Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Tổng cục Thống kê thừa nhận sai sót trong tính GDP

Trong các năm trước đây, hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này.

Phát biểu trước báo giới tại phiên họp cuối năm diễn ra sáng 23/12, ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) thừa nhận về cách tính sai GDP thời gian trước đây.
 
GDP cả nước đã tăng 5,42% trong năm 2013 - không đạt mục đề ra.

Cũng trong phiên họp này, Tổng cục Thống kê ban hành thông báo về việc điều chỉnh số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP). Theo đó, trong những năm qua, số liệu GDP của Việt Nam được Tổng cục Thống kê biên soạn thông qua việc áp dụng thống nhất khái niệm, nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra thu thập thông tin, xử lý, biên soạn và phân tích số liệu GDP từ phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, Tổng cục Thống kê nhận thấy hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này.
Tổng cục Thống kê đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng quy mô giá trị tăng thêm  (VA) của hai hoạt động trên vào đầu năm 2013 đồng thời với việc áp dụng tính toán theo năm gốc 2010 và tính chuyển từ ngành kinh tế (VSIC) 1993 sang VSIC 2007.
Việc chưa phản ánh hết kết quả sản xuất kinh doanh của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư nguyên nhân do thực tế hạch toán cũng như cung cấp thông tin của các đơn vị sản xuất kinh doanh và tổ chức thu thập thông tin của Tổng cục Thống kê còn có những hạn chế, bất cập.

Quá trình điều chỉnh tăng quy mô giá trị tăng thêm của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư dựa vào kết quả của các cuộc điều tra, tổng điều tra để tính toán.
Kết quả, trong năm nay, GDP cả nước đã tăng 5,42% so với năm 2012, tuy thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5% nhưng con số này cho thấy, kinh tế đã có sự phục hồi khi mức tăng cao đạt được cao hơn mức 5,25% của năm ngoái.
Trước câu hỏi, nếu áp dụng cách tính GDP hiện nay cho các năm trước như năm 2010, 2011, 2012… thì chính xác tốc độ tăng trưởng GDP và quy mô GDP sẽ thay đổi như thế nào, ông Hà Quang Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi không tính lại những con số mà chúng tôi thừa nhận rằng trước đây đã tính sai rồi. Từ năm 2013 trở đi, các sai sót này đã được khắc phục”.
GDP đầu người đã cán mốc 1.000 USD từ 2008
Do chỉ tiêu GDP được dùng để tính toán các chỉ tiêu thống kê khác có liên quan như: GDP bình quân đầu người, vốn đầu tư/GDP, năng suất lao động, thu ngân sách/GDP, thu thuế/GDP, bội chi ngân sách/GDP vì vậy, khi điều chỉnh quy mô GDP thì các chỉ tiêu nêu trên phải được tính toán lại. Số liệu GDP điều chỉnh đã được sử dụng làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tính toán các chỉ tiêu tài chính/GDP trong năm kế hoạch 2014.
Ông Tuyến cho biết, theo cách tính này, thực ra GDP đầu người năm 2010 đã điều chỉnh lên tới 1.273 USD, như vậy, chúng ta đã đạt được ngưỡng 1.000 USD năm 2008. Ước tính năm 2013, GDP đầu người đã đạt 1.890 USD/người, so với 2010 gấp 1,89 lần.
Ngoài ra, về chênh lệch giữa hai chỉ số GDP và GNI (tổng thu nhập quốc dân), ông Tuyến cũng tiết lộ, mức chênh lệch là rất lớn. Trong các năm 2010 là 82.250 tỷ đồng, 2011 là 119.800 tỷ đồng, 2012 là 142.80 tỷ đồng và năm 2013 là 171.930 tỷ đồng.
Đánh giá về tăng trưởng của cả nước hiện nay, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa bền vững trong khi vẫn dựa vào vốn và lao động.
Mức đóng góp của vốn và lao động vào GDP là lớn, riêng trong năm 2013 lần lượt là 55,79% và 17,12%. Chính vì vậy, đóng góp của tất cả những yếu tố còn lại về khoa học công nghệ, thể chế, quản lý rất thấp. Điều này cũng phản ánh chất lượng tăng trưởng chưa cao.
Ông Lâm cũng cho biết, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp và giảm trong những năm vừa qua. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế được đưa ra nhưng thực ra lại triển khai rất chậm và phối hợp chưa đồng bộ, tạo lực cản cho tăng trưởng nền kinh tế.
Do vậy, để có được một mức tăng trưởng hợp lý và bền vững, trước mắt, Việt Nam vẫn còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua và cần có những nỗ lực lớn hơn trong sửa đổi.
 
Theo Bích Diệp (Dân Trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét