Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

BÀN THÊM VỀ VẤN ĐỀ VỐN CỐ ĐỊNH VÀ VỐN LƯU ĐỘNG

BÀN THÊM VỀ VẤN ĐỀ VỐN CỐ ĐỊNH VÀ VỐN LƯU ĐỘNG


5Jul2007
28313 views
Tôi xin tiếp tục bàn thêm về đề tài vốn cố định và vốn lưu động các bạn đang trao đổi. Thực ra mọi người đều hiểu khái niệm mình đang nói là cái gì. Vì vậy những tranh luận ở đây chỉ là về mặt từ ngữ thôi. Nếu xét trên tiêu chí "substance over form" thì không có gì phải tranh luận ở đây cả. Tuy nhiên, về mặt khoa học thì tôi nghĩ việc dùng từ ngữ chính xác cũng quan trọng. Vì vậy mạn phép xin tí đất trên saga để tiếp tục chủ đề này.

(1) Về giải thích của bạn kimchi tại sao lại gọi là vốn cố định và vốn lưu động:

Tôi không nói là bạn sai, vì những gì bạn nói đúng như trong phần lớn các giáo trình Tài chính hiện hành. Điều tôi muốn nói ở đây là tại sao chúng các giáo trình lại dùng thuật ngữ "vốn cố định" và "vốn lưu động" để chỉ những thứ đã có một tên gọi khác là "tài sản cố định" và "tài sản lưu động". Tất cả các phân tích trong bài viết của bạn đều đề cập tới "tài sản cố định" và "tài sản lưu động". Chỉ có mỗi câu mở đầu định nghĩa "Vốn cố định/lưu động là biểu hiện bằng tiền của tài sản cố định/lưu động". Như vậy, khi ta nói "vốn lưu động" hay "vốn cố định" tức là ta hiểu đó là "giá trị tài sản lưu động" hay "giá trị tài sản cố định" đúng không? Vậy tại sao chúng ta không sử dụng nhất quán khái niệm "tài sản cố định" và "tài sản lưu động" mà lại gọi nó là "vốn"?

Bạn cho rằng phải hiểu hai khái niệm "vốn cố định" và "vốn lưu động" thì mới có thể phân tích được các chỉ tiêu tài chính như "hiệu suất sử dụng vốn lưu động", "hiệu suất sử dụng vốn cố định", "hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh" của doanh nghiệp. Thực chất thì tôi lại thấy bạn đang đề cập tới "hiệu suất sử dụng tài sản lưu động, "hiệu suất sử dụng tài sảncố định" (nếu bạn dịch sang tiếng Anh thì bạn phải sử dụng thuật ngữ return on assets thì mọi người mới hiểu bạn đang nói gì). Còn chỉ tiêu thứ 3 thì lại liên quan tới nguồn vốn chủ sử hữu (equity) chứ không có liên quan gì đến vốn cố định hay lưu động cả.

(2) Về ý kiến của bạn lengocloi

Đồng ý với bạn rằng việc phân biệt tài sản cố định - tài sản lưu động, vốn ngắn hạn - vốn dài hạn là cần thiết. Tuy nhiên, tôi thấy lập luận của bạn không được nhất quán lắm.

Ở đoạn thứ 2 bạn có giải thích rằng "Kế toán không thể cầm 2 đồng trong tay, lúc nào cũng nghĩ, đồng này mua mắm, đồng này mua rượu !".Tuy nhiên, trong ví dụ sau đó thì rõ ràng là bạn đang phân biệt đồng nào mua mắm đồng nào mua rượu rồi đó.

Nếu tôi có 100 đồng, tôi đi vay ngắn hạn 20 đồng để có 120 đồng. Tôi mua tài sản cố định 80 đồng, tài sản lưu động 40 đồng. Vậy theo bạn thì tôi đang lấy vốn ngắn hạn để tài trợ tài sản dài hạn hay, ngược lại, tôi đang dùng 20 đồng vốn dài hạn để tài trợ tài sản ngắn hạn?

Một điểm nữa mà tôi cho rằng ý kiến của bạn chưa hợp lý (mặc dù đúng theo sách) là bạn cho rằng doanh nghiệp dùng vốn ngắn hạn để tài trợ tài sản dài hạn thì sẽ không có nguồn trả nợ (vì khấu hao không kịp). Tôi không nghĩ việc khấu hao chậm hay nhanh có ảnh hưởng tới khả năng trả nợ. Khả năng trả nợ đến hạn phụ thuộc vào luồng tiền của doanh nghiệp. Bản thân việc khấu hao không tạo ra tiền (cash). Vì vậy bất luận bạn khấu hao nhanh hay chậm nhưng doanh nghiệp của bạn không tạo ra được đủ tiền mặt để thanh toán nợ thì bạn cũng vẫn mất khả năng thanh toán.

Một lần nữa xin nhắc lại ý kiến của tôi chỉ là để trao đổi nhằm làm sáng tỏ hơn vấn đề. Khoa học không có gì tuyệt đối đúng hay sai cả (kể cả câu này).

Chào thân ái và quyết thắng!
Hãy đăng nhập để bình luận
  • Lê Kim Thanh
    7/30/2009 2:24:32 PM
    Mình hiểu LNL, ý bạn ấy là như thế này: Khi khấu hao chậm, bạn lời 1đ, nhưng dòng tiền thật sự là 101đ. Khi bạn khấu hao gấp 2, do áp lực fai có LN sổ sách nên bạn fai tăng Dthu nên dòng tiền cũng tăng gấp 2, và bạn sẽ có 200đ, chưa kể 1đ LN nữa (tổng cộng dòng tiền là 201đ).
    Minh cũng hiểu LongPT, là DN chỉ khấu hao nhanh được khi có lợi thế về SP thôi như ít cạnh tranh, nhượng quyền...
    Nếu không có thì fải tạo ra. Một DNTN thuê đất nhà dân 5 năm, XD theo giá lạm fát. Làm sao lấy lại vốn mà vẫn cạnh tranh được với DNQD đã khấu hao hết cách đây 10 năm & trả tiền thuê đất như không trả? Chỉ có cách khấu hao nhanh, tăng dịch vụ & liều thôi, nếu không thì làm gì có SP mới cho chúng ta? Chẳng phải CPI VN rất cao đó thôi vì mạnh ai nấy tăng giá? Đây có lẽ là cái lí của LNL.
    Vậy các bạn đều có lý, nhưng 1 bên (LNL) có tư tưởng tư bản nhiều hơn.
  • le tin
    12/29/2008 10:58:21 AM
    Chào bạn Lengocloi,

    Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của gaubo và longplt. Khấu hao chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận chứ không làm tăng hay giảm luồng tiền. Và tất nhiên "sách viết không phải lúc nào cũng chính xác", bởi vì sách cũng chính do con người viết ra.

    Thân mến.
  • Lê Ngọc Hùng
    5/9/2008 2:29:22 PM
    @puki: công thức của em là sai. Công thức đúng của nó là
    vốn lưu động RÒNG = ...
  • Ngô Ngọc Khánh
    4/9/2008 2:08:44 PM
    "Hãy thử nghiệm với ví dụ sau đây: Bạn lập một kế hoạch tài chính, trong đó CP vật liệu, Nhân công là 200; khấu hao là 100. Giá thành sản phẩm là 300. Bạn muốn lãi thì phải bán 301 (hoặc lớn hơn). Bây giờ khấu hao 200, giá thành đã là 400 rồi, Bạn muốn bán có lãi (và thu tiền) thì Bạn phải bán 401 (hoặc lớn hơn). Do vậy, khấu hao đã là một yếu tố tạo tiền rồi đó."
    Tôi cho rằng cần phải xem lại ví dụ này. Nó dường như không xuất phát từ thực tiễn mà chỉ là một ví dụ mang tính chất tưởng tượng của lengocloi. Thứ nhất, giá bán sản phẩm là do 2 yếu tố sau quyết định: Chi phí sản xuất và thị trường. Khấu hao đồng ý là một bộ phận của chi phí cấu thành giá vốn hàng bán nhưng với cách nghĩ là do áp dụng phương án khấu hao nhanh mà bắt người mua chịu giá bán cao hơn là hoàn toàn phi kinh doanh. Bây giờ, tôi giả sử một công ty khác cũng sản xuất sản phẩm như công ty bạn ví dụ, cũng có chi phí vật liệu và nhân công 200 nhưng phương pháp khấu hao của họ chỉ có chi phí khấu hao là 100 thì giá bán của họ sẽ là 301. Vậy với 2 sản phẩm như nhau nhưng có giá bán chênh lệch nhau quá xa như vậy thì liệu công ty áp dụng phương pháp khấu hao nhanh có bán được sản phẩm không?
  • Huy
    11/8/2007 10:29:07 AM
    Trích dẫn từ ví dụ của bạn gaubo:
    Giả sử bạn mới thành lập một doanh nghiệp và bạn phải đi vay 100 đồng để mua sắm tài sản cố định. Để đơn giản ta giả định doanh nghiệp của bạn thuộc dạng được ưu đãi đầu tư nên không phải nộp thuế TNDN.

    Nếu như khoản vay của bạn có thời hạn 5 năm, mỗi năm bạn phải trả 20 đồng (bỏ qua tiền lãi). Giả sử năm thứ nhất công ty bạn kinh doanh sau khi trừ các chi phí thì luồng tiền còn lại là 10 đồng (trước khi trả lãi vay). Trong khi đó tiền nợ vay phải trả là 20 đồng.
    Theo tôi, khi bạn bảo "sau khi trừ các chi phí " thì thật ra bao hàm cả khấu hao. Hay chính xác hơn, theo ví dụ trên của bạn: (Giả sử khấu hao 10 năm -> 10đ/năm), thì luồng tiền của doanh nghiệp: 10đ (khấu hao để lại) + 10 đồng lợi nhuận = 20đ.
    Chính vì thế mà khi lập báo cáo theo phương pháp gián tiếp, chúng ta phải cộng thêm khấu hao ở luồng tiền đi vào là thế.
    Còn nếu bạn nói chi phí mà chưa có khấu hao thì đó chỉ là thực chi tiền, chưa phải là chi phí hoạt động kinh doanh. Nói cách khác là chưa tính đủ chi phí.
    Thân ái.
  • Bùi Vương Bình
    11/2/2007 4:56:59 PM
    Tôi xin góp thêm ý kiến với các bạn
    Thứ nhất, việc trao đổi nội dung này là cần thiết.
    Thứ hai về nội dung mình xin có một số ý kiến thêm:
    Vốn cố định và vốn lưu động: Khi nói đến vốn tức là bạn đang nói đến việc nguồn hình thành và tính chất sở hữu cũng như tỷ lệ lợi tức yêu cầu và chi phí cơ hội.
    Còn khi bạn định nói về vốn cố định và vốn lưu động: Tức là các bạn hàm ý nói đến hiệu quả sử dụng cảu vốn đó. Thông qua hình thái hiện vật là tài sản để đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư của bạn. Còn ngược lại thì bạn có thể đầu tư vào tài sản khác.
    Do vậy mình suy nghĩ là câu chuyên Vốn cố định hay lưu động nên nhấn mạnh để làm gì thì hợp lý hơn.
    Trân trọng

  • Nguyễn Kim Ngân
    10/17/2007 6:32:54 PM
    Em thắc mắc: trong phần tra cứu thuật ngữ có Vốn lưu động = TSLĐ - (trừ) Nợ ngắn hạn. Vậy thì vốn lưu động làm sao là tài sản lưu động được.
  • Bùi hữu Ngọc
    8/18/2007 9:53:45 PM
    "Trong vấn đề Bạn Gaubo có nói, thì thật ra, việc phân tích của tôi là thay thế khái niệm TSCĐ và TSLĐ bằng tài sản dài hạn và tài sản ngắn hạn. Vì thuật ngữ Tài sản dài hạn phù hợp hơn vì các khoản đầu tư dài hạn đâu chỉ bao gồm TSCĐ. Tương tự như thế đối với Tài sản ngắn hạn. Từ lý luận đó, Tôi đã thoát ra được khỏi khái niệm Vốn Cố định và Vốn Lưu động. Sau đó, Tôi mới bàn về vấn đề nguồn vốn để hình thành Tài sản (nói chung). Không nói đến vốn tự có, hãy nói đến vốn vay hay vốn huy động khác xem. Nếu vay ngắn hạn mà mua sắm hay đầu tư vào tài sản dài hạn thì liệu có "nguy cơ lắm không" ? Ngoài ra, Bạn Gaubo quên nữa là khấu hao chính là lấy lại tiền. Khấu hao là một dạng chi phí phi tiền tệ và làm tăng luồng tiền vào của doanh nghiệp. Nếu khấu hao không ảnh hưởng đến tiền thì làm gì có khái niệm "khấu hao nhanh để lấy lại vốn cho nhanh"!"
    Theo tôi, trong nền kinh tế thị trường giá cả hàng hoá do thị trường quyết định chứ không phải hoàn toàn do giá thành quyết định nên khấu hao nhanh hay không không ảnh hưởng đến giá bán (một số trường hợp giảm giá thành cho phép giảm giá bán). Như thế khấu hao không làm tăng nguồn tiền vào nhưng trong điều kiện bình thường có thể làm giảm nguồn tiền ra và làm tăng tiền. Khi khấu hao nhanh mà bán lỗ thì chưa hẳn làm tăng tiền! Khi nói khấu hao nhanh giúp thu hồi vốn nhanh chỉ khi giá bán đủ bù đắp chi phí và có lãi, còn ngược lại thì khấu hao nhanh không có lợi cho DN.
    Do đó, giám đốc tài chính phải biết rõ trường hợp nào nên dùng phương pháp khấu hao nhanh và trường hợp nào không nên khấu hao nhanh.
    Ý kiến nhỏ hy vọng không làm các bạn thất vọng.
  • Bùi hữu Ngọc
    8/18/2007 9:32:45 PM

    Theo tôi, tài sản có 2 mặt: giá trị và hiện vật.
    Giá trị được đánh giá theo 2 loại: giá trị còn lại và nguyên giá. Ví dụ trên bảng CĐKT, TSCĐ được phản ảnh cả 3 chỉ tiêu: nguyên giá, khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại.
    Hiện vật (hữu hình và vô hình) cho biết loại tài sản gì? tính chất ra sao? Qui luât vận động thế nào?v.v... từ đó người quản lý sẽ có cách quản lý chúng, sử dụng chúng đạt hiệu quả cao nhất.
    Vốn chỉ thể hiện 1 mặt duy nhất là giá trị (biểu hiện bằng tiền).
    Như thế vốn không phải là tài sản nhưng có quan hệ mật thiết với nhau. Do Bảng CĐKT chỉ sử dụng 1 thước đo duy nhất là giá trị nên phần tài sản chỉ thể hiện mặt giá trị của tài sản nhưng cho chúng ta biết giá trị của loại tài sản nào. Tổng tài sản trên bảng CĐKT cho biết tổng vốn thuộc quyền quản lý của DN, số vốn đó được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau.
    Trong thực tế chúng ta thường nhầm lẫn vốn và nguồn vốn và cho rằng chúng là 1. Chính vì vậy một số người cắc cớ hỏi rằng vốn vay và nợ vay từ nào đúng! Nếu là vốn thì phải nằm trong mục tài sản còn là nợ thì phải ở phần nguồn vốn trong bảng CĐKT.
    Như thế khái niệm "vốn" của ta khá phức tạp. Nếu tách riêng lẽ thì khó tìm được qui luật chung. Vốn cố định, vốn lưu động, vốn luân chuyển, vốn chủ sở hữu...!!!
    Vài gợi ý bổ sung, hy vọng các bạn sẽ cho thêm ý kiến.



  • nguyenbinhphuong
    8/9/2007 11:45:11 PM
    Em đang là sinh viên.Hiện giờ em cũng rất mơ hồ về khái niệm vốn lưu động và vốn cố định.Đọc những tranh luận của các anh chị,em đồng ý với những lập luận của Gaubo và Longqlt.Tuy nhiên theo bài viết của Gaubo mới chỉ đưa ra các câu hỏi mở để mọi người cùng thảo luận,vậy Gaubo có thể đưa ra  những hiểu biết của bản thân vào 2 khái niệm này một cách rõ ràng được không?
    Những điều đã trao đổi của Lengocloi  khá mâu thuẫn!
    Cảm ơn các anh chị đã đọc!
  • Phương Lan
    8/1/2007 11:00:11 PM
    Nếu Bạn quan tâm đến Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ, Bạn sẽ hiểu được tại sao khấu hao nhanh làm tăng luồng tiền vào của Doanh nghiệp. Có rất nhiều người không cảm nhận được điều này trong kế hoạch khấu hao (một trong những khía cạnh của kế hoạch tài chính) nên thường ngộ nhận Chi Phí Khấu Hao chỉ đơn thuần làm giảm lợi nhuận chứ không hề tác động đến luồng tiền vào.

    Hãy thử nghiệm với ví dụ sau đây : Bạn lập một kế hoạch tài chính, trong đó CP vật liệu, Nhân công là 200; khấu hao là 100. Giá thành sản phẩm là 300. Bạn muuốn lãi thì phải bán 301 (hoặc lớn hơn). Bây giờ khấu hao 200, giá thành đã là 400 rồi, Bạn muốn bán có lãi (và thu tiền) thì Bạn phải bán 401 (hoặc lớn hơn). Do vậy, khấu hao đã là một yếu tố tạo tiền rồi đó.

    Nói về bản chất thì chắc chắn sẽ rất dài dòng. Bạn tìm tài liệu hướng dẫn cách lập "Báo cáo Lưu Chuyển tiền tệ" theo Phương pháp Gián tiếp, Bạn sẽ thấy vấn đề Tôi đưa ra là đúng.
    Ý kiến của bạn lengocloi khá mâu thuẫn. Điểm thứ nhất là trong ví dụ của bạn, khi tăng cả khấu hao và doanh thu, thì lợi nhuận không hề giảm sút. Điểm thứ hai là khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp, để tính được lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, bạn cần cộng ngược lợi nhuận sau thuế với khấu hao để loại trừ ảnh hưởng của khấu hao.
  • Trần Đức Nam
    8/1/2007 4:42:03 AM
    Tks Long,

    Thêm cả ý kiến của Long nữa mà bạn lengocloi vẫn không đồng ý thì tôi cũng xin bó tay không giải thích được nữa.

    Xin có thêm ý kiến về ví dụ bạn lengocloi đưa ra để chứng minh quan điểm khấu hao có thể tạo ra tiền.

    Hãy thử nghiệm với ví dụ sau đây : Bạn lập một kế hoạch tài chính, trong đó CP vật liệu, Nhân công là 200; khấu hao là 100. Giá thành sản phẩm là 300. Bạn muuốn lãi thì phải bán 301 (hoặc lớn hơn). Bây giờ khấu hao 200, giá thành đã là 400 rồi, Bạn muốn bán có lãi (và thu tiền) thì Bạn phải bán 401 (hoặc lớn hơn). Do vậy, khấu hao đã là một yếu tố tạo tiền rồi đó.
    Theo tôi hiểu thì ý của bạn ở đây là nếu khấu hao 100 thì bán với giá 301, còn nếu khấu hao 200 thì bạn sẽ bán với giá 401, như vậy việc tăng khấu hao 100 đồng sẽ có tác dụng tăng luồng tiền lên 100 đồng?

    Trừ khi bạn là EVN  (Tổng công ty Điện lực Việt Nam), còn thì nói chung giá cả do thị trường chứ không phải do doanh nghiệp quyết định. Thị trường không cần quan tâm bạn khấu hao với mức bao nhiêu. Nếu thị trường chỉ chấp nhận mức giá hợp lý là 301 đồng thì dù bạn có khấu hao 200 hay 400 đi nữa thì bạn cũng chỉ có thể bán được sản phẩm với giá 301 đồng mà thôi. Có nghĩa là bạn không thể tăng luồng tiền của mình lên được đâu.
    Chào thân ái!
  • Long Phan
    7/31/2007 12:38:37 PM
    Góp ý kiến thêm một chút với Gaubo và lengocloi.

    Tôi đọc profile thấy gaubo có nghề nghiệp là Kiểm toán viên. Mà KTV thì chắc là một nghề quen thuộc với Cashflow Statement nhất.

    Tôi lấy luôn ví dụ của LNL và một phần của gaubo để minh hoạ việc khấu hao không tạo ra tiền như thế nào (non-cash item).

    Bạn lập một kế hoạch tài chính, trong đó CP vật liệu, Nhân công là 200; khấu hao là 100. Giá thành sản phẩm là 300. Bạn muuốn lãi thì phải bán 301 (hoặc lớn hơn). 

    Giả sử LNL bán sản phẩm của mình với giá 310. Lúc này lợi nhuận kế toán là 10.

    Theo ý tưởng ví dụ của gaubo, giả sử LNL đi vay và sẽ phải trả lãi vay 150.

    Ta xét xem LNL có bao nhiêu tiền để trả nợ tiền lãi vay cho ngân hàng nhé. LNL thu được 310, chi tiền ra 200 (chi phí nhân công trả bằng tiền). LNL còn lại 110. Vậy LNL thiếu mất 40 để trả lãi vay. Tôi, người đóng vai trò một cán bộ ngân hàng, đến đòi nợ lãi vay. LNL nói rằng, chờ tôi điều chỉnh lại tỷ lệ khấu hao để có tiền trả anh nhé???

    Trong ví dụ của LNL có đề cập đến việc khi tăng chi phí khấu hao, doanh nghiệp tăng giá bán của sp để đảm bảo có lãi. Quan điểm này có thể sai lầm. Trong kinh doanh không phải cứ tăng giá bán thì mới thu được lợi nhuận. Sản phẩm đó có thể bán dưới giá thành nhưng vẫn có thể làm lợi cho doanh nghiệp do nó tạo ra phần đóng góp (contribution) để cover chi phí cố định. Mà khấu hao là một dạng chi phí cố định. Do vậy, khấu hao không hẳn là yếu tố quyết định khi xác định giá bán cũng như có tiếp tục kinh doanh sản phẩm đó nữa không.

    Nếu như khoản vay của bạn có thời hạn 5 năm, mỗi năm bạn phải trả 20 đồng (bỏ qua tiền lãi). Giả sử năm thứ nhất công ty bạn kinh doanh sau khi trừ các chi phí thì luồng tiền còn lại là 10 đồng (trước khi trả lãi vay). Trong khi đó tiền nợ vay phải trả là 20 đồng.
    Từ Chi phí ở đây nếu thay bằng chi phí bằng tiền (cash expense) thì có thể rõ ràng hơn.
  • Le Ngoc Loi
    7/31/2007 11:13:39 AM
    Phúc đáp ý kiến Bạn Gaubo.
    Nếu Bạn quan tâm đến Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ, Bạn sẽ hiểu được tại sao khấu hao nhanh làm tăng luồng tiền vào của Doanh nghiệp. Có rất nhiều người không cảm nhận được điều này trong kế hoạch khấu hao (một trong những khía cạnh của kế hoạch tài chính) nên thường ngộ nhận Chi Phí Khấu Hao chỉ đơn thuần làm giảm lợi nhuận chứ không hề tác động đến luồng tiền vào.

    Hãy thử nghiệm với ví dụ sau đây : Bạn lập một kế hoạch tài chính, trong đó CP vật liệu, Nhân công là 200; khấu hao là 100. Giá thành sản phẩm là 300. Bạn muuốn lãi thì phải bán 301 (hoặc lớn hơn). Bây giờ khấu hao 200, giá thành đã là 400 rồi, Bạn muốn bán có lãi (và thu tiền) thì Bạn phải bán 401 (hoặc lớn hơn). Do vậy, khấu hao đã là một yếu tố tạo tiền rồi đó.

    Nói về bản chất thì chắc chắn sẽ rất dài dòng. Bạn tìm tài liệu hướng dẫn cách lập "Báo cáo Lưu Chuyển tiền tệ" theo Phương pháp Gián tiếp, Bạn sẽ thấy vấn đề Tôi đưa ra là đúng. Hoặc Bạn có thể tham khảo ý kiến của các Chuyên gia Tài chính, Tôi tin rằng không ai có quan điểm khác Tôi đâu.
    Thân mến
    LNL
  • Trần Đức Nam
    7/28/2007 9:47:36 AM
    Chào bạn lengocloi,

    Tôi xin được trao đổi tiếp với bạn về quan điểm sau:

    Khấu hao là một dạng chi phí phi tiền tệ và làm tăng luồng tiền vào của doanh nghiệp. Nếu khấu hao không ảnh hưởng đến tiền thì làm gì có khái niệm "khấu hao nhanh để lấy lại vốn cho nhanh"!

    Trước hết tôi khẳng định lại khấu hao không có tác động gì đến luồng tiền của doanh nghiệp cả, ngoại trừ lợi ích về thuế (nếu có). Tôi nói nếu có là vì không phải lúc nào khấu hao nhanh cũng tiết kiệm được thuế. Giả sử doanh nghiệp của bạn chịu thuế suất thuế TNDN là 28% thì 100 đồng khấu hao tăng thêm bạn sẽ tiết kiệm được 28 đồng. Tuy nhiên, tôi ngờ rằng cái lợi ích của khấu hao tăng thêm mà bạn đề cập đến lại không liên quan tới thuế.

    Bây giờ tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy quan điểm "khấu hao nhanh để tăng luồng tiền vào của doanh nghiệp" không ổn ở chỗ nào.

    Giả sử bạn mới thành lập một doanh nghiệp và bạn phải đi vay 100 đồng để mua sắm tài sản cố định. Để đơn giản ta giả định doanh nghiệp của bạn thuộc dạng được ưu đãi đầu tư nên không phải nộp thuế TNDN.

    Nếu như khoản vay của bạn có thời hạn 5 năm, mỗi năm bạn phải trả 20 đồng (bỏ qua tiền lãi). Giả sử năm thứ nhất công ty bạn kinh doanh sau khi trừ các chi phí thì luồng tiền còn lại là 10 đồng (trước khi trả lãi vay). Trong khi đó tiền nợ vay phải trả là 20 đồng.

    Câu hỏi của tôi là bạn điều chỉnh khấu hao tài sản cố định kiểu gì để có thêm 10 đồng nữa để trả nợ?

    Xin cảm ơn!
  • Avatar
    Le Ngoc Loi
    7/27/2007 4:17:40 PM
    Trong vấn đề Bạn Gaubo có nói, thì thật ra, việc phân tích của Tôi là thay thế khái niệm TSCĐ và TSLĐ bằng tài sản dài hạn và tài sản ngắn hạn. Vì thuật ngữ Tài sản dài hạn phù hợp hơn vì các khoản đầu tư dài hạn đâu chỉ bao gồm TSCĐ. Tương tự như thế đối với Tài sản ngắn hạn. Từ lý luận đó, Tôi đã thoát ra được khỏi khái niệm Vốn Cố định và Vốn Lưu động. Sau đó, Tôi mới bàn về vấn đề nguồn vốn để hình thành Tài sản (nói chung). Không nói đến vốn tự có, hãy nói đến vốn vay hay vốn huy động khác xem. Nếu vay ngắn hạn mà mua sắm hay đầu tư vào tài sản dài hạn thì liệu có "nguy cơ lắm không" ? Ngoài ra, Bạn Gaubo quên nữa là khấu hao chính là lấy lại tiền. Khấu hao là một dạng chi phí phi tiền tệ và làm tăng luồng tiền vào của doanh nghiệp. Nếu khấu hao không ảnh hưởng đến tiền thì làm gì có khái niệm "khấu hao nhanh để lấy lại vốn cho nhanh"!

    Thân mến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét