Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

VỐN CỐ ĐỊNH VÀ VỐN LƯU ĐỘNG

VỐN CỐ ĐỊNH VÀ VỐN LƯU ĐỘNG


8Jun2007
186345 views
  Vốn cố định:

Định nghĩa: Vốn cố định là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ tài sản cố định của doanh nghiệp.

1.    Khái niệm tài sản cố định:

 Tài sản cố định là những tư liệu lao động đáp ứng hai tiêu chuẩn sau:

-         Thời gian sử dụng: Từ một năm trở lên

-         Tiêu chuẩn về giá trị: Phải có giá trị tối thiểu ở một mức nhất định do Nhà nước quy định phù hợp với tình hình kinh tế của từng thời kỳ (theo chế độ kế toán ban hành theo quyết định 15/2006/BTC thì TSCĐ có giá từ 10.000.000 trở lên)

2.    Phân loại TSCĐ:

a)    Cách phân loại thông dụng nhất là theo hình thái biểu hiện, TSCĐ được chia thành 2 loại: TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình.

       *    TSCĐ hữu hình: Là những tài sản có hình thái, vật chất, được chia thành các nhóm sau:

-         Nhà cửa, vật kiến trúc
-         Máy móc, thiết bị
-         Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn
-         Thiết bị, dụng cụ quản lý.
-         Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm.
-         Các TSCĐ hữu hình khác.

*    TSCĐ Vô hình:

  Là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện những lượng giá trị lớn mà doanh nghiệp đã đầu tư, liên quan đến nhiều chu kỳ kinh doanh. Bao gồm các loại sau:

-   Quyền sử dụng đất
-   Chi phí thành lập doanh nghiệp
-   Chi phí về bằng phát minh sáng chế
-   Chi phí nghiên cứu phát triển
-   Chi phí về lợi thế thơng mại
-   Quyền đặc nhượng
-   Nhãn hiệu th ươ ng mại…..

b)    Phân loại TSCĐ theo tình hình sử dụng, có các loại:

-   TSCĐ đang dùng
-   TSCĐ chưa dùng
-   TSCĐ không cần dùng và chờ thanh lý

c)    Phân loại TSCĐ theo công dụng kinh tế
d)    Phân loại TSCĐ theo mục đích sử dụng

 ---------------------------------

Vốn lưu động

1.    Nội dung của vốn lưu động:

Vốn lưu động là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ tài sản lưu động của doanh nghiệp.

Tài sản lưu động của doanh nghiệp thường gồm 2 bộ phận: Tài sản lưu động trong sản xuất và tài sản lưu động trong lưu thông.

Tài sản lưu động trong sản xuất là những vật tư dự trữ như nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu … và sản phẩm dở dang trong quá trình sản xuất.

Tài sản lưu động trong lưu thông bao gồm: Sản phẩm hàng hóa chờ tiêu thụ, các loại vốn bằng tiền, vốn trong thanh toán, các khoản phí chờ kết chuyển, chi phí trả trước …

2.    Phân loại vốn lưu động.

Để quản lý, sử dụng vốn lưu động có hiệu quả, thông thường vốn lưu động được phân loại theo các tiêu thức khác nhau:

a)    Phân loại theo hình thái biểu hiện: Theo tiêu thức này, vốn lưu động được chia thành:

- Vốn bằng tiền và vốn trong thanh toán

+ Vốn bằng tiền: gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, kể cả kim loại quý (Vàng, bạc, đá quý …)

+ Vốn trong thanh toán: Các khoản nợ phải thu của khách hàng, các khoản tạm ứng, các khoản phải thu khác..

-    Vốn vật tư hàng hóa (hay còn gọi là hàng tồn kho) bao gồm nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng thay thế, công cụ, dụng cụ lao động, sản phẩm dở dang và thành phẩm.

-    Vốn về chi phí trả trước: Là những khoản chi phí lớn hơn thực tế đã phát sinh có liên quan đến nhiều chu kỳ kinh doanh nên được phân bổ vào giá thành sản phẩm của nhiều chu kỳ kinh doanh như: chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, chi phí thuê tài sản, chi phí nghiên cứu thí nghiệm, cải tiến kỹ thuật, chi phí xây dựng, lắp đặt các công trình tạm thời, chi phí về ván khuôn, giàn giáo, phải lắp dùng trong xây dựng cơ bản …

b)    Phân loại vốn theo vai trò của vốn lưu động đối với quá trình sản xuất kinh doanh. Theo cách phân loại này vốn lưu động được chia thành 3 loại:

-     Vốn lưu động trong khâu dự trữ sản xuất: Bao gồm giá trị các khoản nguyên, vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu động lực, phụ tùng thay thế, công cụ, dụng cụ lao động nhỏ.

-     Vốn lưu động trong khâu sản xuất: Bao gồm giá trị sản phẩm dở dang và vốn về chi phí trả trước.

-      Vốn lưu động trong khâu lưu thông: Bao gồm giá trị thành phẩm, vốn bằng tiền, các khoản đầu tư ngắn hạn  (đầu tư chứng khoán ngắn hạn, cho vay ngắn hạn …) các khoản vốn trong thanh toán (các khoản phải thu, tạm ứng …)

Hãy đăng nhập để bình luận

  • tran quang
    7/8/2007 1:42:13 AM
    Tôi có ý kiến trao đổi về các loại vốn như sau:
    Thứ nhất, vốn là gì? Là biểu hiện về mặt giá trị của các loại tài sản trong DN. Vậy về mặt giá trị là gì? Nếu cứ hiểu giá trị là tiền thì cũng không hẳn vì trong vốn có vốn bằng tiền. Tuy nhiên, để tiền là vốn phải có những tiêu chuẩn như; phải đến một lượng nhất định, phải luôn vận động sinh lời...
    Thứ hai, vốn kinh doanh? Là biểu hiện toàn bộ giá trị các tài sản nhằm đem lại lợi ích cho DN. Vốn kinh doanh, theo đặc điểm chu chuyển (vận động) chia thành 2 loại: Loại thứ nhất là Vốn lưu động (VLĐ) và thứ hai là Vốn cố định (****).
    Giữa 2 loại vốn này người ta phải phân biệt ra để quản lý. Do đặc điểm chu chuyển khác nhau. **** có đặc điểm chu chuyển lâu dài do thời gian sử dụng của TSCĐ dài, do vậy quá trình thu hồi vốn lâu dài, kết thúc vòng tuần hoàn sau khi TSCĐ hết thời gian sử dụng (hoặc hết khấu hao). Do vậy trong quá trình quản lý cần phải quản lý cả trên 2 mặt hiện vật là các TSCĐ (chính vì thế mới có cái để mà tranh cãi là có cần đến **** không) và về mặt giá trị (quỹ khấu hao- những phần đã thu hồi) nhằm đảm bảo thu hồi đầy đủ ****. Nếu chỉ để riêng là TSCĐ vậy thì có cần quản lý quỹ khấu hao hay không? Đó chính là cái mà người quản lý tài chính khác kế toán.
    VLĐ có đặc điểm tuần hoàn liên tục, kết thúc chu kỳ tuần hoàn (T-H..SX...H'-T'; DN SX) sau mỗi chu kỳ SX và tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình chu chuyển, VLĐ luôn thay đổi hình thái biểu hiện từ vốn bằng tiền ban đầu, chuyển sang vốn vật tư, hh, sang sp dở dang, bán thành phẩm, sang vốn thành phẩm, kết thúc vòng tuần hoàn quay trở về hình thái ban đầu là vốn bằng tiền. Trong VLĐ có vốn bằng tiền, các khoản phải thu, vốn hàng tồn kho.
    Nói đến vốn là nói đến sự vận động của tài sản tồn tại ở nhiều hình thái khác nhau (máy móc, vật tư, hàng tồn kho, tiền...) Tài chính nghiên cứu sự vận động của dòng tiền ra vào. Kế toán ghi nhận phản ánh các TS, nguồn hình thành TS ở những thời kỳ một cách chính xác và trung thực. Người quản lý tài chính quan tâm đến sự vận động của vốn như thế nào? Đầu tư vào đâu, bao nhiêu, dùng nguồn nào, phân chia lợi nhuận ra sao... Đứng trên góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp thì cần phải phân biệt ra giữa vốn và tài sản đơn giản là để quản lý.
  • Sinh Phúc
    7/5/2007 8:33:08 AM
    Tôi muốn thêm một số chi tiết về phần tiêu chuẩn của tài sản cố định!! Theo chuẩn mực kế toán VN thì các tài sản được ghi nhận là TSCĐ thì phải có 4 tiêu chuẩn, bao gồm 2 tiêu chuẩn đã được bạn Kimchi nêu ở trên và 2 tiêu chí nữa đó là:
    • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
    • Nguyên giá của tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy. Nguyên giá của TSCĐ là giá trị ban đầu của TSCĐ đó. Cụ thể phải được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã đầu tư để có được tài sản đó.
    Cảm ơn!!
  • Le Ngoc Loi
    7/4/2007 12:04:33 PM
    Tôi xin đưa ra ý kiến như thế này. Theo thuật ngữ tài chính, "vốn lưu động" chính là khoản tiền ứng ra để mua sắm các "tài sản lưu động", "Vốn cố định" là khoản tiền ứng ra cho những "Tài sản cố định" hiện hành của doanh nghiệp. Vốn ở đây thể hiện phần nguồn hình thành nên tài sản nói chung của doanh nghiệp.
    Đối với ý kiến của Bạn KimChi, thì kế toán không bàn đến Vốn cố định hay Vốn lưu động. Trước đây, kế toán vẫn giữ quan điểm này, nhưng sau này thì không nói "Vốn bao gồm vốn lưu động và vốn cố định nữa", vì đã là vốn thì đừng phân tích vốn đó dùng để mua cái gì ! Một chuyên gia của Bộ Tài chính khi giải thích nguyên nhân mà Bộ Tài chính bỏ các mục "Vốn cố định và Vốn lưu động" trong bảng CĐKT là : "Kế toán không thể cầm 2 đồng trong tay, lúc nào cũng nghĩ, đồng này mua mắm, đồng này mua rượu !" do đó khái niệm vốn Cố định và Vốn lưu động đã bị bỏ đi trong các Báo cáo Kế toán.
    Đối với tài chính, vấn đề phân tích chắc hẵn cũng đi theo chiều hướng này. Khi phân tích tài chính của doanh nghiệp, chúng ta phải xem xét rằng : khoản vốn dài hạn mà doanh nghiệp có hoặc vay dài hạn dùng để tài trợ cho tài sản dài hạn hay dùng tài trợ mua sắm tài sản ngắn hạn, hoặc là : vốn ngắn hạn (bao gồm vốn tự có và vốn vay ngắn hạn) tài trợ bao nhiêu cho tài sản ngắn hạn. Bạn GauBo chỉ cần phân biệt là : những tài sản ngắn hạn hiện hành của doanh nghiệp (phải thu ngắn hạn, công cụ dụng cụ, ...) được hình thành từ vốn ngắn hạn hay không ! tương tự như thế đối với tài sản dài hạn. Tại sao phải phân biệt ? Tôi cho bạn một ví dụ thế này : DN-A có vốn tự có là 100, nhu cầu mua sắm nguyên vật liệu, hàng hóa và dự trữ thanh toán hết 40 rồi, còn lại 60 dùng để mua sắm TS cố định như máy móc, thiết bị (tài sản dài hạn - vì thời gian thu hồi > 1 năm). Nhưng vì giá trị máy móc mua đến 80, vậy thiếu 20 lấy ở đâu ra? Đi vay 20, được, nhưng vay ngắn hạn (1 năm). Đến đây, rõ ràng vốn dài hạn chỉ có 60 nhưng Tài sản dài hạn đến 80, tức là Bạn dùng Vốn dài ngắn hạn tài trợ cho Tài sản dài hạn, vậy đến hạn trả nợ 20 (vốn ngắn hạn) bạn lấy đâu ra tiền để trả ? vì bạn khấu hao tài sản dài hạn còn lâu mới kịp !
    Vì vậy, việc phân biệt TS Dài hạn - Vốn dài hạn và TS ngắn hạn - Vốn ngắn hạn rất cần trong phân tích và quản trị tài chính .
    Thân mến
    LNL
  • Thu Huyền
    6/11/2007 4:33:54 PM
    Tôi thấy "Vốn" và "Tài sản" thực chất là một. Ngày trước trong các bảng CĐKT người ta thường sử dụng Vốn và Nguồn vốn (bây giờ thì thường dùng Tài sản và Nguồn vốn). Như vậy thực chất "Vốn" và "Tài sản" là một. Vốn là biểu hiện bằng tiền hình thành nên tài sản của DN, còn "Nguồn vốn" là nguồn hình thành nên vốn đó, vốn đó được xuất phát từ nguồn nào. Ngày nay, có lẽ để dễ phân biệt và tránh nhầm lẫn, người ta sử dụng Tài sản và Nguồn vốn thay vì dùng Vốn và Nguồn vốn
  • Phan Xuân Phong
    6/11/2007 11:50:55 AM
    Đứng ở khía cạnh Kế toán- nhằm mục đích để kiểm tra-kiểm soát & quản lý doanh nghiệp (có tuân thủ đúng chế độ, có vi phạm pháp luật về về khía cạnh tài chánh không,...), nên khi đề cập đến Bảng cân đối kế toán người ta phân ra làm 2 phần: Nguồn vốn (NV) vs Tài sản (TS). Khi nói đến NV, nhà quảnlý  muốn biết TIỀN doanhnghiệp có là từ đâu: tự bỏ ra (vốn ĐKKD, lợi nhuận tích lũy để lại chuyển sang vốn kdoanh,tăng vốn góp cổ đông,....), vốn huy động-tài trợ (vốn vay mượn) và vốn chiếm dụng (tạm thời) từ mua bán thương mại. Khi đề cập đến phần TS, nhà quản lý quan tâm đến NV (DN có ở trên) được anh sử dụng làm gì? mua sắm tài sản cố định (tham khảo khái niệm TSCĐ - thông thường ở những công ty SẢN XUẤT- tích luỹ rất ít ở các công ty THƯƠNG MẠI); đầu tư tài chánh (ngắn hạn: giấy tờ có giá,... dài hạn: góp vốn liên doanh,...) mua NVL, hàng tồn kho, hoặc là tiền mặt.
    Đứng ở khía cạnh Tài chánh- nhằm mục đích kiểm soát luồn tiền ra vô để có thể khai thác tối ưu lợí ích tài chánh mang lại, chủ động, cân đối nguồn tiền lên kế hoạch kinh doanh,... thì mới xuất hiện các từ Vốn cố định-TSCĐ, vốn lưu động-TSLĐ được xác định theo tiêu chí thời gian tồn tại và tính ổn định của nguồn vốn và tài sản hình thành. Thông thường nói một cách ngắn gọn: Vốn cố định (vốn Chủ sở hữu, vốn vay dài hạn) dùng để đầu tư TSCĐ, khi thiếu hụt sẻ dùng nguồn vốn ngắn hạn → có thể thiếu hụt thanh khoản thanh toán ngắn hạn, nếu dư thừa vốn dài hạn (lãi suất cao) → bổ sung cho vốn kinh doanh ngắn hạn → chi phí gia tăng.
    Thanks
  • Long Phan
    6/11/2007 10:43:28 AM
    Thực chất của từ "vốn" trong bài trên là "tài sản" của doanh nghiệp. Một số giáo trình của trường đại học ở VN vẫn chưa thực sự phân biệt tài sản và nguồn hình thành nên tài sản (assets and how they are financed).

    Tài sản là cái có thực (real assets, bao gồm cả visible và invisible), doanh nghiệp sử dụng tài sản để hoạt động sxkd. Có tài sản thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển được.

    Vốn, hay nguồn hình thành tài sản, cho thấy tài sản của doanh nghiệp được tài trợ như thế nào. Doanh nghiệp đi vay để mua tài sản, góp vốn của cổ đông để mua tài sản, vay ngắn hạn hay vay dài hạn,...

    Do vậy, không thể phân loại vốn theo tiêu chí như bài trên.

    Theo tôi, tiêu chí phân loại trên xuất phát từ cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước từ thập kỷ 80 -90. Theo đó, nhà nước giao "vốn" cho doanh nghiệp chứ không giao "tài sản".

    Một tài sản tại DNNN như Ô tô được quản lý cả về mặt hiện vật và nguồn hình thành. Khi đó, doanh nghiệp không có quyền chủ động đối với tài sản đó. Ví dụ như khi ô tô đó hỏng cần thay thế, DN cần xin phép, và nếu chưa được phép và cũng chưa có nguồn (e.g nguồn vốn cố định năm đã sử dụng hết) thì chiếc ô tô hỏng vẫn nằm chềnh ềnh ở đó, còn DN có tiền cũng chẳng mua ô tô mới được.
  • kimchi
    6/11/2007 10:40:42 AM
    Bạn gaubo thân mến!
    Vốn kinh doanh của doanh nghiệp gồm có vốn cố định và vốn lưu động. Các danh từ này thường dùng trong tài chính chứ không dùng trong kế toán cho nên bảng cân đối kế toán bạn không thấy nó xuất hiện. Nó là 2 mặt của một vấn đề. Cũng như trên bảng cân đối kế toán phân ra 2 phần là phần tài sản và phần nguồn vốn, mặc dù biểu hiện bằng tiền của chúng là bằng nhau.
    Hiểu được khái các khái niệm này ta sẽ đi sâu vào phân tích các chỉ tiêu khác như:
    - Xác định nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp
    - Đánh giá hiệu suất sử dụng vốn lưu động, vốn cố định và vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
    * Hiệu suất sử dụng vốn lưu động:
                 + Tốc độ luân chuyển vốn lưu động
                 + Kỳ luân chuyển vốn lưu động
                 + Mức tiết kiệm vốn lưu động do tăng tốc độ luân chuyển vốn
    * Hiệu suất sử dụng vốn cố định:             + Hiệu suất sử dụng vốn cố định
                 + Hiệu suất sử dụng tài sản cố định
                 + Tỷ suất lợi nhuận vốn cố định
                 + Hệ số hao mòn TSCĐ
                 + Hệ số huy động tài sản cố định.
                 + Các chỉ tiêu về kết cấu TSCĐ
    * Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp:
                 + Tỷ suất lợi nhuận vốn kinh doanh trước thuế và lãi vay (hay hệ số khả năng sinh lời của vốn kinh doanh)
                 + Tỷ suất lợi nhuận vốn kinh doanh
                 + Tỷ suất lợi nhuận ròng vốn kinh doanh
                 + Tỷ suất lợi nhuận ròng vốn chủ sở hữu ...
    Lần sau có thời gian tôi sẽ post bài kỹ hơn về vấn đề này
  • Avatar
    Trần Đức Nam
    6/11/2007 7:05:19 AM

    Tôi có thắc mắc thế này: tại sao lại gọi là "Vốn cố định" và "Vốn lưu động". Bảng Cân đối tài sản của một doanh nghiệp có 2 phần chính là Tài sản và Nguồn vốn. Trong đó Nguồn vốn là nguồn lực tài chính mà chủ doanh nghiệp bỏ ra hoặc huy động (ví dụ vay) để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Các nguồn lực tài chính này sau đó được sử dụng để mua sắm các máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ, đầu tư..., gọi chung là tài sản.

    Như vậy có thể thấy vốn và tài sản là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Không hiểu sao vẫn được sử dụng lẫn lộn như vậy. Tôi đã cố gắng tìm hiểu trong từ điển tiếng Việt, nhưng giải thích cũng không rõ nghĩa lắm. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ các cách phân loại trong bài viết này thì tôi thấy nếu có gọi "vốn lưu động" là "tài sản lưu động", "vốn cố định" là "tài sản cố định" thì cũng chẳng có gì sai cả.

    Ví dụ: khi nói "Tài sản cố định của doanh nghiệp A là 5 tỷ đồng" thì đâu có gì sai, thậm chí theo tôi còn chuẩn hơn nói "Vốn cố định của doanh nghiệp A là 5 tỷ đồng".

    Mong các chuyên gia về ngôn ngữ học cho ý kiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét