Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Happy new year 2014


Một năm 2013 còn nhiều mục tiêu dỡ dang chưa thực hiện được. Nguyên nhân một phần do bản tính không thay đổi được. Hy vọng có nhiều hơn va chạm thực tế và quyết đoán hơn nữa.

Mục tiêu mới năm 2014:
- Hoàn thành tốt các mục tiêu còn dang dỡ trong năm cũ.
- Thời gian rãnh nhiều hơn nên mục tiêu là cải thiện tốt hơn các mối quan hệ cũ, mở rộng mối quan hệ mới.
- Một bộ phận mới hoặc một công việc mới với cường độ cao hơn để có thể học hỏi thêm nhiều hơn. (Ko thích an phận như bây h vừa chán, vừa rủi ro khi mất việc).
- Trau dồi tiếng Anh (đọc hiểu, nghe, viết), học bơi và có thể cầu lông hoặc đá banh.
- Quan tâm nhiều hơn cho gia đình.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Thị trường hiệu quả

Để nhận định về điều kiện thị trường hiệu quả là trong thị trường hiệu quả, tất cả các cơ hội kiếm lợi nhuận chưa được khai thác đều bị loại trừ.

Một yếu tố cực kỳ quan trọng trong cách suy luận trên là không phải mọi người trên thị trường tài chính đều phải được thông tin đầy đủ về chứng khoán hoặc có kỳ vọng hợp lý về việc giá của nó bị đẩy đến điểm mà điều kiện thị trường hiệu quả được thỏa mãn.

Nhiều nhà kinh tế tài chính coi giả thuyết thị trường hiệu quả là một bước trong phân tích thị trường tài chính. Không những họ định nghĩa thị trường  hiệu quả là thị trường mà trong đó kỳ vọng là hợp lý-nghĩa là, bằng dự báo tối ưu khi sử dụng tất cả các thông tin hiện có - mà còn bổ sung thêm điều kiện thị trường hiệu quả phải là thị trường mà trong đó giá cả phản hán đúng giá trị cơ bản, chân thực của các chứng khoán. Bởi vậy trên thị trường hiệu quả tất cả các loại giá cả luôn luôn đúng và phản ánh những yếu tố cơ bản của thị trường (tức các yếu tố tác động trực tiếp đến dòng thu nhập tương lai của chứng khoán). Quan điểm mạnh này về thị trường hiệu quả có nhiều hàm ý quan trọng trong môn tài chính. Thứ nhất, nó hàm ý rằng trên thị trường vốn hiệu quả các khoản đầu tư điều tốt như nhau bởi vì giá của tất cả các chứng khoán đều đúng. Thứ hai, nó hàm ý rằng giá của chứng khoán phản ánh tất cả các thông tin hiện có về giá trị cố hữu của chứng khoán. Thứ ba, nó hàm ý rằng giám đốc của cả dn tài chính và phi tài chính đều có thể sử dụng giá chứng khoán để đánh giá chính xác chi phí về vốn của mình (tức là chi phí tài trợ cho các khoản đầu tư của họ) và bởi vậy, giá chứng khoán có thể giúp họ đưa ra quyết định đúng về việc nó nên thực hiện một khoản đầu tư cụ thể hay không. Dạng mạnh này của giả thuyết thị trường hiệu quả là nguyên lý cơ bản của nhiều phân tích trong lĩnh vực tài chính.

Giảm phát là gì ?

Có lẽ các bạn, nếu quan tâm đến thị trường tài chính, đã có nghe các nhà kinh tế nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với giảm phát – deflation. Vậy giảm phát là gì và nó tác động như thế nào đến việc giao dịch của chúng ta thì chúng ta hãy đọc bài viết bên dưới. (Nguồn của bài viết tại đây : http://bit.ly/MVDT9e)
Giảm phát là gì?
Bởi vì giảm phát chưa từng đe dọa cuộc sống ở nước Mỹ nên nhiều người không chú ý đến việc chính xác nó hoạt động như thế nào và tác động của nó đến nền kinh tế xung quanh. Đơn giản, giảm phát là khi lạm phát giảm xuống dưới 0% và có sự giảm giá tổng quan. Cần tránh lẫn lộn giảm phát với việc giảm lạm phát. Giảm lạm phát là việc giảm mức độ lạm phát theo thời gian, còn giảm phát là mức độ giảm xuống dưới 0%. Việc giảm giá có nghĩa là tiền của bạn sẽ có giá trị hơn và việc nắm giữ tiền mặt trở nên phổ biến. Nhưng việc tăng giá trị của tiền có thể gây ra những vấn đề với môi trường kinh tế, và đôi khi vấn đề này còn trầm trọng hơn cả lạm phát
Tại sao giảm phát xấu
Khi giảm phát diễn ra, giá cả giảm và đồng tiền có giá hơn, nhà đầu tư sẽ muốn giữ nhiều tiền mặt và tiêu xài ít hơn. Điều này tạo 1 cú shock cho nền kinh tế khi mà nền kinh tế bị thiếu vốn luân chuyển và các ngành kinh doanh phải đấu tranh vì chuyện này. Điều này cũng không khuyến khích việc vay mượn với viễn cảnh phải tốn nhiều tiền để trả lại số tiền đã vay mượn, do đồng tiền mạnh lên. Điều này giống như đặt 1 cái kẹp vào hệ thống ngân hàng và sẽ gây tác dụng lan tỏa đến cả nền kinh tế
Giảm phát còn thúc đẩy giảm lương người lao động khi mà cty kinh doanh cần phải điều tiết trở lại cho những thua lỗ do việc giảm giá gây ra. Tất cả những vấn đề trên kết hợp gây ra hiệu ứng xoáy xuống, khiến cho giảm phát mạnh lên. Khi mà giá cả giảm, tình trạng việc làm thiếu và người tiêu dùng tích trữ tiền với dự đoán là giá cả còn giảm nữa thì điều này sẽ làm hại nền kinh tế, như kiểu truyền lực cho thói quen tiết kiệm và cứ thế xoáy xuống. Đại khái như là “ việc giảm giá, nếu tồn tại, sẽ tạo ra một vòng xoáy xấu như việc giảm lợi nhuận, đóng cửa các nhà máy, làm hại tình trạng việc làm và thu nhập và làm tăng việc vỡ nợ từ các khoản vay của công ty và cá nhân” (theo investopedia)
Một ví dụ về giảm phát thực tế là Nhật Bản khi nền kinh tế này trượt vào giảm phát từ những năm đầu 1990 và vẫn đang hồi phục. NHTW Nhật vẫn chưa thành công trong việc can thiệp vào chính sách tỷ giá và tương tự, nhưng những thứ này đã bị bỏ rơi từ 2006 khi nó được xác định là không có tác động đáng kể lên sự phục hồi. Vào 1990, chỉ số Nikkei 225 (chỉ số chứng khoán Nhật) là 40.000. Từ đó, chỉ số này chỉ có hướng xuống và hiện nay đang ở quanh mức 9.100, mức giảm tương đương 77%, một tác động hủy diệt lên nhà đầu tư và người dân. Cho một nền kinh tế từng được dự đoán là vượt qua nền kinh tế Mỹ để dẫn đầu thế giới, giảm phát có nghĩa là kết thúc  cho giấc mơ này
Giảm phát chưa bao giờ là mối lo cho Mỹ kể từ 1930 khi chúng ta quá may mắn tránh được vấn đề này. Nhưng khi nó tấn đông, như là hồi đầu thế kỷ 19, hàng nông sản đã bị giáng một đòn nặng, rung động đến cả xung quanh. Chúng ta đã bước vào giai đoạn mà các nhà kinh tế gọi là thời kỳ giảm phát “nhỏ” hồi 2009 gần đây, nhưng lạm phát đã nhanh chóng quay lại, cứu chúng tar a khỏi một cuộc khủng hoảng sâu hơn. Nhiều chuyên gia và nhà phân tích đã đầu cơ vào việc tác động lâu dàu của nó sẽ như thế nào vào những chính sách lãi suất và việc in tiền của Fed. Khi mà tác động trước mắt có thể gây ra lạm phát thì sự tác động còn lại sau đó có thể ngược lại, tức là giảm phát, mặc dù khả năng này thấp
Giảm phát tác động đến giá hàng hóa thế nào
Giảm phát sẽ khiến giá cả hàng hóa (vàng, bạc, dầu…) giảm giá và làm nhiều nhà đầu tư thua lỗ, mặc dù các nhà đầu tư khôn khéo thì vẫn có lợi nhuận. Nhiều chuyên gia cho rằng vàng sẽ thể hiện tốt trong giai đoạn lạm phát, nhưng vẫn có những lý do cho thấy vàng đang chịu những gánh nặng của việc vượt quá giá trị
Nhìn chung, hãy chú ý đến giảm phát như 1 khả năng có thể xảy ra và việc học cách giao dịch trong giai đoạn giảm phát sẽ là không thừa đối với người giao dịch

Lý giải mức lãi suất thấp ở Nhật

Theo Mishkin, vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, lãi suất ở Nhật trở nên thấp nhất thế giới. Dĩ nhiên, vào tháng 11 năm 1998, một sự kiện bất thường đã xảy ra: lãi suất thu được từ tín phiếu kho bạc sáu tháng của Nhật xuống dưới 0 một chút. Tại sao lãi suất ở Nhật lại giảm xuống mức thấp đến như vậy?

Vào cuối những năm 1990 vào đầu những năm 2000, Nhật đã trải qua một cuộc suy thoái kéo dài và một hiện tượng đi kèm với nó là giảm phát, tức tỷ lệ lạm phát âm.

Tỷ lệ lạm phát âm đã làm cho cầu về trái phiếu tăng, bởi vì lợi tức dự kiến thu được từ sản thực tế sụt giảm, qua đó làm tăng lợi tức tương đối dự kiến thu được từ trái phiếu. Điều này đến lượt nó lại làm cho đường cầu dịch chuyển sang phải. Tỷ lệ lạm phát âm cũng làm tăng lãi suất thực tế và bởi vậy chi phí thực tế của việc vay nợ tăng tại bất kỳ mức lãi suất danh nghĩa cho trước nào, qua đó làm cho cung về trái phiếu co lại và đường cung dịch chuyển sang trái. Đường cầu dịch chuyển sáng phải, đường cung dịch chuyển sang trái làm tăng giá trị của trái phiếu và làm giảm lãi suất.

Sự thu hẹp của chu kỳ kinh doanh và tình trạng thiếu cơ hội đầu tư phát sinh từ đó ở Nhật cũng dẫn tới mức lãi suất thấp hơn thông qua việc làm giảm cung về trái phiếu và làm dịch chuyển đường cung sáng trái. Mặc dù đường cầu cũng dịch chuyển sang trái vì của cải giảm trong giai đoạn thu hẹp của chu kỳ kinh doanh, song đường cầu dịch chuyển ít hơn đường cung. Do vậy, giá trái phiếu tăng và lãi suất giảm.

Thông thường chúng ta nghĩ rằng lãi suất thấp là việc tốt, bởi vì nó làm cho việc vay nợ trở nên rẻ hơn. Nhưng ví dụ ở Nhật cho thấy có cạm bẫy trong câu ngạn ngữ " Bạn ko thể vừa quá giàu vừa quá gầy" (bạn có thể không quá giàu, nhưng chắc chắn bạn có thể quá gầy và làm hại sức khỏe của mình). bạn sẽ rơi vào cạm bẫy như vậy khi chỉ nghĩ rằng lãi suất thấp hơn là tốt hơn. Ở Nhật, mức lãi suất thấp và thậm chí âm là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật trên thực tế đang gặp khó khăn: giá cả giảm và nền kinh tế bị thu hẹp. Chỉ khi nên kinh tế Nhật lành mạnh trở lại, lãi suất mới tăng trở lại mức bình thường hơn.

Tổng cục Thống kê thừa nhận sai sót trong tính GDP

Trong các năm trước đây, hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này.

Phát biểu trước báo giới tại phiên họp cuối năm diễn ra sáng 23/12, ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) thừa nhận về cách tính sai GDP thời gian trước đây.
 
GDP cả nước đã tăng 5,42% trong năm 2013 - không đạt mục đề ra.

Cũng trong phiên họp này, Tổng cục Thống kê ban hành thông báo về việc điều chỉnh số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP). Theo đó, trong những năm qua, số liệu GDP của Việt Nam được Tổng cục Thống kê biên soạn thông qua việc áp dụng thống nhất khái niệm, nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra thu thập thông tin, xử lý, biên soạn và phân tích số liệu GDP từ phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, Tổng cục Thống kê nhận thấy hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này.
Tổng cục Thống kê đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng quy mô giá trị tăng thêm  (VA) của hai hoạt động trên vào đầu năm 2013 đồng thời với việc áp dụng tính toán theo năm gốc 2010 và tính chuyển từ ngành kinh tế (VSIC) 1993 sang VSIC 2007.
Việc chưa phản ánh hết kết quả sản xuất kinh doanh của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư nguyên nhân do thực tế hạch toán cũng như cung cấp thông tin của các đơn vị sản xuất kinh doanh và tổ chức thu thập thông tin của Tổng cục Thống kê còn có những hạn chế, bất cập.

Quá trình điều chỉnh tăng quy mô giá trị tăng thêm của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư dựa vào kết quả của các cuộc điều tra, tổng điều tra để tính toán.
Kết quả, trong năm nay, GDP cả nước đã tăng 5,42% so với năm 2012, tuy thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5% nhưng con số này cho thấy, kinh tế đã có sự phục hồi khi mức tăng cao đạt được cao hơn mức 5,25% của năm ngoái.
Trước câu hỏi, nếu áp dụng cách tính GDP hiện nay cho các năm trước như năm 2010, 2011, 2012… thì chính xác tốc độ tăng trưởng GDP và quy mô GDP sẽ thay đổi như thế nào, ông Hà Quang Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi không tính lại những con số mà chúng tôi thừa nhận rằng trước đây đã tính sai rồi. Từ năm 2013 trở đi, các sai sót này đã được khắc phục”.
GDP đầu người đã cán mốc 1.000 USD từ 2008
Do chỉ tiêu GDP được dùng để tính toán các chỉ tiêu thống kê khác có liên quan như: GDP bình quân đầu người, vốn đầu tư/GDP, năng suất lao động, thu ngân sách/GDP, thu thuế/GDP, bội chi ngân sách/GDP vì vậy, khi điều chỉnh quy mô GDP thì các chỉ tiêu nêu trên phải được tính toán lại. Số liệu GDP điều chỉnh đã được sử dụng làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tính toán các chỉ tiêu tài chính/GDP trong năm kế hoạch 2014.
Ông Tuyến cho biết, theo cách tính này, thực ra GDP đầu người năm 2010 đã điều chỉnh lên tới 1.273 USD, như vậy, chúng ta đã đạt được ngưỡng 1.000 USD năm 2008. Ước tính năm 2013, GDP đầu người đã đạt 1.890 USD/người, so với 2010 gấp 1,89 lần.
Ngoài ra, về chênh lệch giữa hai chỉ số GDP và GNI (tổng thu nhập quốc dân), ông Tuyến cũng tiết lộ, mức chênh lệch là rất lớn. Trong các năm 2010 là 82.250 tỷ đồng, 2011 là 119.800 tỷ đồng, 2012 là 142.80 tỷ đồng và năm 2013 là 171.930 tỷ đồng.
Đánh giá về tăng trưởng của cả nước hiện nay, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa bền vững trong khi vẫn dựa vào vốn và lao động.
Mức đóng góp của vốn và lao động vào GDP là lớn, riêng trong năm 2013 lần lượt là 55,79% và 17,12%. Chính vì vậy, đóng góp của tất cả những yếu tố còn lại về khoa học công nghệ, thể chế, quản lý rất thấp. Điều này cũng phản ánh chất lượng tăng trưởng chưa cao.
Ông Lâm cũng cho biết, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp và giảm trong những năm vừa qua. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế được đưa ra nhưng thực ra lại triển khai rất chậm và phối hợp chưa đồng bộ, tạo lực cản cho tăng trưởng nền kinh tế.
Do vậy, để có được một mức tăng trưởng hợp lý và bền vững, trước mắt, Việt Nam vẫn còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua và cần có những nỗ lực lớn hơn trong sửa đổi.
 
Theo Bích Diệp (Dân Trí)

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Nhân sự - khó mà dễ

Nhân sự - khó mà dễ

Hai trường hợp bổ nhiệm người đứng đầu ngân hàng trung ương hai nền kinh tế lớn đã để lại khá nhiều điều phải suy nghĩ. Ở Ấn Độ, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn đến nỗi chính phủ nước này phải mời ông Raghuram Rajan, 50 tuổi, đang dạy tại đại học Chicago, Mỹ về làm thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Mấy năm trước GDP Ấn Độ tăng trưởng 8-9% nay chỉ còn 4,5-5%; vốn ngoại bỏ đi làm cán cân thanh toán thâm hụt nặng nề, đồng rupee từ tháng 5-2013 đến nay mất giá gần 20%... Chưa biết ông Rajan, người làm kinh tế gia trưởng của IMF, có xoay chuyển được tình thế hay không nhưng ít nhất việc chính phủ Ấn Độ phải “cầu người hiền, mời người tài” về giúp nước đã được thị trường đáp ứng tích cực và chính ông Rajan cũng ra mắt với một chương trình rất cụ thể trong đó có phát huy lợi thế cộng đồng người Ấn ở nước ngoài.  

Ở Anh, chính phủ cũng mời ông Mark Carney, trước đó làm Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada về làm Thống đốc Ngân hàng trung ương nước mình. Ông Carney từng được xem là người có công giúp nền kinh tế Canada phục hồi nhanh chóng sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, năm nay mới 48 tuổi. Ông là người không phải dân Anh đầu tiên làm thống đốc Ngân hàng trung ương nước này trong suốt mấy trăm năm qua. Một chi tiết thú vị: mặc dù trong thỏa thuận hợp đồng, nước Anh sẽ cung cấp tài xế riêng cho ông nhưng Carney từ chối, để đi làm bằng xe điện ngầm.

Quay lại nước ta, chuyện mời một người nước ngoài hay một người Việt đang sống ở nước ngoài về làm quan chức cấp cao trong Chính phủ chắc chưa thể diễn ra. Vấn đề là vì sao như thế, cái gì cản trở quá trình này, phải làm gì để trong tương lai chuyện tương tự có thể xảy ra ở Việt Nam. Hiện nay những người Việt được đào tạo bài bản và làm việc thành công ở nước ngoài trong nhiều lãnh vực là không hiếm. Thử hình dung có ai chủ động suy nghĩ chuyện mời một số người nổi trội trong số đó về làm từ chức Thứ trưởng các bộ trở lên – ít nhất là những bộ đòi hỏi những chuyên môn sâu, cả về lãnh vực chuyên ngành lẫn kỹ năng lãnh đạo, quản lý như Y tế, Giáo dục, Môi trường, Khoa học Công nghệ, Giao thông Vận tải và thậm chí Ngân hàng Nhà nước!

Có thể vẫn để các bộ trưởng đích thân trèo thang xem xét hiện trường một vụ tai nạn xây dựng, hay đứng ra lo chuyện việc làm cho cá nhân một sinh viên, hay vào quan sát cảnh bệnh viện quá tải – vì đó là những hoạt động chính trị, cũng rất cần thiết và cũng chuyển tải những thông điệp cụ thể (!). Nhưng để quản lý mọi mặt của ngành, rất cần những con người kỹ trị, lo về chuyên môn. Có như thế bệnh viện mới một ngày nào đó hết quá tải, công trình xây dựng hết tai nạn và bất kỳ sinh viên nào tốt nghiệp cũng có việc làm.

Ở các doanh nghiệp tư nhân dù nhỏ hay lớn, dần dà người chủ sở hữu cũng hiểu ra rằng họ đứng ra làm chủ tịch hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị để vạch hướng đi chính cho doanh nghiệp; còn lại, họ phải đứng sang một bên, thuê người làm tổng giám đốc điều hành, vừa tận dụng được kỹ năng quản lý hiện đại, vừa có được sự tỉnh táo của người ngoài cuộc vòng xoáy đồng tiền. Mô hình này dần đang phổ biến ở nước ta.

