Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Khủng Hoảng Trung Quốc

Khủng Hoảng Trung Quốc

Khủng Hoảng Trung Quốc
Tác giả: Hùng Tâm/NV
Vì sao bị khủng hoảng và tại sao thiên hạ không thấy?
Sau nhiều tháng phân vân, hầu hết giới bình luận kinh tế đều đã có chung một nhận định. Rằng kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với một vụ khủng hoảng tài chánh tương tự như Nhật Bản năm 1989-90, Nam Hàn năm 1997-98, hay Hoa Kỳ năm 2008-09. Và sau đó sẽ là một vụ khủng hoảng kinh tế kéo dài trong nhiều năm, như Nhật Bản đã từng gặp từ 1991 đến nay. 
Với nhiều người theo dõi tình hình kinh tế và chính trị Trung Quốc từ lâu – phải hơn chục năm – chuyện khủng hoảng không là bất ngờ mà còn được tiên báo, nhưng ít được chú ý vì trái với nhận định của “dòng chính” (mainstream). Nhiều quỹ đầu tư, giáo sư kinh tế hay chuyên gia học giả không ngớt lời ngợi ca phép lạ kinh tế của Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng trên 10% một năm trong mấy chục năm liền và đã vượt qua sản lượng của Ðức, rồi Nhật. Từ đó, người ta dự báo Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để có nền kinh tế đứng đầu thế giới trong thập niên này.

Bây giờ thì mọi chuyện đều đảo ngược. Theo sau các quỹ đầu tư bị lỗ vốn khi quá tin tưởng vào triển vọng kinh tế Trung Quốc, nhiều nhà bình luận đã bắt đầu xét lại… Tác giả xin nêu câu hỏi là “Tại sao ít ai nhìn ra chuyện này?”

MEA CULPA 2008-2012


Muốn có giải đáp, chúng ta hãy nhìn vào chuyện gần rồi mới tìm hiểu về chuyện xa.
Cuối năm 2007, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm (recession) là khi đà tăng trưởng giảm sút trong hai quý liền. Nạn suy trầm xảy ra sau giai đoạn sung mãn của thị trường gia cư từ quãng 2002 đến 2006. Ðầu năm 2008, khủng hoảng tài chánh đã từ Âu Châu lan về Hoa Kỳ và bùng nổ với sự sụp đổ của các tổ hợp đầu tư Bear Sterns rồi Lehman Brothers, tập đoàn bảo hiểm AIG, v.v…

Từ đó, kinh tế thế giới bị “Tổng suy trầm” (Global Recession) trong hai năm liền.

Ðấy là lúc các chuyên gia, học giả, báo giới và chính khách nói đến một vụ Tổng khủng hoảng của Tư bản Chủ nghĩa, chẳng khác gì thời 1929-1933, và sự suy thoái (depression) của Hoa Kỳ sau khi đã chi tiêu và bành trướng quá mạnh. Nhận định ấy sai, nhưng không thuộc phạm trù về bài này.

Khi đó, truyền thông báo chí hùa theo sự lạc quan hồ hởi của các quỹ đầu tư mà nói về chương trình kích thích kinh tế vĩ đại của Trung Quốc, khởi sự từ tháng 11 năm 2008 và tiếp tục cho đến năm 2010 là khi kinh tế xứ này vượt qua Nhật Bản. Theo phản ứng bày đàn, như trong một vụ trứng cút tại Việt Nam, nhận định chung của nhiều người là “may quá còn có Trung Quốc!”
Nhờ ngân khoản kích cầu khổng lồ để bù vào sự suy trầm chung của Hoa Kỳ rồi Âu Châu, Trung Quốc vẫn duy trì được sức tăng trưởng cao. Chẳng những không hề sa sút mà còn có thể là một đầu máy cho kinh tế thế giới. Giai đoạn lạc quan ấy kéo dài cho đến đầu năm 2012, khi Trung Quốc lại chuẩn bị Ðại hội đảng Khóa 18 vào cuối năm với nhiều biện pháp kích thích nữa. Ðấy là lúc người ta nói đến trào lưu tất yếu là “Tàu sẽ vượt Mỹ”.

Nhiều người còn đề cao mô hình phát triển của Trung Quốc như giải pháp có giá trị hơn, nhờ sự can thiệp sáng suốt của một nhà nước anh minh, cũng tương tự như ông Obama của Mỹ! Ðến cuối năm 2012 thì người ta mới bàng hoàng nhận ra một sự thật khác là cổ phiếu Trung Quốc rớt như cục gạch và núi nợ ngân hàng cao chất đống bắt đầu rung chuyển….

Qua năm 2013 thì nhạc lắng mây chìm! Nhiều quỹ đầu tư thành thật khai báo với thân chủ rằng “lỗi tại tôi mọi đàng,” mea maxima culpa.

Sai ở đâu?


Ðây là những lý do đầu tiên và dễ thấy nhất của sự sai lầm vĩ đại của giai đoạn 2008-2012.Trên thế giới, người ta có 1) nền kinh tế đã phát triển (của khối công nghiệp hóa là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, cộng với một số quốc gia tiên tiến như Canada, Úc, Tân Tây Lan) và 2) các nền kinh tế đang phát triển. Trong nhóm đang phát triển hay đang lên (emerging), có Trung Quốc.

Quy luật vận hành của hai khối kinh tế đã và đang phát triển có khác biệt chứ không hoàn toàn giống nhau. Một khác biệt nữa là các nước công nghiệp hóa đều theo chế độ dân chủ và công khai hóa mọi vấn đề lẫn tranh luận về giải pháp. Họ tạo ra một hình ảnh hỗn loạn, bất nhất và thiếu ổn định. Nghĩa là sự bất trắc của chủ nghĩa tư bản!

Trong khối đang phát triển lại còn có hai loại quốc gia. Nhiều nước có tài nguyên thiên nhiên như nguyên nhiên vật liệu và nhiều nước có dân số đông đảo như nguồn lực chính của phát triển, là trường hợp Trung Quốc. Tuy nhiên, nét tương đồng của khối này là thông tin thiếu minh bạch, thị trường thăng giáng thất thường, quản trị kém về kinh doanh và quản lý kém về kinh tế. Vì vậy họ mới là “đang phát triển.”

Người ta đã chủ quan nhìn vào quy luật vận hành của các nước đã phát triển mà đánh giá các nền đang phát triển và vì vậy nhận định sai về những rủi ro khi đầu tư.

Các nước đã phát triển đều tiến lên trình độ trưởng thành với mức tăng trưởng thấp, nghĩa là doanh lợi đầu tư cũng thấp hơn các thị trường mới nổi, là nơi có thể kiếm lời rất nhanh và nhiều, mà cũng bị rủi ro lớn. Người ta đánh giá sai những rủi ro tại Trung Quốc, nên mới hồ hởi sảng.

Các quỹ đầu tư vào thị trường Hoa lục, hay “chuyên gia về Trung Quốc” còn tác động vào dư luận qua truyền thông báo chí để chỉ nhấn mạnh đến phần tích cực của Trung Quốc và càng làm dư luận nhìn sai sự thật.

Chuyện sai lầm này còn dễ xảy ra khi công chúng suy đoán rằng tương lai là một nối tiếp hay phóng dội của quá khứ. Vì kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 10% một năm so với 2-3% – hay còn thấp hơn – của khối công nghiệp hóa, tương lai sẽ là một sự vượt bậc. Làm ăn tại các nước đã phát triển mà lời được 5% một năm thì khó, chứ tại Trung Quốc thì có thể lời gấp ba.

Hai sai lầm ấy – nhìn sai quy luật bất trắc của các nước đang phát triển và cả tin vào kết quả đã qua để dự báo tương lai – là lý do phổ biến nhất.

Lý do thứ ba thuộc một lãnh vực chuyên môn hơn. Kinh tế các nước đều phải có khả năng phát triển bình hòa tự nhiên chứ không thể mãi mãi trông cậy vào sự kích thích của nhà nước. Biện pháp kích thích là bất thường và hãn hữu khi sản xuất sút giảm, và phải chấm dứt để khỏi là liều thuốc đổ bệnh. Một thí dụ là kinh tế Hoa Kỳ được kích thích với ba đợt QE, là điều bất thường.

Khi tình hình đã khả quan hơn thì việc bơm tiền phải giảm dần và lượng tiền bơm ra sẽ phải được hút về. Tháng Sáu vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ gọi việc điều chỉnh này là “taper,” vuốt lại biện pháp kích thích. Trong mấy ngày qua, khi giới chức ngân hàng dự trữ tại Dallas, Chicago rồi St. Louis, Cleveland nhận định là tháng Chín này thì có thể hãm đà bơm tiền, các thị trường cổ phiếu đều rớt giá vì sợ mất cơ hội kiếm lời. (Bài “Kinh tế cũng là Chính trị” của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa có giải thích chuyện đó trên cột báo này vào Thứ Ba vừa qua).

Tại Trung Quốc, biện pháp kích thích bằng đầu tư và tín dụng của nhà nước còn cao gấp bội nếu so với Hoa Kỳ và khi khối tín dụng ấy vượt quá 220% Tổng Sản Lượng GDP trong có mấy năm thì người ta phải thấy là có sự gì đó rất bất thường. Vài con số sau đây có thể cho thấy sự bất thường đó:

Kinh tế Hoa Kỳ có sản lượng cỡ 16 ngàn tỷ đô la, biện pháp kích thích kiểu QE từ 2008 đến nay lên tới khoảng hơn hai ngàn 400 tỷ, đang được coi là quá lớn nên phải “vuốt lại.” Kinh tế Trung Quốc có sản lượng chừng tám ngàn tỷ mà lại được kích thích bằng tín dụng đến 23 ngàn tỷ đô la thì sẽ là liều thuốc đổ bệnh.

Nhưng vấn đề không chỉ là những nhận định sai lầm trong giai đoạn ngắn hạn từ sau vụ Tổng suy trầm. Nền kinh tế Trung Quốc có nhiều nhược điểm sâu xa hơn. Cho nên sau một vụ khủng hoảng tài chánh vì bơm tiền quá nhiều thì sẽ còn bị một vụ khủng hoảng kinh tế.

Chúng tôi xin liếc qua chuyện đó trong cơ cấu kinh tế Trung Quốc.

Nhược điểm căn bản và sâu xa


Sau khi Ðặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ đầu năm 2009, Trung Quốc chỉ áp dụng chiến lược phát triển của Nhật Bản, lấy đầu tư và xuất cảng làm lực đẩy. Kết quả ngoạn mục mà không là phép lạ là lực lượng lao động đã được giải phóng.Mấy trăm triệu dân được phép làm ăn mà không bị trưng thu hay cấm đoán như dưới thời Mao Trạch Ðông.

Nhưng kết quả cứ gọi là ngoạn mục ấy cũng là những thống kê không đáng tin, cao hơn thực tế, và lại che giấu những phí tổn phi kinh tế hay vô hình vì khó đếm: sự hủy hoại môi sinh. Giải quyết bài toán môi trường này sẽ là một nan đề của tình trạng “tăng trưởng thiếu phẩm chất.” Trung Quốc sẽ mất nhiều thế hệ cho bài toán này.

Hiện tượng tăng trưởng thiếu phẩm chất còn có một tai họa cụ thể và dễ thấy hơn: sự lãng phí trong đầu tư.

Nhiều dự án hay kế hoạch có giá trị kinh tế rất thấp vẫn cuốn hút tài nguyên của nhà nước, gây vấn đề cho môi sinh và thổi lên bong bóng đầu cơ. Chúng được duy trì vì đem lại lợi lộc cho các đảng viên cán bộ và tay chân thân tộc. Nghĩa là Trung Quốc đầu tư rất nhiều với kết quả rất thấp và gây lãng phí rất cao mà nhà nước vẫn cứ bơm tiền kích thích nên sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chánh vì doanh nghiệp phá sản và ngân hàng vỡ nợ.

Một nhược điểm khác còn sâu xa hơn nữa, đó là địa dư hình thể cực kỳ bất lợi của Trung Quốc.

Khu vực duyên hải là nơi dễ sống và tạo lực đẩy cho xuất cảng nên thu hút đầu tư rất mạnh vì tương đối có hiệu năng đầu tư cao hơn. Khu vực nội địa, nơi sinh sống của 900 triệu người trên hai phần ba diện tích toàn quốc, mới là vùng lạc hậu.

Hiệu năng đầu tư ở nơi đây quá thấp và ít được chú ý nên đào sâu sự dị biệt và bất công. Chính quyền trung ương tại Bắc Kinh có thấy vấn đề và đã nhiều lần tìm cách điều chỉnh kể từ hai chục năm nay mà chưa thành công. Một trong nhiều nguyên do là sự cưỡng chống hay cản trở của các đảng bộ địa phương.

Trung ương không mạnh như người ta thường nghĩ và hệ thống chính trị Trung Quốc không khắc phục được bài toán này của thiên nhiên và địa dư hình thể.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thiếu rất nhiều tài nguyên. Loại chiến lược là năng lượng hay cả thực phẩm thì vẫn phải nhập cảng. Loại sinh tử vì không có thì chết, là nước ngọt, lại còn khan hiếm hơn. Lãnh đạo xứ này đã lạm thác rặng Hy Mã Lạp Sơn và thượng nguồn của các dòng sông lớn để tìm ra nước mà không xong. Họ đã lấy nước sông Trường giang (Dương Tử) để bổ sung cho Hoàng Hà và gây ô nhiễm nặng mà vẫn thiếu nước, trong khi 90% mạch nước ngọt đều bị nhiễm độc.

Sức mạnh sau cùng là dân số rất đông thì cũng bắt đầu có vấn đề sau ba chục năm kế hoạch hóa gia đình theo kiểu “mỗi hộ một con.” Dân số Trung Quốc hết tăng và sẽ giảm từ năm 2026 và tỷ lệ cao niên đang thành gánh nặng mà thành phần đang ở tuổi lao động sẽ phải cưu mang. Tức là Trung Quốc cũng bị hiện tượng lão hóa và không thể tăng trưởng mạnh như trước.

Sau cùng, khi nhược điểm của chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư và xuất cảng đã tỏ lộ, lãnh đạo của họ phải tìm cách cân bằng lại lực đẩy, là nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa.

Ðấy là trọng tâm của kế hoạch cải cách và chuyển hướng. Nhưng chưa chắc là họ sẽ thành công vì những nhược điểm tích lũy vừa nói ở trên, kể cả sự cản trở của các nhóm lợi ích ngay trên thượng tầng. Nếu như có thành công thì trong 10 năm tới, đà tăng trưởng sẽ sút giảm mạnh, ở dưới mức 5% một năm và có thể còn thấp hơn. Rủi ro xã hội và chính trị của mức tăng trưởng thấp có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Kết luận ở đây là gì?


Trung Quốc sẽ phải chuyển hướng và cải cách theo quy luật tự do hơn của tư bản chủ nghĩa thì mới thoát hiểm về kinh tế. Ðấy là chủ trương của thế hệ lãnh đạo mới. Nhưng khi ấy, đảng sẽ gặp mâu thuẫn về chính trị hay tư tưởng “Xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc” của một đảng Cộng sản có còn giá trị gì không? Ðây là câu hỏi cho học giả hàn lâm! Một cách lạc quan thì thế giới có cả chục quốc gia đông dân khả dĩ bù đắp vào giai đoạn sa sút của Trung Quốc nên sẽ thu hút đầu tư và tìm ra cơ hội mới. 

Nhưng trong số này KHÔNG có Việt Nam vì lãnh đạo Hà Nội học đúng bài bản của Trung Quốc nên kinh tế đang bị khủng hoảng.

Và khi Trung Quốc có loạn, hoặc nếu Trung Quốc có loạn, Việt Nam sẽ bị hậu quả đầu tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét