Từ năm 1980, nền kinh tế Mỹ đã phải gánh chịu sự mất cân đối trầm trọng do tác động của bộ đôi có tên gọi: thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách. Trong đó, thâm hụt tài khoản vãng lai phản ánh sự gia tăng chi tiêu của Mỹ đối với các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài còn thâm hụt ngân sách là kết quả của các khoản chi ngân sách thuế vượt định mức.
Để hiểu rõ hơn về cán cân tài khoản vãng lai (current account balance), khái niệm cần được nắm vững là cán cân thanh toán (balance of payments), đây là một tài khoản giao dịch của một quốc gia so với các nước còn lại. Cán cân thanh toán ghi nhận các khoản thu và chi của quốc gia đối với tất cả các loại giao dịch và các luồng vốn. Những giao dịch này được chia thành 3 mục chính: tài khoản vãng lai (current account), tài khoản tài chính (financial account) và tài khoản vốn (capital account). Một tài khoản được gọi là những sai sót và những bỏ sót lệch cuối cùng (net errors and omissions) được sử dụng để được cán cân cuối cùng.
Tài khoản vãng lai gồm 3 bộ phận chính:
1. Cán cân thương mại giữa nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ - thường được đề cập tới như là cán cân thương mại.
2. Thu nhập từ các khoản đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm thu nhập ròng có được từ lợi nhuận của các tài sản tài chính trong và ngoài nước cũng như thu nhập ròng từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - foreign direct investment).
3. Các luồng vốn (ròng) không hoàn lại, chẳng hạn như quà tặng và viện trợ.
Bởi vì cán cân thương mại quốc tế chiếm tỷ trọng đáng kể trong cán cân vãng lai, nên 2 cán cân thường được coi là một khi đề cập đến tình trạng nhập siêu lỗ hổng thương mại (trade gap). Từ năm 1995, cán cân xuất nhập khẩu đã chiếm tới 90% trong toàn bộ tài khoản vãng lai.
Từ năm 1999 đến năm 2007, Mỹ có mức thâm hụt tài khoản vãng lai tương đối lớn, Eurozone có mức thâm hụt tài khoản vãng lai khiêm tốn. Các nước Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi tại châu Á (EmAsia - emerging Asia) và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đều có mức thặng dư thương mại đáng kể nhờ vào nguồn thu từ xuất khẩu (trong trường hợp các quốc gia mới nổi tại châu Á và các nước xuất khẩu dầu mỏ) và nhờ vào khoản tiết kiệm dồi dào (các nền kinh tế mới nổi tại châu Á và Nhật Bản).
Tài khoản tài chính đo lường trạng thái đầu tư của một quốc gia, cân bằng tất cả các giao dịch giữa những công dân của quốc gia đó với các đối tượng ở nước ngoài liên quan đến sự thay đổi quyền sở hữu tài sản. Đây là giá trị ròng của dòng vốn đầu tư quốc tế đang lưu chuyển trong một nền kinh tế, bao gồm: đầu tư trực tiếp nước ngoài [foreign direct investment - FDI - tìm kiếm lợi ích lâu dài (lasting interest) tại các doanh nghiệp đặt tại nước sở tại, sở hữu tối thiểu 10% tổng vốn], đầu tư theo danh mục (sở hữu phần nhỏ cổ phiếu hoặc trái phiếu), và các loại hình đầu tư khác. Một trạng thái đầu tư dương có nghĩa là quốc gia đó là người cho vay ròng (net creditor), trong khi trạng thái đầu tư âm có nghĩa là quốc gia đó là con nợ ròng (net debtor).
Từ năm 1999 đến năm 2007, cả Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro đều đang là những con nợ ròng do các nền kinh tế này thu hút các luồng vốn quốc tế khổng lồ đổ vào thị trường vốn và chứng khoán của mình. Ngược lại, Nhật Bản lại là chủ nợ lớn nhất khi các nhà đầu tư xứ anh đào chính là nhà cung ứng vốn chủ lực trên thị trường tài chính thế giới. Hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất bằng đồng yên đóng vai trò thiết yếu trong việc chuyển vốn từ Nhật sang các thị trường toàn cầu nhằm tìm kiếm lợi tức, theo như ước lượng thì các quỹ đầu tư Nhật đã đầu tư 15 nghìn tỷ yên vào các thị trường nước ngoài. Nhờ sự bùng nổ giá dầu từ năm 2002, sở hữu tài sản nước ngoài ròng của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã tăng gấp đôi, biến họ thành chủ nợ lớn thứ 2 sau Nhật.
Tài khoản vốn đo lường hoạt động thanh toán quốc tế và thay đổi quyền sở hữu các hàng hóa vốn, như các nhà máy, trang thiết bị, đất đai, và các tài sản hữu hình khác.
Cán cân tài chính của một quốc gia cũng được xem xét như một chất xúc tác đối với tài khoản vãng lai. Xét về mặt lý thuyết, khi Fed chi tiêu và vay mượn vượt quá khoản thu từ thuế thì sự thâm hụt ngân sách này phải được bù đắp bằng sự gia tăng tương ứng của các khoản tiết kiệm nội địa thông qua việc kích thích nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ hoặc bằng các khoản vay nước ngoài có được nhờ bán trái phiếu chính phủ Mỹ cho nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý là, cách làm thứ 2 là hình thức được sử dụng phổ biến để cân đối thâm hụt ngân sách. Do được xem như là các khoản đầu tư quốc tế, những luồng vốn này được ghi nhận vào tài khoản tài chính trong cán cân thanh toán. Do đó, mặc dù sự gia tăng thâm hụt ngân sách sẽ kích thích thặng dư tài khoản tài chính, nó cũng có tác dụng bù đắp sự gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai trong cán cân thanh toán. Tài khoản tài chính cao hơn sẽ làm gia tăng giá trị của đồng đôla.
Theo Ashraf Laidi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét