuyện về một người chưa tìm được đam mê của mình và vẫn đang duy trì một công việc khác mà mình không thích để trang trải cuộc sống.
Hay đó là câu chuyện về một người truyền cảm hứng, người muốn đứng trước sân khấu, muốn mang lại niềm vui cho mọi người nay vì một số lý do mà phải bỏ dở giữa chừng. Tiếp đó là câu chuyện của một anh chàng CEO tương lai với hành trình không ngừng nghỉ, cho dù là bỏ học giữa chừng hay dọn nhà ra ở riêng, tất cả cũng vì một niềm đam mê. Cuối cùng là câu chuyện về một lập trình viên, với niềm đam mê tin học từ những ngày học cấp 3 nay đã có một tiền đồ hết sức sáng lạng với thu nhập không dưới 7 con số 0.

Những câu chuyện thú vị, những con số biết nói?

Với mỗi câu chuyện chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi cho anh (bạn) ấy: Liệu đó có phải là công việc phù hợp với bạn không, bạn có định làm công việc này lâu dài không. Số đông lựa chọn giữa việc chấp nhận một công việc ít, thậm chí không có thu nhập và một công việc không ưa thích nhưng trang trải được cuộc sống. Chỉ có một số ít thực sự hài lòng với công việc hiện tại, cả về đam mê lẫn thu nhập.
Cuối cùng chúng tôi hỏi mọi người: Nếu tiền không phải là vấn đề, nếu như một ngày tiền không còn giá trị thì bạn muốn một công việc như thế nào? (nhưng rất tiếc do một số lý do mà câu hỏi này còn bỏ ngỏ, nhưng tôi tin khi nhận được trả lời, chúng ta sẽ đều bị sốc)

Kiếm tiền hay cống hiến

Trong khi viết những dòng này thì cùng lúc tôi đang làm cho mình một bản kế hoạch cuộc đời, một bản kế hoạch cho tất cả những gì tôi muốn đạt được trong 1 năm, 5 năm và thậm chí 20 năm nữa. Đương nhiên là có cả mục tiêu “kiếm tiền”. Nhưng tôi thay đổi tựa đề thành “cống hiến”. Hầu hết những lứa sinh viên mới ra trường như tôi đều có một niềm trăn trở đó là mình sẽ làm gì để trang trải cuộc sống đây khi không còn sự chu cấp của gia đình nữa hoặc vì lý do nào khác. Bất kể nơi nào kiếm được tiền thì mình sẽ đến đó… và có rất nhiều lý do để chúng ta lăn xả vào kiếm tiền mà quên rằng bản chất thực sự của việc kiếm tiền đó là kết quả của sự cống hiến. Bạn cho đi và bạn sẽ nhận lại, đó là điều tất yếu. Với tôi sự cống hiến không chỉ giúp mình trang trải cuộc sống mà quan trọng hơn nữa nó còn giúp tôi trưởng thành, giúp tôi học được nhiều điều hơn. Vậy còn bạn thì sao, bạn đang kiếm tiền hay cống hiến?

Hạnh phúc hay cái đích khác?

Tính đến nay tôi đã đi hết được 1/3 cuộc đời, chặng đường đi được chưa được bao nhiêu, nhưng rất may mắn khi gặp được 3 người thầy đáng quý trọng. Người đầu tiên là bố mẹ tôi với bài học vỡ lòng: “Hạnh phúc là cái chúng ta luôn hướng đến, con trai à.” Người thầy thứ 2 đó là sư phụ mà 3 anh em chúng tôi bái sư, và cũng là một người tôi hết sức ngưỡng mộ, anh đã giúp tôi hiểu rằng hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà đến từ chính bên trong chúng ta. Người thầy cuối cùng đó là những cuốn sách. Tôi lớn lên với sách, ăn ngủ với sách, giác ngộ cũng nhờ sách.
Và sau những điều đấy tôi học được rằng hạnh phúc mới là cái chúng ta hướng tới trong cuộc đời này chứ không phải sự dư dả vật chất hay bất kỳ thứ gì khác.
Có một câu nói nổi tiếng mà tôi rất thích nghe đó là: “Không có tiền cạp đất mà ăn à.” Nghe đi nghe lại mới thấy càng chuẩn. Tiền là công cụ trung gian để đáp ứng những nhu cầu của con người, trong đó có nhu cầu tối thiểu nhất đó là sinh tồn, ăn mặc, ở. Tiền cũng là công cụ để giúp mang lại hạnh phúc theo một cách nào đó. Tiền rất quan trọng nhưng đáng tiếc không phải là tất cả. Chúng ta đang bị cuốn vào những cuộc chạy đua, chúng ta đang vô tình trở thành những người “làm tiền”. Tôi mới chỉ nghe những bài báo tan nát gia đình, hay thảm án đêm khuya vì tiền chứ chưa từng nghe nói rằng có bất kỳ vụ án hay sự vụ nghiêm trọng nào do hung thủ là “hạnh phúc” cả.

Chỉ cần đam mê liệu bạn có trang trải được cuộc sống

Có nhưng chưa đủ. Thế kỷ 21 đã chứng minh cho chúng ta thấy tất cả những tỷ phú triệu phú trên thế giới đều có chung một xuất phát điểm đó là đam mê. Nhưng chỉ đam mê thôi thì chưa đủ, ngoài ra còn kiên trì, sáng tạo, thói quen tốt,.. và chỉ khi những yếu tố đó cùng kết hợp mới tạo nên những cuộc đời thành công những thương hiệu triệu đô…
Nhưng bạn thân mến, chúng ta đang nói về câu chuyện trang trải cuộc sống, chứ không phải về một gia tài triệu đô hay tỷ đô. Bạn có biết nhưng câu chuyện ở trên tại sao tôi lại sắp xếp như vậy không. Từ câu chuyện một người chưa biết rõ đam mê của mình, tiếp đến là chuyện về anh chàng đã khám phá ra đam mê, sau đó là một CEO tương lai đang trên đường học hỏi để từ đam mê trở thành một nghề nghiệp, và cuối cùng là câu chuyện của lập trình viên người đã phát triển đam mê thành một nghề nghiệp và kiếm tiền từ nó.
Những câu chuyện đó đã cho chúng ta thấy rằng để phát triển từ đam mê đến một nghề nghiệp hái ra tiền đó là một quá trình tích lũy không ngừng. Cũng giống như khi bạn chăm sóc một vườn cây, bạn luôn mong muốn một ngày chính tay bạn sẽ hái những quả chín mọng từ vườn cây đó nhưng nếu bạn không gieo hạt, không chăm sóc cho nó thì lấy quả ở đâu ra. Trong cuộc sống cũng vậy, có những người đang gieo hạt, và có những người đã hái quả rồi đấy. Còn bạn thì sao? Hãy nghĩ kỹ đi nào, lựa chọn một công việc là đam mê của bạn hay một công việc bạn không thích nhưng đủ trang trải cuộc sống.
Tôi đã từng thấy một anh chàng ca sĩ sáng chiều đến văn phòng đối mặt với công việc mình không thích để trang trải cuộc sống và cuối tuần hát tại các phòng trà chỉ để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Và cuối cùng khi cảm thấy không còn thích hợp với công việc văn phòng, anh đã quyết đi theo con đường nghệ thuật. Bạn có thể làm theo chàng ca sĩ này tất nhiên rồi. Nhưng không sớm thì muộn bạn cũng sẽ quay trở lại với chính đam mê của mình! Vậy tại sao lại không theo đuổi nó từ đầu? Viết miên man một hồi thì gà đã gáy rồi, chợt nhìn lại bản thân mình,… cảm thấy những gì mình đang làm thực sự có ý nghĩa, và thấy hạnh phúc… như vậy là đủ rồi.
Đôi dòng chia sẻ, mong nhận được ý kiến từ mọi người.

Tuan Dao
http://www.triethocduongpho.com/2014/06/09/com-ao-gao-tien-va-su-lua-chon-nghe-nghiep/

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Chỉ có kẻ ngu mới chống Hoa Kỳ


Chỉ có kẻ ngu mới chống Hoa Kỳ
Lý Quang Diệu

Mỹ nhiều trở ngại nhưng vẫn giữ vị trí số một
Cân bằng quyền lực đang chuyển đổi. Về phía châu Á của Thái Bình Dương, theo thời gian Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gây ảnh hưởng. Mọi chuyện sẽ không còn như trước. Địa lý là điểm mấu chốt trong trường hợp này. Trung Quốc có lợi thế hơn vì nằm trong khu vực và có khả năng phô trương sức mạnh dễ dàng hơn ở châu Á. Đối với Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng từ cách xa 8.000 dặm là một điều hoàn toàn khác. Sự bất bình đẳng về ý chí, hậu cần và chi phí là rất đáng kể. Chỉ riêng dân số của Trung Quốc, 1,3 tỉ người, so với 314 triệu người Mỹ, cũng góp phần vào khó khăn của Hoa Kỳ.

Ông Lý Quang Diệu
Nhưng sự chuyển giao quyền lực sẽ không xảy ra một sớm một chiều do ưu thế vượt bậc của Hoa Kỳ về công nghệ. Người Trung Quốc dù có thể chế tạo tàu sân bay nhưng vẫn không thể đuổi kịp người Mỹ một cách nhanh chóng về công nghệ tàu sân bay với sức chứa 5.000 quân và đầu máy hạt nhân. Nhưng cuối cùng, những bất lợi của Hoa Kỳ do khoảng cách địa lý dần sẽ mang tính quyết định. Hoa Kỳ sẽ phải điều chỉnh thế đứng của mình và chính sách của họ trong khu vực này.

Chính quyền Obama tuyên bố vào năm 2011 rằng Hoa Kỳ dự định tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương với một trọng tâm mới. Họ gọi đây là Sự Xoay Trục về Châu Á. Trên tờ Foreign Policy, ngoại trưởng Hillary Clinton giải thích tư duy đằng sau chính sách mới này như sau: “Các thị trường mở ở châu Á là những cơ hội chưa từng thấy đối với Hoa Kỳ về đầu tư, thương mại và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến… Về mặt chiến lược, việc gìn giữ hoà bình và an ninh ở khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên thiết yếu đối với sự tiến bộ trên toàn cầu, dù là thông qua bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở Bắc Triều Tiên hay đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các nước lớn trong khu vực.” Vào tháng 4 năm 2012, 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên đã được triển khai tới Darwin , Úc trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.

Nhiều quốc gia Châu Á chào đón cam kết mới này từ người Mỹ. Trong nhiều năm, sự hiện diện của Hoa Kỳ là một nhân tố quan trọng giúp ổn định khu vực. Kéo dài sự hiện diện này sẽ giúp duy trì ổn định và an ninh. Kích thước của Trung Quốc có nghĩa là cuối cùng chỉ có Hoa Kỳ – kết hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời hợp tác với các quốc gia ASEAN – mới có thể đối trọng lại được nước này

Tuy nhiên, chúng ta còn phải xem liệu người Mỹ có thể biến ý định thành cam kết trong lâu dài được hay không. Ý định là một mặt, tài trí và khả năng là một mặt khác. Hiện nay Hoa Kỳ có quân ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam . (Người Philippines đã không khôn ngoan khi mời người Mỹ rời khỏi vịnh Subic vào năm 1992. Họ quên mất hậu quả về lâu dài của hành động này và bây giờ họ bảo rằng “Hãy làm ơn quay lại.”) Người Mỹ tin rằng họ có sẵn một dàn xếp quân sự trong khu vực cho phép họ cân bằng lại được với hải quân Trung Quốc. Hơn nữa, vì các vùng nước trong khu vực tương đối nông, người Mỹ có thể theo dõi hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, kể cả tàu ngầm. Nhưng liệu lợi thế này có thể kéo dài được bao lâu? Một trăm năm? Không thể nào. Năm mươi năm? Không chắc. Hai mươi năm? Có thể. Rốt cuộc, cân bằng quyền lực có thể thực hiện được hay không còn phải chờ vào nền kinh tế Hoa Kỳ trong một vài thập niên tới. Cần có một nền kinh tế vững mạnh thì mới có thể phô trương quyền lực – đầu tư xây dựng tàu chiến, tàu sân bay và các căn cứ quân sự.

Khi cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ trên Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra, những quốc gia nhỏ hơn ở châu Á bắt buộc phải thích ứng với cục diện mới. Thucydides đã từng viết rằng “kẻ mạnh làm những gì mà họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng”. Các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á có thể không phải có một kết cục bi thảm như thế, nhưng bất cứ góc nhìn hiện thực chủ nghĩa nào về sự suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương đều sẽ khiến các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình. Người ta sẽ phải quan tâm hơn đến những gì người Trung Quốc thích hoặc không thích khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Nhưng điều quan trọng không kém là không để cho Trung Quốc hoàn toàn thống trị. Cuối cùng, tôi không cho rằng viễn cảnh người Trung Quốc hất cẳng hoàn toàn người Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương có thể diễn ra.

Ví dụ như Việt Nam , là một trong những quốc gia không an tâm nhất về sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình ra lệnh tấn công miền Bắc Việt Nam vào năm 1979 để trả đũa việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia. Đặng phá hủy một vài làng mạc và thị trấn rồi sau đó rút lui, chỉ nhằm đưa ra một lời cảnh cáo với người Việt: “Tôi có thể tiến thẳng vào và tiếp quản Hà Nội.” Đây không phải là bài học mà người Việt có thể quên được. Một chiến lược có lẽ đã được chính phủ Việt Nam bàn đến là làm thế nào để có thể bắt đầu thiết lập các mối quan hệ an ninh lâu dài với người Mỹ.

Tôi cũng cảm thấy rất tiếc rằng sự thay đổi cân bằng quyền lực đang diễn ra vì tôi cho rằng Hoa Kỳ là một cường quốc hoà bình. Họ chưa bao giờ tỏ ra hung hãn và họ không có ý đồ chiếm lãnh thổ mới. Họ đưa quân đến Việt Nam không phải vì họ muốn chiếm Việt Nam . Họ đưa quân đến bán đảo Triều Tiên không phải vì họ muốn chiếm bắc hay nam Triều Tiên. Mục tiêu của các cuộc chiến tranh đó là chống lại chủ nghĩa cộng sản. Họ đã muốn ngăn chủ nghĩa cộng sản lan tràn trên thế giới. Nếu như người Mỹ không can thiệp và tham chiến ở Việt Nam lâu dài như họ đã làm, ý chí chống cộng ở các nước Đông Nam Á khác chắc đã giảm sút, và Đông Nam Á có thể đã sụp đổ như một ván cờ domino dưới làn sóng đỏ. Nixon đã giúp cho miền Nam Việt Nam có thời gian để xây dựng lực lượng và tự chiến đấu. Nam Việt Nam đã không thành công, nhưng khoảng thời gian gia tăng đó giúp Đông Nam Á phối hợp hành động với nhau và tạo dựng nền tảng cho sự phát triển của ASEAN.

Singapore khá thoải mái với sự hiện diện của người Mỹ. Chúng ta không biết Trung Quốc sẽ quyết đoán hay hung hăng như thế nào. Vào năm 2009 khi tôi nói chúng ta phải cân bằng lực lượng với Trung Quốc, họ dịch từ đó sang tiếng Trung thành “kìm hãm”. Điều này làm nổi lên một làn sóng phẫn nộ trong cư dân mạng Trung Quốc. Họ cho rằng làm sao tôi lại dám nói như thế trong khi tôi là người Hoa. Họ quá là nhạy cảm. Thậm chí sau khi tôi giải thích rằng tôi không hề sử dụng từ “kìm hãm”, họ vẫn không hài lòng. Đấy là bề mặt của một thứ quyền lực thô và còn non trẻ.

Trong cục diện đang thay đổi này, chiến lược chung của Singapore là đảm bảo rằng mặc dù chúng ta lợi dụng bộ máy tăng trưởng thần kì của Trung Quốc, chúng ta sẽ không cắt đứt với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Singapore vẫn quan trọng với người Mỹ. Singapore nằm ở vị trí chiến lược ở trung tâm của một khu vực quần đảo, nơi mà người Mỹ không thể bỏ qua nếu muốn duy trì ảnh hưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Và mặc dù chúng ta xúc tiến các mối quan hệ với người Trung Quốc, họ cũng không thể cản chúng ta có các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hoá và an ninh bền chặt với Hoa Kỳ. Người Trung Quốc biết rằng họ càng gây áp lực với các quốc gia Đông Nam Á thì các quốc gia này càng thân Mỹ hơn. Nếu người Trung Quốc muốn đưa tàu chiến đến viếng thăm cảng của Singapore khi có nhu cầu, như là người Mỹ đang làm, chúng ta sẽ chào đón họ. Nhưng chúng ta sẽ không ngả về phía nào bằng cách chỉ cho phép một bên và cấm đoán bên kia. Đây là một lập trường mà chúng ta có thể tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.

Chúng ta còn liên kết với phần còn lại của thế giới thông qua ngôn ngữ. Chúng ta may mắn được người Anh cai trị và họ để lại di sản là tiếng Anh. Nếu như chúng ta bị người Pháp cai trị, như người Việt, chúng ta phải quên đi tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh để kết nối với thế giới. Đó chắc hẳn là một sự thay đổi đầy đau đớn và khó khăn. Khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, một nhóm trong Phòng Thương Mại người Hoa gặp tôi để vận động hành lang cho việc chọn tiếng Hoa làm quốc ngữ. Tôi nói với họ rằng: “Các ông phải bước qua tôi trước đã.” Gần 5 thập niên đã trôi qua và lịch sử đã cho thấy rằng khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore . Tiếng Anh là ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế. Đế quốc Anh đã truyền bá thứ ngôn ngữ này ra khắp thế giới, nên khi người Mỹ tiếp quản, đó là một sự chuyển đổi dễ dàng sang tiếng Anh kiểu Mỹ. Đây cũng là một lợi thế rất lớn đối với người Mỹ khi trên toàn thế giới đã có nhiều người nói và hiểu ngôn ngữ của họ.

Khi sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp diễn, Singapore có thể nâng cao chuẩn mực tiếng Hoa trong nhà trường để cho học sinh của chúng ta có một lợi thế, nếu họ chọn làm việc hoặc giao thương với Trung Quốc. Nhưng tiếng Hoa vẫn sẽ là ngôn ngữ thứ hai, vì thậm chí nếu GDP của Trung Quốc có vượt qua Hoa Kỳ, họ cũng không thể cho chúng ta được mức sống mà chúng ta đang hưởng thụ ngày nay. Đóng góp của Trung Quốc vào GDP của chúng ta ít hơn 20%. Phần còn lại của thế giới sẽ giúp Singapore duy trì phát triển và đạt được thịnh vượng – không chỉ là người Mỹ, mà còn là người Anh, người Đức, người Pháp, người Hà Lan, người Úc, vv…. Các nước này giao dịch kinh doanh bằng tiếng Anh, không phải tiếng Trung. Sẽ là rất ngu ngốc nếu chúng ta xem xét chọn tiếng Trung làm ngôn ngữ làm việc tại bất kì thời điểm nào trong tương lai, khi mà chính người Hoa cũng rất cố gắng học tiếng Anh từ khi mẫu giáo cho đến bậc đại học.

Cuộc cạnh tranh cuối cùng

Hoa Kỳ không phải đang trên đà suy thoái. Uy tín của Hoa Kỳ đã chịu nhiều tổn thất do việc đóng quân lâu dài và lộn xộn tại Iraq và Afghanistan cũng như do cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nhưng những sử gia giỏi nhìn nhận sẽ chỉ ra rằng một Hoa Kỳ dường như yếu đi và trì trệ đã từng phục hồi ra khỏi những tình huống còn tệ hại hơn. Đất nước Hoa Kỳ đã đối mặt nhiều thử thách lớn trong những thời kỳ chưa xa: cuộc Đại Suy thoái, chiến tranh Việt nam, thời kì trỗi dậy của các cường quốc công nghiệp hậu chiến như Nhật Bản và Đức. Mỗi lần như vậy, Hoa Kỳ đã tìm thấy ý chí và sức mạnh để phục hồi vị trí dẫn đầu cùa mình. Hoa Kỳ đã áp đảo. Nó sẽ thực hiện được điều này một lần nữa.

Thành công của Hoa Kỳ nằm ở nền kinh tế năng động, được duy trì không chỉ bằng khả năng đặc biệt sản xuất ra cùng một thứ với chi phí ít hơn mà còn là liên tục đổi mới sáng tạo – tức là sáng chế ra một mặt hàng hay dịch vụ hoàn toàn mới mà thế giới sớm cảm thấy hữu dụng và đáng khát khao. Chiếc iPhone, iPad, Microsoft, Internet – tất cả đều được tạo ra ở Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác. Người Trung Quốc có thể có nhiều nhân tài so với người Mỹ, nhưng sao họ không có những phát minh tương tự? Rõ ràng họ thiếu một sự sáng tạo mà người Mỹ sở hữu. Và tia sáng đó cho thấy người Mỹ thỉnh thoảng thể có sáng tạo đột phá thay đổi cục diện, điều cho họ vị trí dẫn đầu.

Thậm chí nếu những người theo thuyết suy thoái đúng, và thật là Hoa Kỳ đang trên đà xuống dốc, ta phải nhớ rằng đây là một nước lớn và cần có một thời gian dài thì mới suy thoái. Nếu Singapore là một nước lớn, tôi sẽ chẳng lo lắng lắm nếu chúng ta chọn chính sách sai lầm, vì hậu quả sẽ xuất hiện chậm. Nhưng chúng ta là một nước nhỏ và một quyết định sai lầm có thể gây hậu quả kinh khủng trong một thời gian ngắn. Mặt khác, Hoa Kỳ như là một con tàu chở dầu lớn. Họ sẽ không thể chuyển hướng nhanh như một chiếc thuyền. Nhưng tôi tin rằng các cá nhân tin vào thuyết suy thoái đã sai lầm. Hoa Kỳ sẽ không suy thoái. So sánh tương đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể ít uy lực hơn. Có thể khả năng phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng và có thể Hoa Kỳ không thể sánh với Trung Quốc về dân số và GDP, nhưng lợi thế chính yếu của Hoa Kỳ – sự năng động của họ – sẽ không biến mất. Hoa Kỳ, nếu đem ra so sánh đến giờ, là một xã hội sáng tạo hơn. Và khi mà trong lòng nội bộ nước Mỹ đang có một cuộc tranh luận về việc liệu họ có đang xuống dốc hay không thì đó là một dấu hiệu tốt. Điều đó có nghĩa rằng họ không ngủ quên trên đỉnh cao.

Tại sao tôi lại tin vào thành công dài hạn của Hoa Kỳ

Đầu tiên, Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn ý tưởng dồi dào và tạo nên một chất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ không thành công được đến như vậy nếu như không có người nhập cư. Trong hàng thế kỉ, Hoa Kỳ thu hút nhân tài từ châu Âu. Ngày hôm nay, họ thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á. Vì Hoa Kỳ có thể dung nạp người nhập cư, giúp họ hoà nhập và cho họ một cơ hội công bằng để đạt được giấc mơ Mỹ, luôn có một nguồn chảy tài năng hướng vào Hoa Kỳ và đổi lại Hoa Kỳ có được công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới.

Trung Quốc và những quốc gia khác rồi sẽ phải tiếp thu vài phần của mô hình thu hút nhân tài của Hoa Kỳ phù hợp với hoàn cảnh của mình. Họ phải đi tìm người tài để xây dựng các doanh nghiệp. Đây là cuộc cạnh tranh tối hậu. Đây là thời đại mà chúng ta không còn có các cuộc đua quân sự giữa các cường quốc vì họ biết rằng họ sẽ huỷ hoại nhau bằng cách ấy. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh về kinh tế và kĩ thuật và tài năng là nhân tố chính.

Hoa Kỳ là một xã hội thu hút và giữ chân được nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ — lấy ví dụ như Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore . Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có ít công ăn việc làm hơn.

Một lí do tại sao Trung Quốc sẽ luôn kém hiệu quả hơn trong việc thu hút nhân tài chính là ngôn ngữ. Tiếng Hoa khó học hơn tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng.

Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng.

Một nguồn lực khác mang lại sức cạnh tranh cho Hoa Kỳ là nhiều trung tâm xuất sắc cạnh tranh lẫn nhau khắp cả nước. Ở bờ Đông có Boston, New York, Washington, và ở bờ Tây có Berkeley, San Francisco, và ở miền Trung nước Mỹ thì có Chicago và Texas. Bạn sẽ thấy sự đa dạng và mỗi trung tâm lại cạnh tranh với nhau, không ai nhường ai. Khi người Texas thấy rằng mình có nhiều dầu mỏ, James Baker – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người Texas – đã cố gắng thành lập một trung tâm ở Houston để cạnh tranh với Boston hoặc New York. Jon Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Singapore và Trung Quốc và là bạn của tôi, là một ví dụ khác. Gia đình ông có tiền sử bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy khi ông thừa hưởng gia tài từ cha, ông mang những nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực ung thư tuyến tiền liệt về quê nhà ông là bang Utah để nghiên cứu vấn đề này.

Mỗi trung tâm tin rằng mình tốt như các trung tâm còn lại, chỉ cần tiền và nhân tài, điều có thể kiếm được. Không ai cảm thấy phải tuân theo Washington hay New York . Nếu bạn có tiền, bạn có thể xây dựng một trung tâm mới. Bởi vì khía cạnh này, có sự đa dạng trong xã hội và một tinh thần cạnh tranh cho phép sản sinh ra những ý tưởng và sản phẩm mới hữu ích dài lâu. Trung Quốc thì lại chọn một cách tiếp cận khác. Người Trung Quốc tin rằng khi trung ương mạnh thì Trung Quốc sẽ giàu mạnh. Đây là một thái độ cứng nhắc, yêu cầu mọi người phải tuân theo một trung tâm duy nhất. Mọi người phải hành quân theo cùng một điệu trống. Ngay cả Anh và Pháp đều không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt này. Ở Pháp ai là nhân tài cuối cùng đều vào các viện đại học nghiên cứu lớn. Ở Anh thì đó là Oxbridge (Đại học Oxford và Đại học Cambridge ). Những quốc gia này tương đối nhỏ, gọn vì vậy cũng đồng bộ hơn.

Kể từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, Hoa Kỳ mất vị trí dẫn đầu nền công nghiệp về tay những nền kinh tế mới phục hồi như Nhật Bản và Đức. Họ bị vượt mặt về đồ điện tử, thép, hoá dầu và ngành công nghiệp xe hơi. Đây là những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng huy động nhiều nhân công, kể cả những người lao động phổ thông được các công đoàn bảo vệ. Ở một số nước châu Âu, các công đoàn chống đối các cải cách lao động bằng việc đe dọa tiến hành các hành động công nghiệp có thể mang lại tổn thất nghiêm trọng trong ngắn hạn.

Nhưng ở Mỹ điều ngược lại đã xảy ra. Các tập đoàn áp dụng những biện pháp thay đổi khó khăn nhưng cần thiết. Họ giảm qui mô, giảm biên chế và cải tiến năng suất qua việc sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin (IT). Nền kinh tế Hoa Kỳ trỗi dậy trở lại. Các doanh nghiệp mới được mở ra để giúp các công ty tối ưu hoá hệ thống IT của mình, như là Microsoft, Cisco và Oracle. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh đầy đau đớn, các công ty có thể tạo ra nhiều việc làm mới trả lương tốt hơn. Họ không thích thú với nhưng công việc lỗi thời mà Trung Quốc, Ấn Độ hay Đông Âu có thể làm được. Họ thấy được một tương lai mà của cải không phải được tạo ra bởi việc chế tạo đồ dùng hay xe hơi, mà bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật, kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ đã trở lại cuộc chơi. Họ giành lại được vị trí là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước đã phát triển. Tôi thật sự khâm phục sự năng động và tin thần khởi nghiệp của người Mỹ.

Bạn tiếp tục chứng kiến điều đó ngay lúc này đây. Người Mỹ vận hành một hệ thống gọn gàng hơn và có sức cạnh tranh hơn. Họ có nhiều bằng sáng chế hơn. Họ luôn cố gắng tạo được thứ gì đó mới hoặc làm điều gì đó tốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng có một cái giá của nó. Chỉ số thất nghiệp của Hoa Kỳ lên xuống như một cái yoyo. Ở thời kì suy thoái, chỉ số thất nghiệp từ 8 đến 10 phần trăm là chuyện hiển nhiên. Kết quả là một tầng lớp dưới hình thành. Giữa những xa hoa, lấp lánh, các cửa hàng đẹp đẽ ở New York , bạn cũng có thể dễ dàng thấy người Mỹ vô gia cư nằm trên vệ đường. Họ không có gì ngoài tấm áo khoác thân và miếng thùng carton để nằm ngủ. Một số người, kể cả nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman, đã lên án khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở xã hội Mỹ.

Điều này có chấp nhận được không? Tôi không thể nói được. Có những tổ chức tôn giáo và từ thiện giúp đỡ. Một số thành lập những quán ăn tình thương cho người thất nghiệp, vv…. Nhưng mà bạn không thể vừa muốn có chiếc bánh trong tay, vừa muốn ăn nó. Nếu bạn muốn tạo nên sự cạnh tranh mà Hoa Kỳ đang có, bạn không thể tránh được việc tạo nên khoảng cách đáng kể giữa tầng đỉnh và tầng đáy, và không thể tránh khỏi việc tạo nên một tầng lớp dưới. Nếu như bạn chọn một nhà nước phúc lợi, như châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bạn tự nhiên sẽ không còn năng động.

Cuối cùng, Hoa Kỳ có một nền văn hoá tôn vinh những người dám tự làm tự chịu. Khi họ thành công, họ được ngưỡng mộ như là một nhà khởi nghiệp tài năng và có được sự công nhận và vị trí xã hội họ đáng được hưởng. Khi họ thất bại thì điều này được coi là một giai đoạn tạm thời, tự nhiên và cần thiết để rốt cuộc thành công. Vì vậy họ có thể đứng lên và bắt đầu lại.

Nền văn hoá này khác với Anh, một xã hội tĩnh hơn – nơi mà mọi người biết vị trí phù hợp của mình. Nước Anh rất mang tính châu Âu về điểm này. Người Anh từng có nhiều khám phá vĩ đại – máy hơi nước, máy kéo sợi và động cơ điện. Họ cũng có nhiều giải Nobel khoa học. Nhưng rất ít khám phá trong số này của họ trở nên thành công về mặt thương mại. Tại sao lại như thế? Những năm dài của 2 thế kỉ đế chế đã hình thành một xã hội nơi mà giới thượng lưu cũ và những quý tộc có ruộng đất được kính trọng. Giới nhà giàu mới bị xem thường. Các sinh viên trẻ ưu tú mơ ước trở thành luật sư, bác sĩ và trí thức – những người được ngưỡng mộ vì trí tuệ và đầu óc của họ hơn là lao động cực nhọc hoặc lao động tay chân. Hoa Kỳ thì lại khác, là một xã hội mới không có khoảng cách tầng lớp. Mọi người đều ngưỡng mộ việc làm giàu – và muốn trở nên giàu có. Đây là một động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới và của cải. Thậm chí ở các công ty của Mỹ, người trẻ có tiếng nói lớn hơn ở các cuộc họp, và sức trẻ của họ được định hướng để giúp công ty trở nên sáng tạo hơn.

Lý Quang Diệu

Thứ Sáu, ngày 30 tháng 5 năm 2014
Dịch: Nguyễn Việt Vân Anh
Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
(Đàn Chim Việt)