Vì sao có nước nghèo, nước giàu?
Hùng Tâm/Người Việt
Bài toán của mọi quốc gia là tạo ra của cải, hay sự thịnh vượng. Tuần qua, tạp chí chuyên đề về kinh tế của Anh quốc, xuất bản từ năm 1843, có một bài chủ điểm là sự lụn bại của Argentina (hay Á Căn Ðình theo lối phiên âm Hán Việt ngày xưa), dù trăm năm về trước đã từng là một nước giàu có còn hơn Ðức và Pháp. Vì vậy bài toán của các nước không chỉ là tìm ra sự thịnh vượng mà còn là duy trì và phát triển sự thịnh vượng đó. “Hồ Sơ Người Việt” xin tổng hợp một số ý kiến phổ quát về bài toán hay giải đáp khá căn bản này.
Những ngộ nhận về quy luật giàu nghèo
Nhờ đâu mà một quốc gia trở thành thịnh vượng và vì sao lại có nhiều nước chưa thoát khỏi sự nghèo khốn?
Muốn hiểu ra thì trước hết, nên khởi sự bằng cách phơi bày nhiều sự ngộ nhận khá phổ biến. Nếu không thấy ra cái sai, ta khó tìm ra cái đúng và sự lầm lẫn ấy còn có thể dẫn đến những chính sách kinh tế bất lợi cho yêu cầu thịnh vượng.
Ðầu tiên, trước khi thế giới tìm ra và tổng hợp các kiến thức để có khoa kinh tế chính trị học, tức là chỉ từ vài trăm năm trở lại, loài người đã có bài toán kinh tế. Ðó là con người ta đều muốn có phương tiện sinh hoạt lớn lao hơn khả năng sản xuất của mình. Giải quyết sự khan hiếm ấy là bài toán kinh tế ngàn đời. Khi tìm cách giải quyết, người ta phải tìm hiểu lý do của sự khan hiếm hoặc nguyên nhân của nghèo khó. Nhưng ta khó tìm ra giải pháp nếu cứ đơn giản cho rằng sự nghèo khó của xứ này là do xứ khác gây ra. Xin gọi đó là lý luận hàm hồ của sự bóc lột.
Ðến nay, nhiều người còn nói rằng một quốc gia có thể làm giàu bằng cách khai thác xứ khác. Nguyên ủy là từ lập luận hồ đồ của Marx về lợi nhuận và giá trị thặng dư, Lenin khai triển ra quy mô quốc tế chuỗi lý luận về chủ nghĩa đế quốc theo đó các nước tư bản làm giàu bằng cách bóc lột các nước nghèo. Lý luận này đề ra một tương quan nhân quả nhiều khi sai lạc về sự giàu nghèo. Nôm na là sự nghèo khốn của xứ này là do xứ khác gây ra - và ngược lại, sự giàu có của nước này là kết quả của chính sách bần cùng hóa xứ khác.
Chuyện cụ thể của trăm năm trước, khi Lenin viết ra cuốn sách về Chủ nghĩa Ðế quốc, nó cũng như chuyện của hiện tại, là quả thật rằng các nước tư bản Tây phương có đầu tư ra ngoài, nhưng chủ yếu là đầu tư vào các nước tư bản khác. Còn kim ngạch đầu tư vào các nước nghèo, hay đang phát triển như ta nói bây giờ, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vậy mà ngày nay các nước nghèo vẫn đang tìm cách chiêu dụ và thu hút đầu tư của các nước tư bản. Khi còn lấn cấn trong đầu cái lý luận hàm hồ của sự bóc lột thì mình khó nhìn ra bài toán khan hiếm và giải pháp về phát triển.
Quả thật là trong gần hai thế kỷ, các nước Âu Châu như Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha hay Anh, Pháp đã trước sau chinh phục nhiều khu vực và gây ra thảm họa cho nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhưng câu hỏi đầu tiên cần nêu ra là vì sao họ lại chinh phục được các vùng đất rộng lớn hơn lãnh thổ của họ và khuynh đảo được một dân số đông gấp bội?
Nghĩa là từ trước đó, các nước thực dân đế quốc đã có sức mạnh kinh tế, quân sự hay kỹ thuật gì đó mà các nước kia không có. Vì sao lại như vậy? Và vì sao nhiều nước tự cô lập và không hề bị chiếm làm thuộc địa mà vẫn cứ nghèo khốn, hoặc còn tự làm cho họ nghèo đi? Thí dụ bi thảm là trường hợp Bắc Hàn Cộng sản ngày nay.
Quy luật của sự thịnh vượng
Trước hết, địa dư hình thể của từng quốc gia hay khu vực có chi phối cách giải quyết bài toán khan hiếm và đem lại lợi thế cho sự thịnh vượng. Thí dụ như nhờ diện tích khả canh nhiều hay ít, có mạng lưới sông ngòi hay khí hậu thuận tiện hay không, v.v... Nói chung, các nền văn minh lớn của nhân loại đều xuất phát từ vùng châu thổ của các con sông lớn và khu vực núi non hiểm trở thì khó phát triển và thường đi sau vùng đồng bằng.
Nhưng địa dư không là thực thể bất biến hoặc là trở lực vĩnh viễn. Thác nước kia có thể là một chướng ngại cho đến khi con người nghĩ ra máy xoay nước và dùng sức nước làm ra điện. Nhiều tài nguyên thiên nhiên như quặng mỏ dầu khí có thể là thứ vô dụng trong cả vạn năm, cho đến khi con người khám phá ra công dụng mới.
Khi ấy ta mới chú ý đến trí tuệ của con người trong bài toán khan hiếm.
Vương quốc Á Rập Saudi là nước sản xuất nhiều dầu thô nhất thế giới, lại được trời cho những giếng dầu dễ khai thác, nghĩa là ít tốn kém so với dầu thô của nhiều xứ khác thí dụ như của Nga. Nhờ vậy, xứ này có nhiều hoàng thân tỷ phú, nhưng lợi tức trung bình một đầu người chỉ bằng 42% lợi tức của Singapore là một xứ không có dầu và còn phải mua nước của Malaysia.
Cũng vậy, Israel là một quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi, chẳng có một giọt dầu nào và thường xuyên bị đe dọa, nhưng người dân vẫn giầu hơn hầu hết các nước Á Rập có dầu ở chung quanh. Nghĩa là ăn thua vẫn ở cách tổ chức của con người.
Khi nói về địa dư hình thể thì ta không quên trường hợp Nhật Bản, Nam Hàn hay Ðài Loan trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương.
Mới chỉ nửa thế kỷ trước thôi, người ta còn xem thường sản phẩm chế tạo tại Nhật là đồ dỏm, rẻ tiền và dễ hư nếu so sánh với các sản phẩm Âu-Mỹ. Ngày nay, xe hơi, máy ảnh và nhiều đồ gia dụng khác của Nhật là tiêu chuẩn cao nhất và dân Nhật cũng thuộc loại giàu nhất. Nhìn trong lịch sử lâu dài thì cho đến thế kỷ 19, Nhật Bản còn là một quốc gia nghèo và khá lạc hậu vì khép cửa với bên ngoài trên một lãnh thổ có ít tài nguyên. Nhưng chỉ một thế kỷ thôi, họ đã thay đổi và thoát ra khỏi cái nghiệp nghèo khốn này.
Nhân chuyện đó, chúng ta cũng thấy ra một sự thật khác. Người ta cứ tưởng các nước nghèo là một khối bất động, chết kẹt trong sự nghèo khổ từ cả trăm năm hoặc còn lâu hơn nữa. Ngày nay, nhiều người còn gọi chung các xứ đó là “Thế giới Thứ ba” hay Ðệ tam Thế giới ở giữa khối tư bản và khối cộng sản. Ðây là một sự lầm lẫn, vì không thấy ra sự chuyển dịch chậm rãi lâu dài của các quốc gia.
Chúng ta trở lại bài viết của tờ The Economist về xứ Argentina: Cách đây trăm năm, Argentina ở Nam Mỹ đã là cường quốc giàu mạnh hơn hai đại cường Âu Châu là Ðức và Pháp. Thế rồi, với sức người, áo cơm cũng có thể biến thành sỏi đá và ngày nay Argentina trở thành một nước “đang phát triển” còn thua xa nhiều nước Ðông Âu mới thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản có hai chục năm.
