Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Europe: Decline and Discord”, in L.K. Yew, One
Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 94-123.
Biên dịch: Vương Thảo Vy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
CHÂU ÂU: Suy yếu và không hòa hợp
Số phận đồng Euro
Vấn đề cơ bản của đồng Euro đó là không thể có được sự hội nhập tiền tệ khi không có hội nhập về tài khóa - đặc biệt trong một khu vực mà thói quen chi tiêu và tiết kiệm hết sức đa dạng như tại Đức và Hy Lạp. Sự không hòa hợp này rồi cũng sẽ phá vỡ hệ thống. Vì lý do này, đồng Euro chắc chắn sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng, với cái chết đã được báo trước ngay từ trong trứng nước. Chúng ta không nên xem những khó khăn trong những năm vừa qua của đồng tiền này bắt nguồn từ việc một hay hai chính phủ chi tiêu vượt giới hạn cho phép hay việc những quốc gia khác không cảnh báo họ về những mối nguy hiểm của việc này. Điều này nói lên rằng, những bất cập của đồng Euro không phải là hệ quả của một biến cố lịch sử mà lẽ ra có thể đã được ngăn chặn nếu một số chủ thể liên quan đi đến những quyết định khác - những quyết định có trách nhiệm hơn - về việc thực thi chính sách đồng Euro. Thay vào đó, đó là một điều không thể tránh khỏi của lịch sử vốn đã chực chờ diễn ra. Nếu sự việc không đến giai đoạn nghiêm trọng cần được giải quyết vào năm 2010 hay 2011, thì nó cũng đến vào một năm khác, với một tập hợp những tình huống khác.
Do đó, tôi không tin rằng đồng Euro có thể cứu vãn được, ít nhất không phải trong hình thức hiện tại của nó, với 17 quốc gia vẫn đang ngồi chung thuyền.
Từ buổi ban đầu của dự án đồng Euro, các nhà kinh tế học có đôi mắt tinh tường và được nể trọng, có cả những học giả như Giáo sư của Đại học Havard Martin Feldstein, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bản chất mâu thuẫn của dự án này. Người Anh không tham gia vì họ biết được dự án này không hiệu quả. Họ không tin vào những lợi ích và hoàn toàn nhận thức rõ ràng về những nguy hiểm mà nó mang lại. Tuy nhiên, các chính phủ gia nhập khu vực đồng Euro năm 1999, cũng như những cộng đồng dân cư bầu cử cho họ, trong khi háo hức tiến bước cùng với đồng tiền chung, thì đã không chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự hội
nhập về tài khóa, bởi điều này sẽ dẫn đến việc mất chủ quyền mà việc thực hiện chính sách này sẽ gây ra. Cuối cùng rồi họ cũng lựa chọn đi tiếp với đồng Euro, điều này đã phản ánh một niềm tin không đúng chỗ cho rằng châu Âu xét ở một khía cạnh nào đó đủ đặc biệt để vượt qua những mâu thuẫn này. Đó là một quyết định mang tính chính trị (Xem thêm bài: #133 - Kinh tế chính trị của đồng Euro).
Tại Mỹ, một đồng tiền có thể có được áp dụng cho 50 tiểu bang bởi vì họ có một Cục Dự trữ Liên bang và một vị Bộ trưởng Tài chính. Khi một tiểu bang nào đó đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, họ sẽ nhận được những khoản tiền hào phóng chuyển từ trung ương dưới dạng chi tiêu xã hội cho các cá nhân sinh sống
tại tiểu bang đó và các dự án chính phủ. Các loại thuế liên bang thu được ở tiểu bang này sẽ không đủ để bù cho chi tiêu của liên bang hỗ trợ cho tiểu bang đó. Nếu có một cá nhân nào đó được giao nhiệm vụ giữ sổ sách kế toán, thì bang này có thể sẽ gặp thâm hụt nhiều năm - tuy nhiên đây là một tình huống hoàn toàn có
thể chống đỡ được vì không có ai giữ sổ sách kế toán cả. Người dân sống trong tiểu bang này được xem là đồng bào và người dân sống ở bang khác không thật sự kỳ vọng rằng tiền sẽ được hoàn trả. Đó về cơ bản là một món quà.
Đương nhiên, thái cực còn lại cũng có hiệu quả - đó là Châu Âu vào thời kỳ trước hệ thống đồng Euro, với việc mỗi quốc gia có các bộ trưởng bộ tài chính riêng và điều hành đồng tiền của riêng mình. Dưới hệ thống này, khi một quốc gia trải qua giai đoạn kinh tế trì trệ, nó có thể chính thức đưa ra các chính sách tiền tệ để
khắc phục vì không vướng bận bởi những trói buộc của một đồng tiền chung. Các chính sách này bao gồm việc gia tăng lượng cung tiền - cái mà người Mỹ gọi “nới lỏng định lượng” - và phá giá đồng tiền để làm cho việc xuất khẩu của nước này trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng đây là những công cụ mà các nước thuộc khu vực
đồng Euro đã từ bỏ do hệ quả của việc gia nhập một cộng đồng tiền tệ chung. Ngoài ra, họ làm như vậy mà không bảo đảm được là sẽ có những khoản chuyển ngân sách tương tự về hình thức và mức độ như các bang bị khủng hoảng tại Mỹ nhận được.
Vậy bạn sẽ có gì khi một đám đông hổ lốn cố gắng cùng diễu hành theo một điệu trống? Đó chính là khu vực đồng Euro. Một số quốc gia thì vươn lên dẫn trước trong khi số khác lại phải đấu tranh để bắt kịp. Tại những quốc gia bị bỏ lại đằng sau về mặt kinh tế, chính phủ các nước này phải chịu một áp lực bầu cử buộc họ phải duy trì hoặc thậm chí gia tăng chi tiêu công cộng, ngay cả khi các hóa đơn thuế giảm xuống. Thâm hụt ngân sách phải được bù đắp bằng các khoản vay từ các thị trường tiền tệ. Việc những khoản vay này có thể đạt được ở những mức lãi suất tương đối thấp - bởi vì chúng được thực hiện bằng đồng Euro chứ không phải đồng drachmas của Hy Lạp - không hề giúp làm giảm sự hoang phí. Cuối cùng Hy Lạp trở thành ví dụ cực đoan nhất cho sự suy thoái này, ngày càng lún sâu vào vùng nguy hiểm. Nói một cách công bằng thì toàn bộ khu vực đồng Euro cũng phải chịu một phần trách nhiệm, bởi vì có các quy định trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt lên những chính phủ bị thâm hụt lặp đi lặp lại, nhưng những biện pháp này chưa bao giờ được áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào.
Đôi khi, các chuyên gia với sự lạc quan vô hạn đã hy vọng những chính phủ này có thể lấp đầy khoảng cách cạnh tranh với những quốc gia mạnh hơn như Đức bằng cách cắt giảm các chương trình phúc lợi, cải tổ hoạt động thu thuế, tự do hóa các quy định về thị trường lao động hoặc buộc người lao động phải làm việc lâu
hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tình hình rốt cuộc bắt đầu xấu đi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc cho vay tín dụng dễ dàng đã giảm dần rồi dừng lại, và sự mất lòng tin của thị trường vào triển vọng tín dụng của các chính phủ như Hy Lạp đã khiến cho lãi suất cho vay tăng cao ngất ngưởng. Đức và Ngân hàng Trung ương Châu Âu buộc phải can thiệp bằng các gói cứu trợ tài chính để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ không lan ra khắp khu vực đồng Euro vốn đang trong tình trạng u ám.
Tới tháng Sáu năm 2013, cộng đồng Euro đã tránh được thảm họa vì đã chi đủ tiền để giải quyết vấn đề. Nhưng 17 chính phủ cần phải chấp nhận đối mặt với câu hỏi hóc búa hơn về việc phải làm gì để giải quyết được mâu thuẫn cơ bản nhất trong dự án đồng Euro - đó là vấn đề hội nhập tiền tệ nhưng không hội nhập về tài khóa. Đôi lúc có lẽ họ đã cố gắng trì hoãn tình trạng này, nhưng họ biết rằng không thể trì hoãn mãi, nếu không lịch sử sẽ lặp lại và một cuộc khủng hoảng khác sẽ xảy ra, đòi hỏi những gói giải cứu tài chính lớn hơn, và trong tình huống tồi tệ nhất, Đức có lẽ sẽ phải đứng ra bảo trợ. Hành động mau chóng tốt hơn nhiều so với sự chần chừ, nhất là trong tương lai, khi ký ức về nỗi đau và sợ hãi về khủng hoảng nợ đã phai dần trong tâm trí những cử tri, thì ý chí chính trị trong việc hành động một cách kiên quyết cũng có thể sẽ bị suy yếu.
Không may là hiện nay không có lựa chọn nào là dễ dàng. Biện pháp rõ ràng đó là các nước châu Âu phải chấp nhận sự hội nhập về tài khóa. Ngân hàng Trung ương châu Âu trở thành Cục Dự trữ Liên bang, và thay vì nhiều bộ trưởng tài chính khác nhau, thì chỉ có một người để giám sát ngân sách của toàn thể các nước trong khu vực đồng Euro. Điều này là một động thái tiến gần đến cái mà những người ủng hộ Liên minh châu Âu gọi là một “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết” và sẽ khiến cho khu vực này trông ngày càng giống với nước Mỹ. Liệu điều này có xảy ra không? Liệu toàn bộ cử tri có sẵn sàng giao một phần quan trọng trong quyền lực về ngân sách quốc gia cho một chính quyền trung ương và tin tưởng rằng cơ quan này sẽ có những quyết định về việc đánh thuế và chi tiêu công bằng cho mỗi quốc gia và đồng thời có lợi cho toàn thể khu vực đồng Euro hay không? Đó là một khả năng xa vời, và thẳng thắn mà nói thì tôi không thấy điều đó sẽ xảy ra. Nhưng nếu có xảy ra, suy cho cùng có lẽ đó là kết quả tốt đẹp nhất cho phần còn lại của thế giới.
Kết quả có nhiều khả năng xảy ra hơn nhưng ít được mong đợi hơn, đó là sự tan rã - một sự trở lại tình trạng những đồng tiền riêng biệt. Sẽ rất đau đớn và rối loạn cho tất cả các bên có liên quan. Bạn là một người Hy Lạp hay Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha và bạn mượn tiền Euro; giờ bạn phải trả lại bằng đồng Euro, nhưng ở tỉ giá hối đoái nào đây? Liêu có phải là tỉ giá cũ trước khi hợp nhất? Hay một tỉ giá tùy tiện mới nào đó? Tan rã sẽ rất lộn xộn và tốn kém. Trong giai đoạn dẫn đến sự kiện này, có một mối nguy hiểm về tình trạng đột biến rút tiền gửi, khi mà các tin đồn thôi thúc người dân rút tiền tiết kiệm dưới dạng Euro, trong nỗi sợ hãi rằng sau một đêm những khoản tiết kiểm này có thể bị buộc phải chuyển đổi thành một đồng tiền mới và rất có thể đó là đồng tiền bị mất giá. Tình trạng không chắc chắn này sẽ làm nản lòng các khoản đầu tư khu vực tư nhân - đây là một lý do khác cho thấy việc trì hoãn là không tốt. Đối với những quốc gia ngoài khu vực đồng Euro, đặc biệt là những quốc gia có lượng xuất khẩu lớn đến châu Âu - bao gồm Trung Quốc, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ bị trục trặc đáng kể. Do đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ có xu hướng chậm lại trong một thời gian, mặc dù thương mại rồi cũng hồi phục sau một giai đoạn bị gián đoạn, và mọi thứ sẽ ổn định trở lại.
Tồn tại một kết quả thứ ba nằm giữa sự tan rã hoàn toàn và hội nhập đầy đủ. Đó là sự tan rã một phần. Có nhiều tình huống có thể xảy ra trong trường hợp này, từ việc đồng Euro sống sót và gần như không bị ảnh hưởng, với chỉ một vài đồng tiền bị trục xuất khỏi hệ thống, đến việc hầu hết các quốc gia đều bị tác động
theo cách này hoặc cách khác, có thể một số quốc gia sẽ đi con đường riêng của mình và một số khác phải chọn hai hoặc ba cộng đồng mới - cái mà các chuyên gia gọi là một châu Âu hai hoặc ba tầng, với mỗi tầng chuyển động với một tốc độ khác nhau. Câu hỏi mấu chốt ở đây là liệu có được một khu vực châu Âu nòng cốt, tương đối đồng nhất về khả năng cạnh tranh kinh tế, nơi có thể giữ các thành viên kết nối lại với nhau bất chấp những lực ly tâm mạnh mẽ. Tôi tin rằng có một châu Âu như thế. Bất cứ một thực thể hạt nhân nào như vậy rõ ràng sẽ được lãnh đạo bởi Đức, quốc gia chăm chỉ làm việc nhất, và bao gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Tôi không nghĩ Pháp có thể trở nên kỷ luật như người Đức. Khả năng lớn hơn là họ sẽ trở thành trung tâm cho tầng thứ hai.
Một số người có thể lập luận rằng đồng Euro - nói rộng hơn là Liên minh Châu Âu - nên được xem là một thành công, vì thực tế thì hòa bình đã chiến thắng và chiến tranh trong cộng đồng này giờ đây trở thành một khái niệm lạ lẫm. Nhưng người ta có thể dễ dàng đưa ra lập luận rằng hòa bình là kết quả của các nhân tố
khác. Hệ quả của việc Liên Xô sụp đổ cho thấy trong tương lai gần, Nga không còn bận tâm với việc đối đầu với quân sự của phương Tây, và những nguồn lực của nước này đã đang và sẽ tiếp tục được tập trung một cách đúng đắn cho việc phát triển kinh tế. Hơn nữa, sự bảo đảm của Mỹ về mặt an ninh thông qua tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khiến bất cứ hành động quân sự khả dĩ nào bắt nguồn từ các quốc gia ngoài NATO đều trở nên phi thực tế. Trong cộng đồng châu Âu, người Đức, vốn từng bị đánh bại hai lần trong hai cuộc chiến tranh thế giới, sẽ không bao giờ bắt đầu thêm một cuộc chiến nào nữa. Họ đã phải chịu đựng quá đủ vì chiến tranh và chỉ muốn bước tiếp với cuộc sống thầm lặng và thoải mái. Vì điều
này mà họ đã luôn cố hết sức điều chỉnh để thích nghi với các quốc gia khác.
Cuối cùng thì hậu thế sẽ nhìn nhận hồ sơ về đồng Euro với một sự ảm đạm, và bất cứ nỗ lực nào nhằm cứu vớt lòng tin về mặt chính trị cho đồng tiền chung cũng phải đối mặt với một thực tế nguội lạnh và khó khăn.
Gánh nặng nhà nước phúc lợi
Ngay cả khi châu Âu cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng tiền chung, châu lục này cũng còn phải luôn chú ý đến những nguyên nhân nền tảng khác gây ra sự thiếu năng động một cách tương đối của nó - như hệ thống nhà nước phúc lợi và những điều luật cứng nhắc về thị trường lao động. Những điều được cho là các ý tưởng hay khi vừa được hình thành và đưa vào thực hiện trên khắp châu Âu sau khi Thế chiến II kết thúc đã dần trở nên không thể duy trì nổi trong những thập niên gần đây, đặc biệt với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Nếu châu Âu muốn tránh tình trạng uể oải dai dẳng và tìm lại năng lượng cũng như tính cần cù mà nơi này từng được biết đến, họ phải thực hiện các cuộc cải cách táo bạo và nhiều hy sinh để giảm thiểu hệ thống phúc lợi rộng khắp và tự do hóa các nguyên tắc tuyển dụng và sa thải của các công ty.
Là một sinh viên tại Anh sau cuộc chiến, tôi nhớ cảm giác rất thích những nỗ lực của chính phủ Clement Atlee trong việc cung cấp những khoản trợ cấp từ a đến z cho tất cả mọi người. Ví dụ, tôi khá ngạc nhiên thích thú khi người ta bảo rằng tôi không phải chi trả cho cặp kiếng mới mà tôi vừa có được từ cửa hiệu kính, vì nó được phát miễn phí bởi Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS). Lúc đó tôi nghĩ, thật là một xã hội văn minh. Điều tôi không hiểu được lúc bấy giờ, nhưng sau đó đã hiểu ra, đó là những gói trợ cấp toàn diện như vậy sẽ có xu hướng làm gia tăng sự kém hiệu quả và trì trệ.
Ý định của những gói trợ cấp đó hoàn toàn đáng trân trọng. Từng trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới gần như phá hủy mọi thứ, chính phủ cũng như người dân châu Âu mong muốn một cuộc sống bình lặng cho tất cả mọi người và gánh nặng được sẻ chia một cách đồng đều. Những người ra trận và phải trả giá bằng xương máu phần đông là giai cấp vô sản, chứ không phải tầng lớp tinh hoa, dẫn đến một cảm giác hàm ơn mạnh mẽ đối với những tầng lớp thấp hơn trong xã hội. Vì vậy, khi các chính trị gia có động thái kêu gọi sự bình đẳng và các chính sách phúc lợi xã hội nhằm chăm sóc cho những người thất nghiệp, người ốm và người già, thì sự ủng hộ rộng khắp đã đạt được ngay mà không cần phải tốn quá nhiều công sức.
Châu Âu có khả năng duy trì các chính sách này trong nhiều năm. Kế hoạch Marshall đã giúp hầu hết các nước Tây Âu có thể gượng dậy bằng cách tiếp sức cho một sự hồi phục mạnh mẽ sau những tàn phá của chiến tranh. Lương công nhân tăng và thuế mà họ nộp có khả năng chi trả cho nhà nước phúc lợi. Nhưng không có gì là ở yên tại chỗ. Cuộc chơi cuối cùng đã thay đổi đối với châu Âu. Khi thế giới trở nên toàn cầu hóa hơn, những người công nhân có tay nghề thấp hơn ở châu Âu phát hiện ra họ phải cạnh tranh không chỉ giữa họ với nhau mà còn với công nhân Nhật Bản, và sau đó là Trung Quốc và Ấn Độ nữa. Xuất khẩu bị cắt giảm và các ngành công nghiệp dần chuyển những trung tâm sản xuất của họ sang châu Á. Một cách tự nhiên, lương của công nhân châu Âu bị sụt giảm. Nếu không có sự thâm nhập của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, nhà nước phúc lợi có lẽ đã được duy trì trong một khoảng thời gian nữa. Nhưng với những sự thâm nhập này, không bao lâu sau phúc lợi đã trở nên không còn có thể duy trì được nữa.
Đương nhiên người dân châu Âu cố gắng hết sức để phát triển theo hướng sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn, nhưng có một giới hạn về mức độ mà một quốc gia có thể đạt được trên mặt trận này. Có thể bạn muốn tiến lên nhưng có những bộ phận quan trọng trong dân cư lại không thể tiến vì quá
trình này đòi hỏi việc học những kỹ năng mới, rất tốn thời gian, năng lượng, và trên hết là ý chí. Ngoài ra, người Nhật, người Trung Quốc và người Ấn hoàn toàn có khả năng nâng cấp bản thân họ. Đây là một cuộc cạnh tranh không ngớt về việc tự cải thiện, và hơn nữa, những gì mà bạn có thể đạt được so với các đối thủ trong một năm bất kỳ nào cũng thường rất nhỏ bé. Cuối cùng thì nó phụ thuộc vào các đặc tính bẩm sinh của một dân tộc và cách mà họ được tổ chức và quản lý. Nếu như đó là cuộc cạnh tranh giữa Châu Âu và đảo quốc Fiji hoặc Tonga, thì chắc chắn rằng hai quốc gia sau không có bất cứ cơ hội nào để bắt kịp. Nhưng ở đây chúng ta đang nói về cuộc đọ sức giữa châu Âu với Nhật Bản, châu Âu với Trung Quốc, và có lẽ là châu Âu với Ấn Độ. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Thật không may, các luật lệ và chính sách không dễ dàng thay đổi như hoàn cảnh quốc tế. Luật lệ một khi đã đưa ra thì dĩ nhiên khó mà lấy lại. Có một hình phạt lớn về bầu cử cho bất cứ chính phủ nào dám thử chuyện này. Magaret Thatcher của Anh đã từng sử dụng vốn liếng và sự nhạy bén về chính trị của bà để đảo ngược các chính sách. Kết quả là bà chỉ có thể đảo ngược một nửa các chính sách này. Các nhà lãnh đạo châu Âu khác ắt hẳn đã quan sát và chứng kiến thành công một phần của bà. Nhưng họ đối mặt với các cử tri đoàn - những người không hề có tâm trạng để từ bỏ những gì đã bị xem mặc nhiên là sẵn có trong bấy nhiêu năm qua. Vấn đề này đã bám chặt lấy nhiều nước châu Âu.
Nếu chi tiêu cho phúc lợi chỉ đơn giản bị ngưng trệ ở một mức độ nào đó, thì tình hình có lẽ đã có thể kiểm soát. Thay vào đó, những loại chi tiêu này có xu hướng gia tăng qua thời gian, không chỉ mang tính tuyệt đối mà còn liên quan đến sự chia sẻ của nó trong tổng thu nhập của một quốc gia. Điều này một phần là do
những áp lực từ chủ nghĩa dân túy đã thúc đẩy sự mở rộng các chương trình hiện có. Tuy nhiên như phóng viên kỳ cựu người Thụy Điển Ulf Nilson đã quan sát thấy, quan trọng hơn có lẽ là khả năng kỳ lạ của hệ thống phúc lợi trong việc “tạo ra nhu cầu của chính nó.” Năm 2007, ông viết một cách rất sâu sắc rằng, “Phúc lợi tạo ra khách hàng, bảo hiểm bảo vệ con người khỏi tai nạn tại nơi làm việc lại sản sinh ra tai nạn... chính sách bảo vệ người tị nạn tạo ra thêm người tị nạn; chính sách cho phép việc nghỉ hưu trước tuổi nghỉ hưu tạo ra việc người ta nghỉ hưu sớm.” Nói cách khác, một số người dân có lý trí của những nước châu Âu này cuối cùng giống nhau ở một điểm là đều thao túng hệ thống, một cách vô tình hoặc có chủ ý. Trong một số trường hợp, ai đó nói rằng người dân đã góp nhặt trợ cấp thất nghiệp, những khoản tiền có thể lên đến ba phần tư so với mức lương cuối cùng mà họ nhận được, trong khi vẫn tham gia làm những công việc thời vụ trong nền kinh tế phi chính thức (nơi có thể lách luật và trốn thuế - ND). Điều này mang lại cho họ hai nguồn thu nhập trong khi đổ gánh nặng lên người đóng thuế.
Theo thống kê của OECD, tới năm 2007, trung bình mỗi quốc gia châu Âu trong OECD dành hơn 23 phần trăm GDP cho chi tiêu xã hội của chính phủ. Con số này cao rõ rệt tại một số nước - 25 phần trăm ở Ý và 28 phần trăm ở Pháp. Ngược lại, trung bình mỗi quốc gia thành viên của OECD không thuộc châu Âu chỉ dành ra 17 phần trăm GDP cho khoản chi tiêu tương tự. Tỉ lệ này tại Mỹ và Úc là 16 phần trăm. Tuy nhiên hệ quả nguy hại nhất của hệ thống phúc lợi quốc gia không nằm trong tính cứng nhắc hay bản chất tốn kém của nó, mà chính là hệ quả xấu mà hệ thống này ảnh hưởng đến động cơ cố gắng của các cá nhân. Nếu hệ thống an sinh xã hội được thiết kế ra để cho người ta đạt được lợi ích bằng nhau bất kể họ làm việc chăm chỉ hay có một lối sống nhà hạ, thì tại sao họ phải làm việc chăm chỉ? Động lực không có ở đó. Thái độ sống tự lực phổ biến hơn ở Mỹ bởi vì ngay cả khi những người thất nghiệp được hỗ trợ, vẫn có những biện pháp được thực thi nhằm đảm bảo họ được khuyến khích, thậm chí bắt buộc phải, tìm việc. Đó là một triết lý khác dựa vào nguyên tắc cho rằng lao động sẽ làm cho cá nhân và xã hội giàu có hơn, và được củng cố bằng niềm tin rằng những khoản trợ cấp quá rộng lượng có xu hướng trở thành tác nhân làm suy yếu những nỗ lực và vô tình chặn đứng những động cơ làm việc. Mô hình của châu Âu đã tạo nên một tầng lớp người dân ngày càng trở nên quen với các khoản trợ cấp và do đó thiếu một tinh thần làm việc mạnh mẽ.
Điểm mấu chốt của vấn đề này là châu Âu không chịu thay đổi những quy định cứng nhắc một cách không cần thiết về thị trường lao động, trong đó quy định về quyền sa thải công nhân của các công ty và khoảng thời gian tối thiểu cho những ngày nghỉ lễ thường niên, và những điều luật khác tương tự. Họ một mực không muốn thay đổi trong lúc mà sự linh động đang dần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong đời sống kinh tế mới. Công đoàn và các đảng theo chủ nghĩa xã hội tại Pháp và các quốc gia láng giềng đã cố gắng hết mức có thể nhằm duy trì huyền thoại cho rằng những người công nhân có thể giữ lấy những khoản trợ cấp trước đây của họ mà nền kinh tế tổng thể sẽ không phải gánh chịu quá nhiều. Như một quyền lợi của mình, các sinh viên đang đòi hỏi một sự đảm bảo về nghề nghiệp như ba mẹ của họ từng được hưởng. Nói cách khác, họ đang đòi hỏi thế giới này phải đứng yên vì lợi ích của họ. Điều mà họ không nhận ra đó là những biện pháp
này rồi cũng sẽ làm tổn thương chính tầng lớp lao động. Những công ty nào bị xử phạt vì đã cắt giảm chi tiêu sẽ phản ứng một cách có lý trí bằng những động thái cẩn trọng hơn nhiều trong việc thuê mướn ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại. Việc làm đơn thuần di chuyển đến một nơi khác.
Thống kê được thực hiện đã xác nhận việc này. Trong các nước châu Âu thuộc OECD, tám trong số mười nước xếp hạng đầu về luật lệ lao động tự do nhất vào năm 2008 cũng nằm trong top mười nước có tỉ lệ thất nghiệp thấp, tính trung bình cho thập kỷ trước. Điều ngược lại cũng đúng: bảy trong số top mười nước có
những luật lệ lao động hà khắc cũng nằm trong top mười nước có tỉ lệ thất nghiệp cao.
Nhưng bây giờ làm sao chúng ta thay đổi được những chính sách này? Chúng ta có những cuộc diễu hành của công đoàn qua đường phố Paris, những người sẽ không chấp nhận quan điểm cho rằng các lực lượng cạnh tranh toàn cầu đã khiến cho lực lượng lao động Pháp không có hiệu suất cao, và rằng họ phải từ bỏ những phúc lợi của mình. Họ sẽ nói rằng: “Không, chúng tôi sẽ giữ những phúc lợi này và sẽ cố gắng và cạnh tranh.”
Ngay từ đầu, tôi đã đảm bảo rằng Singapore sẽ không đi theo đường lối tương tự về phúc lợi và luật lao động. Đã chứng kiến người Anh thực thi một số chính sách vào những năm 1950, tôi quyết định đó là một đường lối dẫn đến sự hủy hoại. Chúng tôi đã không cho phép các công đoàn làm tổn hại đến sự cạnh tranh của chúng tôi, và thay vào đó kéo họ vào mối quan hệ ba bên - với chính phủ và phía doanh nghiệp - dựa trên nguyên tắc đàm phán không đối đầu. Chúng tôi chấm dứt tất cả đơn thuốc miễn phí, đảm bảo rằng số tiền chi trả dần đến gần hơn với thực tế. Chúng tôi đã cung cấp tài sản, chứ không phải trợ cấp. Chính phủ
giúp bạn mua một căn nhà và nạp tiền vào tài khoản bảo hiểm xã hội (CPF) của bạn. Nếu bạn muốn tiêu xài những nguồn tiền này, bạn hoàn toàn tự do được làm như thế nhưng bạn sẽ phải đối mặt với những hệ quả tồi tệ khi bạn về hưu mà không có lấy một đồng xu dính túi. Nếu thay vào đó bạn giữ lấy tài sản, giúp cho
chúng được tăng giá trị và kiếm lời từ chúng, bạn sẽ được hưởng lợi trong dài hạn. Nói cách khác, cá nhân chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, với sự giúp đỡ một phần từ chính phủ. Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện hệ thống của châu Âu, nền kinh tế của chúng ta sẽ ít năng động hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ trả giá đắt cho điều này.
Những năm tháng cay đắng đang đợi chờ châu Âu. Người châu Âu đã chọn lựa sẽ đi theo con đường bảo vệ phúc lợi và lao động do những hoàn cảnh lịch sử đặc trưng mà họ từng trải qua. Không ai có thể phủ nhận rằng lựa chọn của họ đã đưa đến những xã hội tử tế hơn, với ít tầng lớp thấp kém hơn và khoảng cách nhỏ
hơn giữa những người thắng cuộc và thua cuộc nếu so sánh với xã hội Mỹ. Nhưng có một cái giá mà họ phải trả. Nếu họ thôi không thực hiện những chính sách này nữa, thì GDP sẽ có thể tăng trưởng nhanh hơn từ 1 đến 3 phần trăm mỗi năm. Trong một thời gian, cuộc sống sẽ vẫn sung túc đối với nhiều người châu Âu vì họ
có những khoản tiết kiệm được tích lũy từ những năm làm ăn khấm khá trước đó. Nhưng dù họ có thích hay không, thì thế giới thời hậu chiến sung túc và được nuông chiều quá mức mà họ đã tạo ra cho bản thân cuối cùng cũng sẽ bị kết liễu bởi các lực lượng bên ngoài. Một khế ước xã hội mới sẽ phải được đưa lên bàn đàm phán.
Vấn đề người nhập cư
Một nhóm riêng biệt các nước Bắc Âu đã không phải gánh chịu nhiều tổn hại từ những vấn đề mà những nước châu Âu lục địa khác phải đối mặt. Theo tôi, các nước vùng Scandinavia xứng đáng được có một bài phân tích riêng vì đây là một nhóm độc đáo, hay là một trường hợp đặc biện khác với những trường hợp khác.
Những người lập luận rằng các hệ thống phúc lợi vẫn có thể hoạt động được thường đưa ra trường hợp của Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch để chứng minh cho việc những chính phủ dành ra những khoản tiền khổng lồ chi trả cho hệ thống an sinh xã hội không phải lúc nào cũng đi đôi với những bất cập liên quan. Do đó, họ kết luận rằng việc nêu lên thất bại của Pháp, Ý hay Tây Ban Nha (thay vì lấy ví dụ các nước Bắc Âu) chính là đang đưa ra lời ngụy biện chống lại nhà nước phúc lợi. Lập luận bác bỏ đầu tiên đối với luận điểm này đó là bằng chứng cho thấy ngay cả những nước Scandinavia cũng không hoàn toàn thoát khỏi chi phí của những chính sách mang tính chất xã hội chủ nghĩa. Ví dụ, tỉ lệ thất nghiệp ở Thụy Điển là 7,5 phần trăm vào năm 2011, cũng không thấp hơn Ý bao nhiêu (8,4%), và cao hơn rất nhiều so với những nền kinh tế tiên tiến của châu Á như Nhật Bản (4,6%), Hàn Quốc (3,4%) và Singapore (2%).
Tuy vậy, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng các nước Scandinavia thực ra đã làm tốt hơn rất nhiều so với các nước châu Âu láng giềng về mức độ tăng trưởng. Trong khi GDP bình quân đầu người (tính theo đô la Mỹ) tăng trưởng từ năm 2002 đến năm 2011 với tỉ lệ trung bình hằng năm là 5,3 phần trăm ở Ý và 6,1 phần trăm
ở Pháp, thì tỉ lệ này là 6,4 phần trăm trong cùng giai đoạn tại Đan Mạch, 7,3 phần trăm tại Thụy Điển và 8,9 phần trăm tại Na Uy.2 Hơn thế nữa họ đã xoay sở để làm được như vậy trong khi vẫn giữ được chi tiêu xã hội ở mức cao - một hiện tượng cần được giải thích thêm. Đầu tiên, đáng chú ý là Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch đều là những quốc gia nhỏ hơn Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Dân số gộp lại của ba nước Scandinavia này chỉ bằng một phần mười so với tổng dân số của ba nước trên. Na Uy, với 5 triệu người, có ít dân cư hơn Singapore. Quy mô vấn đề, sự đa dang về lợi ích và sự phức tạp trong công tác quản trị do đó là rất khác biệt tại các nước Scandinavia.
Tuy nhiên, thành phần dân cư còn quan trọng hơn kích cỡ - đây chính là điểm mấu chốt để hiểu được chủ nghĩa biệt lệ của các nước Scandinavia. Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch có khối dân cư tương đối đồng nhất, mang lại tính cố kết nội bộ mà các khu vực khác của châu Âu không thể có được. Người dân của những ngước này có một cảm nhận mạnh mẽ hơn về tính duy nhất và sự thống nhất. Mỗi dân tộc của ba quốc gia này tự coi mình là một bộ tộc, trong đó các thành viên của bộ tộc chuẩn bị sẵn sàng để chịu đau khổ vì những thành viên khác. Bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ không phải chỉ cho bản thân bạn mà còn cho những người trong cùng bộ tộc, bởi vì bạn gần như cảm thấy rằng bạn đang giúp đỡ một người thân của mình chứ không phải một nhóm người vô công rỗi nghề từ những vùng đất lạ khác trên thế giới. Đối mặt với mức thuế cao mà các quốc gia này phải áp dụng để cân bằng ngân sách, giả định các yếu tố khác không đổi thì các ông trùm tư bản giàu có và những cá nhân có thu nhập cao khác ít có xu hướng chạy trốn khỏi những xã hội với một bộ tộc như trên, ngay cả khi họ không thiếu lựa chọn hoặc phương tiện để làm như vậy. Thêm vào đó, đây là những thành phần tài năng hàng đầu của xã hội - những người có nhiều khả năng nhất trong việc tạo ra sự thịnh vượng và cơ hội cho bản thân họ và cho người khác. Khi bạn là một dân tộc và một
gia đình, bạn sẽ ít có thái độ nghi ngờ về việc phải trả thuế để hỗ trợ cho những thành phần nghèo hơn trong xã hội, nhưng khi xung quanh bạn có rất nhiều người nước ngoài và luật pháp khăng khăng rằng không nên có bất cứ sự phân biệt nào trong chi trả phúc lợi, khi đó thái độ sẽ thay đổi.
Khi tôi đến thăm Na Uy vào những năm 1970, xã hội này khi đó hầu như hoàn toàn chỉ có người da trắng. Đó là một đất nước xinh đẹp với những dãy núi và dòng sông băng hùng vĩ, lạnh giá và rất mực yên tĩnh. Tôi có thể cảm nhận được sự đoàn kết tại đất nước này. Ở một quốc gia như vậy, không chỉ những người có việc làm mới sẵn lòng đóng nhiều thuế hơn, mà những người không làm việc cũng ít có xu hướng lợi dụng hệ thống này hơn - một lần nữa, bởi vì tồn tại một cảm giác thuộc về cộng đồng. Hay nói cách khác, ngay cả những người sống nhờ trợ cấp thất nghiệp cũng ít tận hưởng hơn. Tất cả những điều này đã và đang biến đổi một cách chậm rãi nhưng chắc chắc trong vài năm trở lại đây, vì các quốc gia Scandinavia đã thực thi một chính sách tự do trong việc tiếp nhận người tị nạn và nạn nhân bị ngược đãi. Mỗi năm, Thụy Điển đón nhận khoảng 2.000 người tị nạn, hầu hết trong số họ đến từ các nước châu Phi, và hiện nay có hơn 80.000 dân tị nạn sinh sống tại đây. Cách mà dòng người nhập cư này làm thay đổi quan điểm về chủ nghĩa cộng đồng vẫn chưa rõ ràng, nhưng nếu mẫu hình quan sát được ở những quốc gia khác là một chỉ dấu, thì hệ quả - không sớm thì muộn - cũng sẽ là sự thay đổi trong nhận thức người dân về sự hào phóng mà họ đang dành cho những nhóm dân cư có thu nhập thấp hơn trong xã hội. Hiện nay, khu vực Scandinavia vẫn ít đa dạng chủng tộc hơn nhiều so với phần còn lại của châu Âu.
Khắp châu Âu, diện mạo và cảm giác về xã hội ngày nay rất khác so với thời điểm mà tôi sống tại đó lúc còn là sinh viên, chỉ ngay sau Thế chiến II. Lúc bấy giờ ở Luân Đôn, tôi đang tìm kiếm một căn phòng cho thuê và phải gọi điện hẹn chủ nhà để đi xem căn hộ, theo thông tin của những mẩu quảng cáo mà họ dựng lên.
Qua điện thoại, tôi nói với họ rằng: “Tên tôi là Lee, nhưng tôi là người Hoa. Nên nếu ông không muốn cho một người Hoa thuê nhà thì hãy cho tôi biết, để tôi không phải đến đó xem căn hộ.” Lee là một cái họ khá thông dụng của người Anh và tôi muốn tránh bất cứ hiểu lầm không cần thiết nào ngay từ ban đầu. Mà cũng đúng như vậy, có một số chủ nhà khuyên tôi một cách lịch sự rằng không nên đi xem. Đó là xã hội Anh ngày trước - vẫn chiếm phần lớn là người da trắng và theo cách này hay cách khác vẫn tồn tại tình trạng phân biệt đối với những người không phải da trắng.
Nhiều năm trôi qua, vì tỉ lệ sinh giảm và nhu cầu về lao động, nên các nước châu Âu đã mở cửa cho người nhập cư từ châu Á, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu. Những người nhập cư đã làm giảm bớt áp lực về kinh tế và nhân khẩu nhưng cũng làm gia tăng các loại tội phạm khác nhau. Tại Đức, có ít nhất 2,5 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Sự bất bình trong lòng người dân Đức về số lượng của nhóm người này đã khơi mào một loạt những phản ứng tiêu cực dữ dội, với những báo cáo về những vụ phạm tội không thường xuyên
nhưng đáng lo ngại có động cơ phân biệt chủng tộc được thực hiện bởi những người bản địa cực đoan. Tại Pháp, sự gia tăng của những vùng ngoại ô xung quanh những thành phố lớn, đặc biệt là Paris, nơi người nhập cư thiểu số chiếm số đông đã trở thành một vấn đề đau đầu cho chính phủ. Bạo động đôi khi diễn ra vì người dân những khu vực này cảm thấy bị đẩy ra ngoài rìa. Bất ổn xã hội vào năm 2005 đã mất kiểm soát, với gần 9.000 chiếc xe bị đốt trên khắp đất nước và chính phủ phải tuyên bố một tình trạng khẩn cấp kéo dài trong vòng hai tháng. Cảm giác bị cách ly ra khỏi xã hội và bị thua thiệt tồn tại ngay cả trong cộng đồng những sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc các sắc dân thiểu số. Số liệu chính thức cho thấy trong số những người quốc tịch Pháp, tỉ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp gốc Phi cao gấp ba lần so với người gốc Pháp.
Nước Anh cũng hỗn tạp hơn nhiều. Bất cứ ai dạo bước qua trung tâm những thành phố lớn của Anh đều có thể nói với bạn về điều này. Tuy nhiên, cảm giác lo lắng đã từ từ chuyển từ người Hoa sang những nhóm dân tộc khác vì người Hoa khiêm tốn hơn và được xem là ít gây vấn đề nhất. Rất nhiều người trong thế hệ dân
nhập cư người Hoa đầu tiên là chủ của các tiệm ăn và con cái của họ trở thành những người thành đạt. Sự chú ý giờ đây tập trung nhiều hơn sang nhóm người Ấn Độ, Pakistan, và Bangladesh, những người có xu hướng sống với nhau trong những khu vực lân cận thành những cộng đồng lớn. Có các trường học hoàn toàn chiếm đa số bởi các tộc người thiểu số bởi vì dân nhập cư vẫn chưa hòa nhập được vào xã hội bản địa.
Yếu tố tôn giáo góp phần thêm vào sự phức tạp của vấn đề. Nhiều người nhập cư là người đạo Hồi và, trong những năm gần đây, họ đã lên tiếng nhiều hơn về việc muốn xây dựng nhà thờ với các tháp giáo đường. Ảnh hưởng trực quan mà vấn đề này mang đến cho cảnh quan kiến trúc truyền thống của châu Âu không
giúp làm dịu bớt nỗi lo sợ vốn dĩ đã lớn dần lên trong lòng người dân bản địa, đó là nỗi lo sợ về việc nền văn hóa và cộng đồng mà họ lớn lên đang ngày một bị thay đổi bởi những người ngoài đầy phiền nhiễu. Nếu người nhập cư theo đạo Thiên Chúa thì có lẽ tính phức tạp của vấn đề đã được thay đổi. Nhưng rồi sự chia rẽ vẫn hiện diện vì rất nhiều trong số họ là người Hồi Giáo mà tôn giáo thống trị ở châu Âu lại là Thiên Chúa Giáo - còn việc nhiều hay ít người châu Âu đi nhà thờ lại là một vấn đề khác.
Người châu Âu không cởi mở đối với vấn đề người nhập cư như người Mỹ. Họ đã không thành công trong việc hòa nhập dân nhập cư dù những người này đã sống lâu dài trong cộng đồng của họ. Mỹ là nước đón nhận những người mới nhiều hơn vì bản chất đây là một xã hội nhập cư, với các vị Cha Hành Hương đến đây từ 400 năm trước. Nhiều dân nhập cư đã phát triển trở thành tầng lớp thượng đẳng của xã hội Mỹ, bao gồm những người như Jerry Yang, doanh nhân gốc Đài Loan đồng sáng lập công ty Yahoo. Trái lại, châu Âu lại bao gồm những dân tộc được hình thành từ rất lâu và rất tự hào về nền văn học, văn hóa và lịch sử lâu đời của mình.
Trong hai ba năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo châu Âu - bao gồm David Cameron, Nicolas Sarkozy và Angela Merkel - lần lượt tuyên bố hiện tượng đa văn hóa đã thất bại tại những nước này. Nói cách khác, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ định cư ở Đức đã không trở thành người Đức, cũng như người Algeria và Tunisia ở Pháp không trở thành người Pháp. Càng ngày người châu Âu càng thấy khó có thể hòa nhập những con người này. Chủng tộc là gốc rễ cho khả năng khó hội nhập đó, mặc dù tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ cũng là các tác nhân. Nhưng châu Âu cũng không thể ngưng những dòng người nhập cư này vì họ đáp ứng một nhu cầu nội địa cấp thiết.Vì vậy có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến việc các chính phủ châu Âu để cho dân nhập cư vào nước mình khi họ có thể, và chỉ ngừng lại khi chu kỳ bầu cử sắp đến và các đảng cực hữu công kích những đối thủ ôn hòa của mình bằng những luận điệu giận dữ. Tuy nhiên bạn hãy nhìn tình huống này đi, họ đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn không dễ tìm ra lối thoát.
Triển vọng tương lai
Khi châu Âu vực dậy từ đống hoang toàn của hai cuộc chiến tranh thế giới, ý tưởng về việc sát nhập châu Âu là rất tự nhiên. Chúng ta có một châu lục với các quốc gia sở hữu nhiều điểm chung. Tất cả họ đều đã trải qua thời kỳ Phục Hưng và thời kỳ Khai Sáng và kết quả để lại là một nền văn hóa châu Âu, một cách tư duy giống nhau về bản thân họ và về thế giới. Thiên Chúa Giáo là tôn giáo thống trị. Quay trở lại lịch sử, những quốc gia này đã cùng chia sẻ di sản từ những năm tháng của đế chế La Mã, điều này mang lại cho họ một sự đồng nhất nào đó trong cách tổ chức xã hội. Tuy nhiên, mặc cho tất cả các điểm chung đó, điều đáng chú ý ở thế kỷ 20 chính là sự bất đồng và chia rẽ giữa họ, vì họ bị dẫn dắt bởi những thiên thần tội lỗi để lâm vào những cuộc chiến tàn bạo, kéo dài, giết hại lẫn nhau, để lại hậu quả là hàng triệu người chết. Sau đó, hợp nhất trở thành sứ mệnh trung tâm của những nhà lãnh đạo châu Âu. Điều này thể hiện hy vọng tột cùng cho một nền hòa bình lâu dài. Cách rõ ràng nhất để thực hiện điều này là các quốc gia phát triển dựa trên
những điểm tương đồng, bỏ qua một bên những khác biệt và ràng buộc vận mệnh dân tộc lại gần nhau hơn để họ không bao giờ phải chịu đựng những hệ quả kinh hoàng mà có thể nói là do chính họ gây nên.
Khi đã quyết định đây là một dự án quan trọng, họ bắt đầu xây dựng những thể chế cần thiết. Họ ký Hiệp ước Paris năm 1951, thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu, tổ chức tiền thân của Liên minh châu Âu. Vào năm 1957, Hiệp ước Rome, văn bản đề xuất thành lập một thị trường chung, và các chính sách nông nghiệp và vận tải chung, đã được ký kết. Cộng đồng này sau đó phát triển thành Liên minh châu Âu và mở rộng ra bao gồm 27 quốc gia sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong số các quốc gia này, có 17 nước áp dụng đồng tiền chung, đồng Euro.
Hội nhập mang lại một triển vọng rất lớn bên cạnh hòa bình. Một châu Âu đạt được sự đồng nhất về mặt mục tiêu sẽ đạt được sức mạnh kinh tế lớn hơn, và quan trọng hơn là một tiếng nói nặng ký hơn trong các vấn đề quốc tế. Hay nói đơn giản, đó sẽ là một châu Âu hùng mạnh hơn. Nếu người châu Âu tăng cường việc
hội nhập và tiến tới có một bộ trưởng tài chính, và có lẽ có luôn một bộ trưởng ngoại giao và một bộ trưởng quốc phòng, thì họ sẽ gia tăng được sức mạnh cứng ở một mức độ khổng lồ. Hãy xét trường hợp người Mỹ. Cơ bản họ là những người châu Âu được chuyển đến một châu lục khác và bỏ đi lòng trung thành với bộ tộc
riêng và ngôn ngữ riêng của mình. Nếu châu Âu hội nhập tới một mức độ tương tự và trở thành Hiệp chủng quốc châu Âu, thì không có gì người Mỹ có thể làm mà người châu Âu lại không thể làm. Châu Âu là một thực thể đông dân cư hơn Mỹ (500 triệu người so với 310 triệu) và nền kinh tế lớn hơn một phần sáu so với Mỹ.
Một châu Âu như vậy chắc chắn sẽ chạy đua cho vị trí siêu cường hàng đầu thế giới. Nhưng than ôi, tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra khả năng không thể hội nhập. Cho đến bây giờ họ đã thất bại trong việc làm cho đồng tiền chung trở nên hiệu quả và không có mấy khả năng để tiến tới một lập trường chung về chính sách đối ngoại hoặc một hệ thống quân sự duy nhất. Họ có lịch sử của riêng mình, mà trong đó mỗi nền lịch sử lại kéo dài hàng nhiều thế kỷ về trước. Mỗi dân tộc tự hào về truyền thống riêng của họ. Quan trọng hơn tất cả, họ muốn duy trì sự tồn tại ngôn ngữ của mình - vì có cả một thời kỳ huy hoàng và một nền văn học tráng lệ đằng sau đó. Mỹ quyết định bắt đầu từ đầu và tạo ra một nền văn học hoàn toàn mới, nhưng châu Âu sẽ không thể làm như vậy. Mặc dù tiếng Anh đã là ngôn ngữ thứ hai trong tất cả các nước, nhưng lục địa này sẽ không bao giờ chấp nhận đây là ngôn ngữ làm việc duy nhất.
Vậy thì vị trí của châu Âu trên thế giới sẽ là gì? Họ sẽ là những diễn viên nhỏ hơn trên trường quốc tế. Đối diện với thế thống trị của các cường quốc lớn như Mỹ và Trung Quốc, và có lẽ sau này là Ấn Độ, châu Âu sẽ bị giảm xuống chỉ còn vai trò những diễn viên phụ. Hầu hết các nước châu Âu sẽ được cư xử - khá hợp lý - như những quốc gia nhỏ bình thường khác. Đức có thể có khả năng gánh vác một mình, nhờ có dân cư và thành công về mặt kinh tế của họ, mặc dù nước này sẽ không muốn làm gì đó phật lòng những nước khác bởi vì họ vẫn mang đầy cảm giác tội lỗi vì đã giết sáu triệu người Do Thái trong cuộc tàn sát Holocaust. Người Anh sẽ còn giữ một số ảnh hưởng nhất định vì mối quan hệ đặc biệt xuyên Đại Tây Dương với Mỹ.
Tuy nhiên, châu Âu không thể hy vọng tiếng nói của mình có giá trị gì nhiều tại một bàn hội nghị có mặt Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, ngay cả khi các nhà lãnh đạo châu Âu có thể vẫn ngần ngại thừa nhận điều này vì ý thức lịch sử về niềm kiêu hãnh của bản thân và kinh nghiệm lâu năm tham gia trên sân chơi quốc tế. Rốt cuộc, bạn đang so sánh các quốc gia 40, 50 hay 80 triệu dân đối đầu với 1,3 tỉ dân của Trung Quốc và 1,2 tỉ dân của Ấn Độ. Đặc biệt là người Trung Quốc, họ thấy rằng một châu Âu phân mảnh sẽ làm cho cuộc sống dễ dàng hơn với họ. Họ có thể giải quyết với từng nước một, hơn là cả nhóm. Mỗi quốc gia châu Âu sẽ phụ
thuộc nhiều vào Trung Quốc hơn là nước này phụ thuộc vào họ. Sự phụ thuộc này sẽ còn gia tăng khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang hướng về nội địa nơi mà nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng tăng làm động lực phát triển cho cả guồng máy.
Tuy nhiên tiếng nói trên trường quốc tế của châu Âu bị giảm đi sẽ không khiến cho tiêu chuẩn sống của lục địa này giảm theo cùng mức độ. Nếu châu Âu có thể sống sót qua thời kỳ đổ vỡ của đồng Euro, họ sẽ quay lại với những gì mà họ từng có. Châu Âu mất đi tiếng nói trên thế giới, nhưng các quốc gia tại đây vẫn có
một tiêu chuẩn cao về giáo dục và kỹ năng giúp người dân vẫn có được cuộc sống tốt. Sẽ có suy giảm, nhưng mỗi quốc gia sẽ đạt một trạng thái ổn định phù hợp với mức độ cạnh tranh của riêng mình. Người châu Âu sẽ sống một cuộc sống đủ hạnh phúc.
--o--
Tôi viết sách này với tâm trạng buồn bã hơn là muốn chế giễu sự suy yếu không thể tránh khỏi của châu Âu. Tôi không muốn làm người châu Âu thất vọng. Người châu Âu là những dân tộc rất văn minh. Vâng, họ là những nhà thực dân -người Pháp, người Bỉ, người Anh và người Tây Ban Nha. Nhưng người Pháp có sứ mệnh khai hóa văn minh (mission civilisatrice) để chuyển nền văn minh của họ sang cho người châu Phi. Và về tổng thể, người Anh ra đi để lại sau lưng họ các thể chế, trong đó có ở Singapore. Chúng tôi có nền pháp quyền, có các đạo luật, chúng tôi có tiếng Anh và chúng tôi đủ khôn ngoan để không thay đổi bất cứ thứ nào trong số những di sản này. Chúng giúp chúng tôi phát triển. Các thể chế của họ đã đủ hiệu quả rồi. Điều mà tôi làm là đảm bảo rằng chúng tôi không phá hoại các thể chế này mà chỉ làm cho chúng mạnh hơn. Đối lập hoàn toàn, người Bỉ đã để Congo lại trong một đống hỗn độn. Họ khai thác nguyên liệu thô và khi thời điểm buộc họ phải rời đi, nơi này tan rã theo cuộc chiến giữa các bộ tộc. Ngày nay Congo vẫn còn vướng vào rắc rối. Tại Guinea, Charles de Gaulle đã rất tức giận với Ahmed Sékou Touré, một nhà đấu tranh mạnh mẽ vì tự do, đến nỗi mà người Pháp đã dỡ hết tất cả đường dây điện và điện thoại trước khi họ rời đi. Guinea vẫn chưa phục hồi lại từ chuyện này. Người Pháp không làm như vậy đối với tất cả thuộc địa của mình nhưng họ đã làm với Guinea vì Sékou Touré đã quấy nhiễu chính phủ Pháp. Do vậy, Sékou Touré thừa hưởng một hệ
thống không hoạt động, một hệ thống mà ông không bao giờ có thể làm cho hoạt động lại được.
Những điều này tạo nên sự khác biệt. Nếu người Anh để lại quốc gia của tôi như tình trạng mà Pháp và Bỉ đã để lại cho thuộc địa của họ, tôi không chắc tôi có thể xây dựng nên Singapore của ngày hôm nay. Người Anh rời đi trong lịch thiệp. Tòa nhà Istana trước đây là nơi làm việc của thủ hiến cuối cùng, Bill Goode, người đã trao tòa nhà lại một cách nguyên vẹn, mọi thứ đều có trật tự. Ông dẫn tôi tham quan một vòng và giới thiệu tôi với những người quản gia và những người khác trước khi rời đi. Từ đó ông đến Bắc Borneo trong một khoảng thời gian ngắn rồi nghỉ hưu. Chúng tôi cảm thấy biết ơn vì hệ thống mà họ để lại và sự ra đi đầy lịch thiệp này.
http://nghiencuuquocte.net/2014/06/15/ly-quang-dieu-ve-chau-au/