Vấn đề còn lại là những người đứng đầu quốc gia phải tự vấn vì sao Ấn Độ làm được, Anh Quốc làm được và thậm chí Trung Quốc cũng đã làm được mà Việt Nam mãi mãi vẫn lo chuyện nhân sự như một điều gì đó có những quy luật riêng, những cân nhắc riêng.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Tỉ giá và người nghèo

Gia đình ông B nghèo hơn chỉ tiết kiệm được 20 triệu đồng, cũng dự trù sang năm dùng để cho con đi học đại học tư trong nước. Cả hai gửi tiền vào ngân hàng vì năm đó lãi suất đang rất cao, chừng 20%/năm. Năm sau, tiền ông A lên thành 2,4 tỉ đồng, tiền ông B lên thành 24 triệu đồng.
Cả năm đó tỉ giá hầu như không thay đổi nên ông A đổi được thành 100.000 đôla cho con đi du học mà vẫn dư ra một khoản lớn. Trường con ông B vì học phí tính bằng tiền đồng nên đã điều chỉnh theo lạm phát, học phí thay vì 20 triệu đồng nay đã tăng lên thành 30 triệu đồng, ông B méo mặt vì hụt một khoản không nhỏ.
Câu chuyện trên chỉ là giả định với những con số cố ý làm tròn cho dễ hình dung. Trong bối cảnh con số thống kê ở Việt Nam bị chê là thiếu tin cậy, tốt nhất là dùng cách “tính rợ” của dân gian. Tính nhẩm kiểu như trên cũng cho ta thấy: khi lạm phát cao mà tỉ giá không điều chỉnh theo tương ứng thì tỉ giá đó có lợi cho những ai có liên quan đến ngoại tệ và có hại cho những ai chỉ biết dùng tiền đồng.
Gia đình ông C chuyên ăn thịt bò ngoại nhập dù đắt hơn thịt bò trong nước. Năm trước ông bỏ ra 350.000 đồng mua một ký thịt bò Úc, trong khi gia đình ông D chỉ phải bỏ ra 300.000 đồng mua thịt bò dưới quê.
Qua một năm, đồng bạc mất giá, giá thịt bò trong nước lên thành 350.000 đồng, trong khi đó vì tỉ giá hầu như không thay đổi, dân nhập thịt bò Úc vẫn giữ nguyên giá bán 350.000 đồng. Nay coi như ông C lợi hơn ông D vì trả cùng giá như nhau mà được ăn thịt bò ngoại. Ông D cũng không dại, bèn chuyển sang mua thịt bò Úc luôn, thế là thị trường thịt bò trong nước ngày càng tiêu điều vì không cạnh tranh nổi.
Ví dụ thứ nhì cho thấy vì sao nhiều chuyên gia kinh tế nói chính sách tỉ giá đang làm sản xuất trong nước ngày càng kiệt quệ, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập. Cứ thử làm những phép tính tương tự sẽ thấy không một mặt hàng nào, từ đường, sữa đến cả cây tăm cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu cùng loại nếu năm nào lạm phát cũng cao mà tỉ giá vẫn được giữ hầu như cố định.
Nhìn cách khác, có thể nói lạm phát làm chi phí sản xuất ở Việt Nam tăng lên quá nhanh, làm lần lượt nhiều mặt hàng mất tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Bây giờ chúng ta nhìn vào bức tranh ngược lại để xem tình hình này tác động như thế nào với những người hoạt động xuất khẩu. Giả dụ năm này ông nông dân E bán gạo cho công ty xuất khẩu với giá 21.000 đồng/ký, tức chừng 1 USD/ký (lấy con số giả định cho dễ hình dung). Một năm sau đó, ông vẫn phải bán với cùng giá này vì giá thế giới không đổi, tỉ giá không đổi.
Trong năm đó, chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng khoảng 25%, tức giá cả tăng thêm chừng một phần tư trong khi thu nhập ông E không đổi, biểu sao gia đình ông ngày không một nghèo thêm, bởi chỉ số giá tăng chừng đó mà chi phí cho y tế và giáo dục thường tăng vọt cao hơn nhiều lần.
Công nhân và nhân viên làm cho Nhà nước cũng nghèo như nông dân nhưng dù sao hằng năm lương còn được điều chỉnh theo sự trượt giá của đồng tiền. Còn nông dân, trừ phi bán sản phẩm cho thị trường nội địa, nếu cứ bám theo thị trường xuất khẩu sẽ chịu thiệt thòi, nhất là khi giá nông sản thế giới lại giảm.
Nói như thế không có nghĩa cổ xúy cho việc phá giá đồng tiền, dân ta mỗi khi nghe hai chữ phá giá lại càng lo ngại, lại tác động mạnh lên lạm phát, hóa ra lợi bất cập hại. Điều dễ làm nhất, mà cũng là chủ trương được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là điều chỉnh tỉ giá danh nghĩa sao cho linh hoạt, từng ngày, từng tuần chứ không phải tự nhiên làm một lần cho gây sốc.
Tỉ giá thật đang cho thấy tiền đồng đã và đang tăng giá so với đôla Mỹ, cần điều chỉnh tỉ giá danh nghĩa để tỉ giá trở về đúng giá thật của nó. Vấn đề là nói linh hoạt nhưng dường như ai cũng quên, có lẽ vì để nguyên tỉ giá như thế có lợi cho người có tiền, người sử dụng nhiều hàng nhập, nhất là người nợ nước ngoài nhiều.
Thêm nữa, tỉ giá giữ nguyên trong khi lạm phát cao tạo ra một ảo tưởng là thu nhập đầu người tính bằng đôla Mỹ đang tăng nhanh, làm mọi người an tâm rằng tình hình phát triển kinh tế đang tốt đẹp.
Tình hình cứ như thế này, ông H sẽ mua được xe hơi nhập từ Nhật. Giá nay còn cao nhưng thu nhập ông H đang tăng dần theo sự mất giá của tiền đồng. Cứ đợi thêm một thời gian, lấy mớ tiền đồng mà thực chất giá trị sử dụng chưa bằng một phần so với những năm trước, đổi sang đôla (được bảo đảm tỉ giá “ổn định”), ông H sẽ có đủ tiền đô mua xe như ông A cho con đi du học mà có lẽ vẫn còn dư kha khá.
NGUYỄN VẠN PHÚ
Đánh thuế người nghèo, chia cho người giàu
Khi tỉ giá danh nghĩa của một đồng tiền so với một ngoại tệ không được điều chỉnh kịp với mức chênh lệch giữa lạm phát của nước đó và nước có ngoại tệ đang so sánh, lúc đó đồng tiền này được xem là đã lên giá thực so với ngoại tệ kia.
Ví dụ 1 đôla Mỹ ăn 21.000 đồng vào đầu năm, cuối năm vẫn giữ nguyên như thế, tưởng đâu tỉ giá được giữ ổn định (đấy là tỉ giá danh nghĩa), nhưng nếu năm đó lạm phát ở Việt Nam là 7% trong khi lạm phát ở Mỹ hầu như không đáng kể thì tỉ giá thực giữa tiền đồng và đôla Mỹ đã tăng chừng 7% (một cách ví von đã được đơn giản hóa).
Tờ Economist dùng giá của một ổ bánh mì kẹp thịt (Big Mac) tại nhiều nước khác nhau để diễn đạt một dạng tỉ giá thực của những nước này. Trong ví dụ trên, chiếc Big Mac ở Mỹ giả dụ vẫn giữ nguyên 5 đôla, trong khi ở Việt Nam, đầu năm là 40.000 đồng, cuối năm lên 50.000 đồng thì rõ ràng tỉ giá thực của tiền đồng so với đôla Mỹ đã tăng mạnh.
Một chuyên gia tài chính cho rằng việc để tỉ giá thực tăng lên chẳng khác gì đánh thuế người nghèo rồi chia cho người giàu. Theo chuyên gia này, đã có những nghiên cứu kinh tế về vấn đề ảnh hưởng của tỉ giá lên sự bất bình đẳng.
“Người nghèo thường không mua hàng ngoại nhập và có tỉ lệ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu (lương thực, y tế) cao hơn người giàu, nên khi tỉ giá thực tăng lên do lạm phát cao mà tỉ giá danh nghĩa không hay ít thay đổi thì họ bị ảnh hưởng nặng hơn nhiều người giàu” - chuyên gia này nói.
Sử dụng dữ liệu từ nhiều quốc gia, một số công trình nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ rất rõ giữa tỉ giá thực và bất bình đẳng - tỉ giá thực càng tăng mạnh thì thu nhập thực tế của người nghèo càng bị ảnh hưởng, trong khi thu nhập của giới giàu có không bị ảnh hưởng mạnh như thế.
NGUYỄN VŨ

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Nhìn lại tình hình Xuất nhập khẩu năm 2012

Năm 2012 xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993

Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) vừa công bố tình hình kinh tế xã hội cả nước năm 2012. Theo đó, tình hình xuất nhập khẩu năm nay có nhiều chuyển biến tích cực so với năm ngoái. Cụ thể:
Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 18,9%. 
Tỷ lệ xuất khẩu chia theo Khu vực của nền kinh tế
Nhìn lại tình hình Xuất nhập khẩu năm 2012 (1)

Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay chuyển dịch khá mạnh. Khu vực FDI là "đầu tàu" xuất khẩu nhưng việc xuất khẩu chủ yếu thuộc nhóm các mặt hàng gia công, thực thu ít ngoại tệ: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép...
Trong năm 2012, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Điện tử máy tính đạt 7,9 tỷ USD, tăng 69,1%; điện thoại và linh kiện 12,6 tỷ USD, tăng 97,7%; máy móc, thiết bị phụ tùng 5,5 tỷ USD, tăng 26,9%...
Đáng chú ý là EU vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tiếp đến là Hoa Kỳ 19,6 tỷ USD, tăng 15,6% và chiếm 17,1%; ASEAN 17,3 tỷ USD, tăng 27,2%...
Nhập khẩu hàng hoá: Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 13% so với năm 2011. Cả năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước và đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây.
Tỷ lệ nhập khẩu chia theo Khu vực của nền kinh tế
Nhìn lại tình hình Xuất nhập khẩu năm 2012 (2)
Về mặt hàng nhập khẩu năm nay, kim ngạch một số mặt hàng phục vụ gia công, lắp ráp tăng là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 66,8%; vải đạt 7 tỷ USD, tăng 4,7%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 7,9%. 

Cơ cấu kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm nay cũng có sự thay đổi so với năm 2011, nhóm tư liệu sản xuất ước tính đạt 106,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất với 93,2%, tăng so với mức 90,6% của năm 2011, chủ yếu do tỷ trọng nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có liên quan đến lắp ráp hàng xuất khẩu tăng từ 29% lên 36,9%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 28,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2011 và chiếm 25,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; tiếp đến là ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 0,3% và chiếm 18,3%; Hàn Quốc đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 13,6%...
Năm 2012 xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.
Thanh Hiên
Theo Trí Thức Trẻ/GSO

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

“Tự sướng” với thu nhập người Việt đạt 1960 USD

“Tự sướng” với thu nhập người Việt đạt 1960 USD

Tác giả: Nam Nguyên, RFA – 6/12/2013

Ý nghĩa thực như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vẽ ra một bức tranh kinh tế màu hồng khi ông phát biểu trước Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) ngày 5/12 tại Hà Nội. Theo đó, quy mô kinh tế hiện đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD tăng gần 23% so với năm 2012.
Báo mạng lề phải, tờ Sống Mới SM Online ngày 3 tháng 12 có bài ‘Tự Sướng’ với con số tăng trưởng ‘ảo.’ Bài báo dẫn nhập, “Sự chênh lệch quá lớn giữa GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) và GNI (Tổng thu nhập quốc dân) trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng: Tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp nội phần nhiều đã suy kiệt.”
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, TS Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội đã tự giải thể, đưa ra thí dụ về sản phẩm xuất khẩu của Samsung chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam tính đến hết tháng 10/2013. Theo đó lợi nhuận của Samsung đương nhiên chuyển ra khỏi Việt Nam, phần Việt Nam được hưởng rất nhỏ nhưng toàn bộ đều được tính vào GDP. TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh:
“Cái việc ‘tự sướng’ với các con số là một truyền thống lâu đời ít ra cũng phải ít ra mấy chục năm của Việt Nam này rồi. Người ta chỉ thích các con số mà không biết đàng sau những con số đó ý nghĩa thực của nó như thế nào. Thí dụ cái gọi là tăng trưởng GDP, con số đó có thể có nhiều ý nghĩa nhưng xét về thu nhập của người dân lấy GDP hàng năm chia cho 90 triệu người dân để ra con số thu nhập đầu người một nghìn mấy (1960 USD) thì nó không thực sự là người dân được hưởng. Thí dụ họ làm một cái cầu chẳng hạn thì cái phần giá trị gia tăng ấy được tính vào GDP, sau đó vì làm kém cái cầu ấy bị sập, công dọn dẹp cây cầu sập cũng được tính vào GDP, khi sửa cái cầu ấy cũng tính vào GDP. Nhưng thực sự nó chẳng mang lại gì cả, nói cách khác người ta bảo là đào đường lên, lấp xuống xong lại đào và lấp thì cái quá trình vô bổ ấy cũng làm tăng trưởng GDP và GDP chia cho đầu người là không có ý nghĩa lắm.”
Con số thu nhập bình quân đầu người 1960 USD/năm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tương đương 41,3 triệu đồng một năm hay 3,4 triệu đồng/người một tháng. Con số này có thể thích hợp với các thành thị lớn, nhưng ở nông thôn nơi 70% dân số Việt Nam sinh sống thì ngay như các tỉnh miền Tây Nam bộ trù phú, nhiều vị Chủ tịch Tỉnh cũng lắc đầu. Nghiên cứu chung giữa tổ chức phi chính phủ Oxfam và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn công bố ngày 17/10  ở Hà Nội cho thấy thu nhập trung bình của người nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 535.000 đ/ người/tháng. Mức thu nhập bình quân đầu người này kém con số Thủ tướng đưa ra tới 8-9 lần và cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam là rất lớn. Thực tế này cũng đi ngược với tinh thần xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam theo đuổi và xưng tụng. Đáp câu hỏi của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Ở Việt Nam người ta sử dụng ngôn ngữ khác, người ta gọi là xã hội chủ nghĩa nhưng thực sự cái người ta đang xây dựng là chủ nghĩa tư bản man rợ chứ không phải theo kiểu xã hội chủ nghĩa bên Tây âu. Tức là những chuyện công bằng xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động thì ở đây người ta nói như vậy, nhưng thực sự không phải là như vậy. Khoảng cách gia tăng giữa giàu và nghèo, giữa những người thu nhập rất là lớn và những người rất nghèo thì càng ngày càng dãn thêm ra và nếu họ không để ý đến thì vấn đề này sẽ sinh ra bất ổn xã hội lớn.”
Báo mạng Sống Mới có trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM cho rằng Việt Nam mải say sưa với con số GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) vẫn tăng trưởng qua các năm mà quên một điều cốt yếu rằng: GDP không loại bỏ số tiền mà người Việt Nam phải dành ra để trả nợ, và khoản lợi nhuận doanh nghiệp nước ngoài chuyển về nước họ. Trong khi đó, GNI (Tổng thu nhập quốc dân) chỉ tính theo hoạt động sản xuất kinh doanh của công dân hay pháp nhân một nước, bất kể họ đang ở đâu-phản ánh chân thực hơn nền kinh tế Việt Nam thực sự đã làm được những gì-lại thường xuyên bị bỏ quên trong báo cáo.
Tờ báo mạng, trích số liệu Ngân hàng Thế giới cho biết GDP năm 2012 của Việt Nam đạt 141,7 tỷ USD thì GNI lại chỉ đạt 134,2 tỷ USD chênh lệch 7,5 tỷ USD. Trước kia vào năm 2003 chênh lệch giữa GDP và GNP của Việt Nam chỉ có 0,6 tỷ USD. Như vậy mức chênh lệch đã tăng 16 lần từ 2003 tới 2012 và trong tương lai có thể mở rộng hơn nữa, khi Việt Nam phải trả lãi nợ nước ngoài ngày một nhiều hoặc doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam phát triển hơn hiện nay.
Kinh tế sáng sủa?
Tường thuật Diễn đàn Hà Nội 5/12/2013, báo mạng VnExpress trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng: “từ một quốc gia nhận tài trợ trong 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia đối tác phát triển. Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, do đó thay vì tổ chức các hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) để công bố cam kết vốn tài trợ phát triển của nước ngoài (ODA), thì nay lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói  tại  Diễn đàn VDPF rằng, sẽ kiểm soát chặt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Một tuần trước khi Diễn đàn VDPF diễn ra, trong dịp trả lời chúng tôi TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định là, Thủ tướng công bố con số nợ công trong ngưỡng an toàn là theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong đó chỉ tính đến những số nợ nước ngoài và nợ trái phiếu chính phủ ở trong nước, chứ không xem xét đến những khoản nợ của các Doanh nghiệp Nhà nước mà các khoản nợ này thì ít nhiều đều có liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước. TS Lê Đăng Doanh tiếp lời:
“Một số chuyên gia kinh tế đã đi đến một con số nợ đó là cộng nợ của Doanh nghiệp Nhà nước với nợ của chính phủ thì tất cả đã đi lên tới 95% GDP tức là vượt qua giới hạn an toàn mà Ngân hàng Thế giới đã đề ra cho các nước là 65% GDP. Ngoài ra, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia của Cơ quan Thống kê Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra một con số thì số nợ đó có thể lên tới 105% GDP. Đấy là những con số mà chúng ta cần tham khảo cho những cách tính và cách tiếp cận khác nhau.”
Ngày 4/12 tại Hà Nội cũng diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), theo báo mạng VnEconomy giới đầu tư kêu gọi thúc nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tờ báo trích lời ông Alain Cany, đồng chủ tịch VBF nói rằng: “Để thực hiện, khuyến khích tăng trưởng kinh tế lành mạnh, các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ các qui luật thị trường và phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhà nước làm thương mại được hưởng các ưu đãi, đối xử đặc biệt của nhà nước thì những doanh nghiệp này sẽ có khả năng kiểm soát, chi phối thị trường, từ đó ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân.”
Vẫn theo VnEconomy, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu lên mối quan tâm chính của các nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Tại Diễn đàn VDPF Hà Nội ngày 5/12, Theo VnExpress Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát  lạm phát ở mức 7%. Tuy bội chi ngân sách năm 2013-2014 được nâng lên 5,3% nhưng sẽ điều chỉnh giảm dần từ năm 2015. Ngoài ra Thủ tướng Việt Nam hứa hẹn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng hứa hẹn xử lý tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu và sử dụng cơ chế Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC để mua từ 130.000 tới 180.000 tỷ đồng nợ xấu trong hai năm 2013-2014.
Phải chăng tình hình kinh tế Việt Nam có vẻ sáng sủa như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chúng tôi xin trích lại nhận định của TS Lê Đăng Doanh:
“Những khó khăn và những vấn đề của kinh tế Việt Nam thì vẫn đang còn ở phía trước chưa giải quyết được. Thí dụ như vấn đề tái cấu trúc đầu tư công cũng chưa giải quyết được, rồi vấn đề tái cấu trúc các Tập đoàn và Doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa giải quyết được. Con số gần đây cho thấy là các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước có món nợ tổng cộng lên đến một triệu năm trăm tám mươi tám ngàn tỷ đồng (1.588.000.000 đ), tức là một con số cực lớn và chưa biết số nợ đó sẽ được giải quyết như thế nào.
Ngoài ra về bất động sản, chúng ta được biết gói 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết bất động sản nhưng sau 6 tháng mới giải ngân được có 1,1%. Như vậy để giải ngân hết số tiền đó thì chúng ta cần 100 lần của 6 tháng, tức là cần 30 năm. Đó là một viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với việc giải quyết bất động sản đó. Ngoài ra ngân sách Nhà nước cũng gặp khó khăn rất lớn và có lẽ cũng phải điều chỉnh lại. Và Nông nghiệp Nông dân Nông thôn Việt Nam cũng đang rất cần cuộc cải tổ và điều chỉnh để bơm thêm tín dụng vào cho nông nghiệp và nông dân có thể phát triển được mạnh mẽ hơn.”
Những tín hiệu từ Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam 2013 cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có sự ổn định mang tính bền vững. Giám đốc quốc gia Việt Nam của Ngân hàng Thế giới bà Victoria Kwakwa khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục tài chính ngân hàng, cải cách kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân cũng như đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tài chính, tạo sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhân định là tất cả những vấn đề vừa nêu thật ra không có gì mới, vì những khuyến nghị như thế được liên tiếp đưa ra tại các Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam(CG) những năm vừa qua. Nhất là giờ đây khi Việt Nam đổi vị thế trở thành đối tác quan hệ phát triển mà sự hứa hẹn cải cách vẫn được xem là dậm chân tại chỗ.