Cũng vậy, học hỏi kinh nghiệm Nhật Bản, dù tiếp nhận từ thời xâm lược, Ðài Loan và Nam Hàn cũng đã vươn lên từ chốn nghèo khốn thuộc loại gọi là Ðệ tam Thế giới, thành hai nước phú cường và dân chủ. Trong khi ấy, Miến Ðiện lại tụt hậu mất nửa thế kỷ sau khi là một nước giầu của Ðông Nam Á.
Phần biến thiên và bất biến của thịnh vượng
Nói chung thì xứ nào trên thế giới cũng từng đã có lúc là quốc gia chậm tiến và nghèo khó nhưng lại vươn lên. Ngược lại, nhiều quốc gia đã từng dẫn đầu thế giới về sự thịnh vượng, có khi trong cả chục thế kỷ như trường hợp Trung Quốc, rồi sau đó lại lụn bại. Ðó là phần biến thiên, có thay đổi, của thịnh vượng.
Trung Quốc không chỉ vì ách thực dân đế quốc hay bị liệt cường sâu xé mà đã lụn bại từ trước cho nên mới bị ngoại bang khuất phục và hậm hực mất trăm năm. Có nhìn rõ hơn cái tương quan nhân quả khá linh động về sự giàu nghèo thì mới tránh được việc quy trách cho người khác cái hoạn nạn do chính mình gây ra cho mình.
Trên địa cầu hay trong một quốc gia, người ta đều thấy là có sự giàu nghèo. Muốn người nghèo hay nước nghèo thoát ra khỏi tình trạng này thì người ta cần nhiều điều kiện, từ dân số đến văn hóa, v.v... Nhưng nếu muốn nói đến điều kiện có thể là then chốt và bất biến nhất thì phải nghĩ đến nền tảng pháp lý, quyền tư hữu, nếp văn hóa của sự tin cậy và quyền tự do thông tin.
Một người nghèo mà có sáng kiến kinh doanh, dù ban đầu chỉ thuộc loại cò con, cũng khó thoát khỏi kiếp nghèo nếu không huy động được vốn để khai triển sáng kiến. Nhiều người nghèo tại các nước công nghiệp tiên tiến đã tìm ra vốn và kinh doanh “từ một nhà xe” theo kiểu Microsoft, để trở thành triệu phú trong khi cũng tạo ra việc làm và sự thịnh vượng cho xã hội. Thế thì vì sao họ làm nổi việc đó?
Họ làm được vì ban đầu đã có tiền từ người giàu. Người giàu có thể yên tâm đưa tiền cho người nghèo mà có khả năng kinh doanh để sẽ cùng nhau phân chia lợi nhuận. Thế rồi khi cần mở mang doanh nghiệp và vay tiền loại người giàu mà mình không hề quen biết, như qua ngân hàng hay thị trường chứng khoán, thì doanh gia này phải có hồ sơ kế toán và thông tin xác thực về thành tích đã qua.
Sở dĩ những người đó làm được như vậy vì xã hội đã có luật lệ hẳn hoi và được áp dụng nghiêm minh - nhất là về quyền tư hữu. Nền tảng thuộc loại định chế ấy mới tạo ra niềm tin, hay sự tín cẩn, tín nhiệm. Thiếu nền móng định chế, từ pháp lý đến văn hóa, thì người ta chỉ còn tin nhau trong phạm vi hạn hẹp của bạn hữu và gia đình nên chỉ làm được việc nhỏ, với lợi ích giới hạn về kinh doanh và kinh tế.
Kết luận ở đây là gì?
Giới kinh tế nói đến hai hình thái phát triển là đồng tiến và trưng thu, contributive và extractive. Ðồng tiến là khi mọi người cùng đóng góp vào sản xuất và chia sẻ sự thịnh vượng. Trưng thu là khi một thiểu số có biện pháp trấn lột đa số vì luật lệ thiếu nghiêm minh, là chuyện xảy ra tại Việt Nam. Ngoài một thiểu số phe phẩy thì đa số nghèo vẫn hoàn nghèo...
Sau cùng, người ta có được sáng kiến về kinh doanh để chung sức tạo ra thịnh vượng là nhờ có thông tin. Hệ thống thông tin càng mở rộng và tự do thì càng tạo cơ hội phát huy sáng kiến và càng giảm thiểu nguy cơ bóc lột.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét