Đọc để so sánh với tình trạng số liệu thống kê của Việt Nam. Lần này về VN, tôi đã gặp một số lãnh đạo ngành thống kê để kêu gọi họ sớm đưa các chỉ tiêu tài chính, tiền tệ... vào Niên giám Thống kê.
Thống kê kinh tế Trung Quốc : Một trò đánh đố
Bến cảng chở hàng xuất khẩu tại tỉnh Liêu Ninh - REUTERS
Trọng NghĩaTrong những năm gần đây, các thị trường tài chính thế giới lúc nào cũng phải nôn nóng chờ đón các số liệu thống kê kinh tế Trung Quốc được Bắc Kinh thông báo. Thế nhưng, ngày càng có nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về độ tin cậy của các số liệu chính thức Trung Quốc, bị tình nghi là bị chính quyền thao túng và bóp méo vì động cơ chính trị.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP ngày 15/08/2013 vừa qua, giới phân tích đang càng lúc càng hoài nghi trước các chỉ số kinh tế tối quan trọng như GDP của Trung Quốc chẳng hạn, vào lúc mà càng ngày càng có khác biệt giữa số liệu chính thức của Bắc Kinh với ước tính của các chuyên gia liên quan đến các lãnh vực khác nhau, đặc biệt là số liệu về ngoại thương.
Sản xuất theo số Nhà nước thì tăng, nhưng theo HSBC thì giảm
Một ví dụ gần đây nhất là chỉ số PMI của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Theo thống kê của chính phủ, chỉ số này đã tăng từ 50.1 trong tháng Sáu, lên thành 50.3 trong tháng Bảy, tức là sản xuất có tăng. Thế nhưng, theo tính toán của các chuyên gia ngân hàng HSBC rất có uy tín, chỉ số PMI của Trung Quốc lại biến thiên theo chiều ngược lại, từ 48.2 trong tháng Sáu, xuống còn 47.7 trong tháng Bảy.
Trong một nhận xét của mình, Stephen Green, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered đã không ngần ngại mỉa mai : « Nếu mà có một chỉ số đo lường mức độ hoài nghi đối với số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, thì lần này chỉ số đó sẽ đạt mức kỷ lục ».
Nguyên nhân rất đơn giản. Căn cứ vào toàn cảnh kinh tế Trung Quốc và thế giới hiện nay, tất cả các nhà quan sát đều dự báo rằng chỉ số PMI của nước này phải giảm, chứ không thể nào tăng như thống kê chính thức được Bắc Kinh đưa ra !
Giáo sư tài chính học Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh giải thích : « Một trong rất nhiều vấn đề ở Trung Quốc là số liệu thống kê luôn được coi là hàm chứa một ý nghĩa chính trị ».
Một trong những dấu hiệu bất thường được vị giáo sư này nêu bật là sự kiện Trung Quốc tính toán và công bố các thống kê hàng tháng và hàng năm nhanh hơn nhiều so với Pháp, một nước có nền kinh tế nhỏ hơn nhiều nhưng số liệu thống kê nổi tiếng là chính xác hơn.
Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, ông Pettis không khỏi bâng khuâng : « Điều đó buộc ta phải tự hỏi là làm thế nào mà người Trung Quốc lại có thể thống kê nhanh hơn người Pháp như vậy. Điều này quả là một vấn đề ».
Bình quân tỷ lệ tăng trưởng của các tỉnh cao hơn tỷ lệ chung của cả nước !
Theo AFP, lâu nay, các chuyên gia luôn nghi ngờ sự xác thực của các số liệu do các quan chức địa phương cung cấp. Do việc sự nghiệp những người này chủ yếu phụ thuộc vào thành tích kinh tế tại khu vực họ quản lý, họ rất dễ sa vào việc « tô hồng » thực tế để lập công.
Đối với ông Toshiya Tsugami, giám đốc một công ty tư vấn, nguyên là cựu tham tán kinh tế tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, khuyết điểm nằm ở cơ cấu chính trị của Trung Quốc, giao quyền hạn hành chính rộng lớn cho các địa phương, trong lúc chính quyền trung ương lại giữ quyền cất nhắc và thăng chức.
Ông Tsugami giải thích : « Các lãnh đạo địa phương do đó đã lao vào một cuộc cạnh tranh gay gắt để vùng của họ phô trương được một tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất, qua đó giúp họ thăng quan tiến chức. Do việc họ đồng thời chịu trách nhiệm công bố số liệu thống kê, cho nên họ rất dễ dàng thổi phồng số liệu ».
Giáo sư Pettis cũng công nhận thực trạng nói trên. Theo ông, nếu cộng các tỷ lệ tăng trưởng của tất cả các tỉnh Trung Quốc lại với nhau, rồi tính bình quân, thì con số đạt được cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng của cả nước, « một điều tất nhiên là phi lý ».
Trong bối cảnh đó, tỷ lệ tăng trưởng thực thụ của Trung Quốc, theo các chuyên gia, hoàn toàn có thể là không « hoành tráng » như Bắc Kinh từng công bố. Ông Stephen Green thuộc ngân hàng Standard Chartered chẳng hạn, đã so sánh các số liệu khác nhau về lạm phát để chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ là 7,2% trong năm 2011, và 5,5% trong năm 2012 - thấp hơn số liệu của chính phủ là 9,3% và 7,8%.
Bản thân ông Stephen Greencũng phải công nhận rằng tính toán của ông cũng chỉ là một trò đánh đố vì « để đặt vấn đề về các số liệu chính thức, ta lại phải dùng các con số chính thức (khác) », cũng thuộc loại có vấn đề !
Trong một bài nghiên cứu công bố tuần trước, Giáo sư Christopher Balding thuộc Trường Kinh doanh Ngân hàng HSBC của Đại học Bắc Kinh cho rằng số liệu « thiên lệch » về lạm phát, trong đó có giá bất động sản, có xu hướng thổi phồng một cách đáng kể quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã vươn lên đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ.
Trong một bản tóm lược gởi đến AFP, chuyên gia này nói rõ : « Nếu chúng ta điều chỉnh lại giá (chính thức) của bất động sản một cách chặt chẽ hơn, điều đó sẽ làm cho tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng thường niên ở Trung Quốc tăng thêm 1%, với hệ quả là GDP thực tế nước này bị mất đi hơn 1.000 tỷ đô la "(khoảng 12%) ».
Ngay Thủ tướng Trung Quốc cũng dè dặt với thống kê chính thức
Không chỉ có giới chuyên gia ngoại quốc là không tin tưởng nhiều vào số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc. Hãng AFP nhắc lại : Chính đương kim Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, cách đây vài năm đã thừa nhận là bản thân ông cũng phải thận trọng trước các chỉ số kinh tế chính thức.
Theo một điện mật của ngành ngoại giao Mỹ được WikiLeaks tiết lộ, vào năm 2007, khi còn là lãnh đạo tỉnh Liêu Ninh (miền Đông bắc Trung Quốc), ông Lý Khắc Cường đã tâm sự với Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh rằng một vài số liệu của Trung Quốc được « chế tạo một cách thủ công », và do đó không đáng tin cậy.
Chính ông Lý Khắc Cường đã cho biết rằng bản thân ông, khi muốn đánh giá tình trạng kinh tế thực sự của tỉnh ông phụ trách, ông chỉ tập trung vào ba chỉ số : mức tiêu thụ điện, mức độ vận chuyển hàng hóa qua đường sắt và khối tín dụng đã cấp phát.
Theo bức điện được WikiLeaks tiết lộ, ông Lý Khắc Cường đã kết luận với một nụ cười rằng : « Tất cả các con số khác, đặc biệt là số liệu thống kê về GDP, chỉ mang tính chất tham khảo để biết thông tin mà thôi. »
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130817-thong-ke-kinh-te-trung-quoc-mot-tro-danh-do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét